1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người Sài thành quay cuồng trong “cơn khát”

(Dân trí) - Nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân thành phố tăng cao đã khiến nhiều khu vực ở cuối nguồn cung cấp nước máy rơi vào tình trạng “khô kiệt”. Cư dân ở quận 7, huyện Nhà Bè đang phải mua nước sạch với giá “cắt cổ”.

Người Sài thành quay cuồng trong “cơn khát”  - 1
Xe bồn và sà lan liên tục tiếp nước nhưng chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu của người dân.
 
Khan hiếm nước sinh hoạt vào mùa khô không phải là chuyện mới đối với người dân thuộc các khu vực Phú Thuận, Bình Thuận, quận 7; xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè và một phần của quận Gò Vấp, song việc thiếu nước sinh hoạt trầm trọng khi mới bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm của mùa khô như năm nay đã khiến cho nhiều hộ gia đình lâm vào tình cảnh “khóc dở mếu dở”.
 
Đã gần 2 tháng nay, khu vực đường Huỳnh Tấn Phát nối liền giữa quận 7 và huyện Nhà Bè, cảnh mua bán nước diễn ra tấp nập cả ngày lẫn đêm. Người mang theo can, kẻ mang theo phi hoặc bồn nhựa loại nhỏ đứng xếp hàng chờ đến lượt được tiếp nước. Bởi lẽ nếu không nhanh chân tranh thủ thời gian thì đến khoảng 15 - 17h sẽ chẳng còn nước để mua.
 
Giá nước bán lẻ tại những bồn lưu động vì thế được đẩy lên đến mức “cắt cổ”, trong khi nhà máy cung cấp nước Nhà Bè chỉ bán với mức 5.000 đồng/m3 thì người dân đang phải vác can đi mua với giá từ 50.000 đến 60.000 đồng/m3. Giá đã cao song để mua được nước cũng không phải là chuyện đơn giản.
 
“Hôm trước, sau khi đi làm về, tôi xách can ra mua nhưng lại phải xách can về không vì những nơi bán nước, bồn đã trơ đáy. Mấy bữa nay, tranh thủ giờ nghỉ trưa tôi chạy về mua trước…” - anh Phạm Minh Hưng, một người dân đang mua nước trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 cho biết.
 
Để có nước sinh hoạt, ông Lê Văn Tân (82 tuổi, ngụ tại số 21B, Đặng Nhữ Lân, tổ 9 khu phố 6, thị trấn Nhà Bè), vẫn phải “bất đắc dĩ” kéo xích lô đi mua nước. Mồ hôi ướt đẫm tấm thân già còm cõi, cái nắng Sài Gòn như thiêu đốt xô nghiêng bóng ông dưới mặt đường. Nhiều người nhìn thấy ông trong cảnh này không khỏi lắc đầu ngao ngán.
 
Người Sài thành quay cuồng trong “cơn khát”  - 2
Cuộc sống của cặp vợ chồng ông Tân trở nên cực nhọc chỉ vì thiếu nước.
 
Theo chân ông về đến nhà, tôi được bà Tân cho biết: “Vợ chồng tôi chỉ có một người con, nhưng nó đã có gia đình riêng và ở xa. Mỗi ngày sau giờ bán hủ tiếu, ông ấy lại phải kéo xe đi mua nước… Tội lắm, nhưng biết làm sao được. Có bữa tiền bán hủ tiếu mà vợ chồng kiếm được chỉ đủ mua nước về xài thôi chú ạ”.
 
Không chỉ vợ chồng ông Tân tiết kiệm đến mức tối đa nước sạch bằng cách xài đi, xài lại một thau nước, từ việc vo gạo, rửa rau, rửa bát chén cho đến xối nhà cầu… mà những gia đình khác cũng trong tình trạng tương tự.
 
Chị Tuyết Nhung, nhà ở hẻm 251 Huỳnh Tấn Phát than thở: “Nước đắt đỏ nên ngay cả việc tắm giặt cho hai đứa con nhỏ tôi cũng phải hạn chế”.
 
Hiện, mỗi ngày Công ty CP Cấp nước Nhà Bè đang huy động đến mức tối đa xe bồn và sà lan hoạt động 24/24h để tiếp nước cho người dân các khu vực nói trên. Song tình hình cũng chẳng được cải thiện bao nhiêu vì khu vực quận 7 và huyện Nhà Bè đang thiếu khoảng 30.000m3 nước một ngày trong khi cả sà lan và xe bồn chỉ có thể cung cấp được khoảng 4.000m3.
 
Anh Vũ Duy Cường, nhân viên của công ty đang trực tiếp bơm nước từ xe bồn xuống thừa nhận: “Sau khi bơm nước vào đường ống thì chỉ có những hộ dân ở đầu nguồn của các hẻm có nước còn các hộ phía trong vẫn phải đi mua. Nhiều hôm đã 1, 2 giờ sáng mà người dân vẫn đứng ở đầu hẻm để chờ xe của chúng tôi”.
 
Trước vấn đề trên, ông Nguyễn Doãn Xã, Phó Giám đốc Công ty CP Cấp nước Nhà Bè, cho biết: “Do đây là cao điểm mùa khô nên ở đầu nguồn nước người dân sử dụng nhiều vì thế áp lực nước trong đường ống không đủ để đưa nước đến cuối nguồn thuộc các khu vực quận 7, huyện Nhà Bè.
 
Ngoài biện pháp dùng xe bồn và sà lan cung cấp nước cho người dân, Công ty chúng tôi đã có công văn báo cáo lên Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn và đề nghị tăng áp lực nước cho hai khu vực nói trên”.
 
Cũng theo ông Nguyễn Doãn Xã, tình trạng thiếu nước tại các khu vực nói trên chỉ được giải quyết khi nhà máy nước BOO Thủ Đức hoàn thành giai đoạn 2 và đi vào hoạt động.
 
Vân Sơn