1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Người sai phạm bỏ trốn êm ái, ai chấp nhận được

(Dân trí) - Đại biểu Ngô Văn Minh yêu cầu làm rõ bao nhiêu trường hợp luân chuyển theo đường “tiểu ngạch” như Trịnh Xuân Thanh về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Lê Vĩnh Tân không trả lời vấn đề cụ thể mà chỉ nhận thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước... Đại biểu chất vấn tiếp và nhấn mạnh, việc kẻ tham nhũng bỏ trốn là khó chấp nhận.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ chiều 16/11, đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) cho rằng, vụ Trịnh Xuân Thanh là chuyện "tày trời", một mình Trịnh Xuân Thanh không thể làm được như vậy.

Đại biểu đoàn Quảng Nam truy về nguyên nhân cốt lõi, trách nhiệm của Bộ Nội vụ đối với việc này, từ chuyện tặng thưởng Huân chương Anh hùng lao động khi Trịnh Xuân Thanh còn ở doanh nghiệp xây lắp dầu khí, rồi được đề bạt bổ nhiệm luân chuyển về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

“Công tác quản lý cán bộ như nào để khi bị khởi tố Trịnh Xuân Thanh ra đi một cách êm ả nhưng lại chấn động dư luận”, đại biểu Ngô Văn Minh nói.

Đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về vấn đề liên quan đến Trịnh Xuân Thanh
Đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về vấn đề liên quan đến Trịnh Xuân Thanh

Trước Quốc hội, đại biểu đoàn Quảng Nam nêu rõ băn khoăn không rõ có bao nhiêu trường hợp luân chuyển theo đường “tiểu ngạch” kiểu như Trịnh Xuân Thanh.

Đại biểu đề nghị Bộ Nội vụ đề nghị làm rõ có văn bản nào quy định về kiểu luân chuyển như vậy, thực tế của tình hình này hiện nay ra sao và giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Đại biểu Ngô Văn Minh còn đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an trả lời về trách nhiệm trong việc theo dõi, giám sát quản lý đối tượng để Trịnh Xuân Thanh lặng lẽ ra đi, rồi phải phát lệnh truy nã, kiểu "con voi chui lọt lỗ kim”.

Ông Lê Vĩnh Tân nhận trách nhiệm nhận thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước
Ông Lê Vĩnh Tân nhận trách nhiệm nhận thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết bộ đã xem xét, xử lý như thế nào đối với cán bộ phụ trách công tác thi đua khen thưởng khi đề xuất phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí trong khi Tổng công ty này làm thất thoát trên 3.000 tỷ đồng.

Tiếp tục trả lời chất vấn, sáng nay (17/11), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhắc lại câu hỏi của đại biểu, về vấn đề khắc phục trong công tác cán bộ, một số đại biểu có chất vấn trách nhiệm của Bộ Nội vụ đối với những sai sót và bất cập trong công tác cán bộ, gây bức xúc trong dư luận xã hội trong thời gian qua đối với một số bộ ngành, địa phương.

“Với trách nhiệm là cơ quan giúp cho Chính phủ quản lý nhà nước về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ nhận thiếu sót trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước của mình”, ông Lê Vĩnh Tân nói.

Ông Lê Vĩnh Tân cũng cho biết, với trách nhiệm được giao, trong thời gian tới Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Trung ương trong việc hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác cán bộ và công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, Bộ Nội vụ cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, công vụ và xử lý nghiêm khắc đối với cán bộ vi phạm tại bộ ngành và các địa phương.

Chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Ngô Văn Minh xin tranh luận lại tại hội trường. Đại biểu cho biết, chất vấn của mình hôm qua được đông đảo cử tri quan tâm, đại biểu chia sẻ. Thế nhưng, đại biểu nhận thấy nội dung câu trả lời của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân chưa đề cập đến câu hỏi của mình.

Đại biểu Ngô Văn Minh cũng nhắc lại câu hỏi mà mình đặt ra từ chiều qua. “Vụ ông Trịnh Xuân Thanh tôi hỏi nguyên nhân cốt lõi và trách nhiệm chính yếu của Bộ Nội vụ từ tặng thưởng Huân chương Anh hùng lao động, cho đến bổ nhiệm về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang”, đại biểu Ngô Văn Minh nói.

Phần tranh luận, đại biểu gợi ý Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cần nói rõ những việc như vậy thì thì trách nhiệm của Bộ Nội vụ thế nào? Có văn bản nào quy định luân chuyển như trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh? Hiện có bao nhiêu trường hợp luân chuyển như vậy và thực trạng ra sao, tới đây xử lý từng trường hợp như vậy thế nào?

Ngoài ra, đại biểu Ngô Văn Minh cũng nhắc lại câu hỏi đã gửi đến Bộ trưởng Bộ Công an từ chiều qua. Đại biểu nhận xét, lực lượng công an tinh nhuệ, xuất sắc phá nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng được toàn dân ghi nhận.

“Tuy nhiên, cứ mỗi lần tham nhũng lớn hết Vinashin, Vinalines, bây giờ tới Trịnh Xuân Thanh, cứ có chuyện tham nhũng là bỏ trốn, ra đi một cách êm ái như là “con voi chui lọt lỗ kim” ai chấp nhận được. Đó là những vấn đề bức xúc, tôi đề nghị cần phải trả lời”, đại biểu Ngô Văn Minh kiến nghị.

Kết lại phần chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời phần tranh luận của đại biểu Ngô Văn Minh bằng văn bản. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Công an cũng có báo cáo các trường hợp đang theo dõi mà bỏ trốn.

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm