1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

“Người rừng” trở về nhờ... giấc mơ thần kỳ (2)

Cha con ông Hồ Văn Thanh đã biệt tích từ năm 1974, dân làng luôn nghĩ họ đã chết. Thế nhưng cha của ông Lâm - ông Hồ Văn Phố - luôn có linh cảm là người em mình vẫn còn sống, quanh quẩn đâu đó trong rừng già.


Những ngày đầu lạ lẫm của Lang ở thế giới văn minh.

Những ngày đầu lạ lẫm của Lang ở thế giới văn minh.
 

Giấc mộng thần kỳ

 

Còn với ông Hồ Minh Lâm - người anh con bác ruột của Lang, người đã cậy nhờ chính quyền cáng ông Thanh, đưa Hồ Văn Lang về với cộng đồng - thì tâm sự rằng anh đã rũ bỏ được gánh nặng với người cha quá cố của mình, với tổ tiên khi đưa được cha con người chú ruột trở về.

 

Ông Lâm kể, dù cha con chú Hồ Văn Thanh đã biệt tích từ năm 1974, dân làng luôn nghĩ họ đã chết, nếu không do bom đạn chiến tranh thì cũng khó tồn tại bởi muông thú, dịch bệnh. Thế nhưng cha của ông Lâm - ông Hồ Văn Phố - luôn có linh cảm là người em mình vẫn còn sống, quanh quẩn đâu đó trong rừng già.

 

Ngày còn sống, năm nào ông Phố cũng lặng lẽ đi tìm em, các quẻ bói giò gà của người Cor ở làng Trà Nga đều hiển hiện sự sống của cha con ông Thanh. Chính niềm tin, hy vọng đó được nuôi dưỡng, duy trì trong tâm khảm họ nên đến khoảng năm 2004-2005, gia đình ông Lâm đã phát hiện, tìm gặp được 2 cha con người rừng Hồ Văn Thanh.

 
 
Khố, áo bằng vỏ cây rừng là trang phục của cha con người rừng suốt hơn 40 năm qua.

Khố, áo bằng vỏ cây rừng là trang phục của cha con người rừng suốt hơn 40 năm qua.
 

Ông Lâm kể: “Từ năm 2005 đến nay, mỗi năm tôi đều tranh thủ một vài chuyến vào núi Apon để thăm cha con chú Thanh, nhưng gia đình cũng khó khăn nên cũng chỉ tiếp tế được ít muối. Hai năm gần đây, tôi lại không vào thăm họ được. Rồi tuần trước, khi ngủ tôi chiêm bao thấy chú và Lang. Tôi thấy họ sống trong một ngôi nhà có phên đất, có quần áo đường hoàng.

 

Điều kỳ lạ là khi bừng tỉnh, định thần rồi ngủ lại thì giấc chiêm bao ấy cứ lặp lại 3-4 lần trong đêm. Linh tính báo có điềm xấu với chú. Tôi đã vào núi Apon để thăm họ. Đến nơi, thấy chú Thanh ốm nằm liệt một chỗ, chân không co được. Ông ấy đã đau nặng hơn nửa năm nay rồi. Còn Lang thì chỉ biết co ro ngồi bên cạnh buồn thiu, miệng ú ớ như con thú bị thương.

 

Tôi vội về làng, ra UBND xã xin được hỗ trợ người để vào cáng chú tôi về làng. Rạng sáng ngày 7/8, đoàn thanh niên trai tráng làng Trà Nga và quân dân chính xã Trà Phong đã vào núi Apon, đến 11 giờ trưa thì đến nơi và đưa họ về tối 7/8”.

 

Mấy ngày qua, sức khoẻ của ông Hồ Văn Thanh dần hồi phục, ông đã có thể ăn uống, ngồi dậy. Duy chỉ có nỗi buồn lo vẫn luôn ngự trị trên dáng ngồi lom khom như người tiền sử trước bếp lửa, trên khuôn mặt thẫn thờ, vô hồn, trên đôi chân tay lều khều, thừa thãi như dã nhân của ông. Đôi mắt u buồn ấy luôn hướng về phía rặng núi xa mờ nơi cửa sổ bệnh viện huyện, rồi thảng thốt “tra-mú-mờ-gót” (Tiếng Cor nghĩa là muốn về rừng núi cũ, thăm rẫy).

 

Cả Hồ Văn Lang, sau những ngày đầu thích thú với những vật dụng, cảnh quan, con người ở thế giới văn minh, anh đã bắt đầu nhàm chán, bắt đầu nhớ hoang vu. Lang đã nhiều lần toan ôm vật dụng, ống tre lồ ô đựng hạt giống của mình định bỏ trốn về chốn cũ ở chân núi Apon.
 
Những vật dụng tự chế tác của cha con người rừng giống như thời kỳ đồ đá.

Những vật dụng tự chế tác của cha con người rừng giống như thời kỳ đồ đá.

 

Với người rừng Hồ Văn Thanh, 82 tuổi, thì bây giờ việc rời bỏ rừng hoang, về làng cũ là một sự trở lại. Còn Hồ Văn Lang thì ngược lại,  41 tuổi đời thì đã hơn 40 năm sống biệt lập với cộng đồng, vì vậy việc về bản làng, với anh là sự khởi đầu, sự ra đi, đến một thế giới văn minh, lạ lẫm của loài người. Vì vậy, đây là những ngày khởi đầu thật sự khó khăn đối với “người rừng”.

 

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng với ngôi làng Trà Nga bên vách núi, đêm đêm vẫn vẳng tiếng suối róc rách, tinh mơ đã vang tiếng gáy gà rừng trong làn sương sớm rồi sẽ dần thích nghi với Lang. Đặc biệt với sự chăm lo của người thân, họ tộc, cộng đồng người Cor ở làng Trà Nga sẽ níu kéo anh sớm hòa nhập với cộng đồng. Nó cũng giống như việc những đứa con người Kinh ở làng quê, khi thành đạt nơi thành phố, họ sắp xếp để đưa cha mẹ già rời quê hương ra chăm sóc.
 
Ngôi nhà trên cây của người rừng.

Ngôi nhà trên cây của người rừng.

 

Vì vậy, “người rừng” không cần chuyên gia tâm lý, không cần nhà nhân chủng học… như lo lắng của dư luận hiện nay. Họ sẽ tự hòa đồng với cuộc sống mới mà bên cạnh họ là những người thân, họ tộc và cộng đồng người Cor bản địa đã từng và sẽ yêu thương, gắn bó, gần gũi họ như từ bao đời nay.

 

Theo Mỹ An

Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm