PhotoStory

"Người rừng" giữa Sài Gòn

Thực hiện: Ip Thiên

(Dân trí) - Một cây sào, một chiếc túi vải rách tươm cột chặt trên tấm lưng nhỏ thó, mỗi ngày người đàn ông tên Quỳnh Quyết Nghị (53 tuổi) cần mẫn chuyền cành trên những thân me kiếm sống ngay giữa Sài Gòn.

Người rừng giữa Sài Gòn - 1

Đôi chân trần, tay không nhưng thoắt cái ông Quỳnh Quyết Nghị (53 tuổi) đã trèo một mạch lên chạc ba cây me cao khoảng 20 m trên đường Nguyễn Trung Trực (Quận 1, TPHCM). Thường xuyên chứng kiến cơ thể linh hoạt nhanh nhẹn ấy, nhiều người qua đường đặt cho ông cái tên là "người rừng".

Người rừng giữa Sài Gòn - 2

Từng chăn bò, phụ hồ, nhặt ve chai… nhưng lại bén duyên và gắn bó lâu nhất với nghề trèo me hái quả mưu sinh, ông Nghị kể: "Ngày còn sống ở Nha Trang (Khánh Hòa) tôi ở phố Me gần Chợ Đầm. Ở đây, nhiều người sống bằng nghề hái me tươi bán và tôi cũng học được nghề từ đó". 

Người rừng giữa Sài Gòn - 3

Không chỉ tỏa bóng mát tạo cảm giác thoải mái cho người đi đường, những hàng me có tuổi đời hàng chục năm còn là nguồn kiếm sống cho vợ chồng ông Nghị suốt 15 năm qua.  

Công việc trèo hái me giữa thành phố tưởng đơn giản nhưng theo ông Nghị cũng cần luyện nhiều kỹ năng. Với những chùm me mọc ở đầu cành, ông phải dùng tới cây sào dài hơn 2 m kéo vào rồi vươn mình hết tầm với mới hái được.

Người rừng giữa Sài Gòn - 4
Người rừng giữa Sài Gòn - 5

Trong lúc chồng trèo cây hái me, bà Trần Thị Vân (52 tuổi, vợ ông Nghị) phụ nhặt me, lựa lá, bó thành từng chùm để tiện việc bày bán.

"Dù đã có kinh nghiệm trèo cây lâu năm nhưng giờ cũng có tuổi, ổng leo cây, tôi ở dưới cũng bồn chồn. Lo ổng tuột tay, không may té ngã", bà Vân lo lắng.

Người rừng giữa Sài Gòn - 6

"Mỗi ngày tôi ráng hái đầy hai bao. Nếu bán hết hai bao này cũng đủ tiền để trang trải cuộc sống. Ở Sài Gòn, me mọc quanh năm, nên dù thu nhập không cao nhưng ngày nào cũng có thu, đảm bảo cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, về lâu dài, khi tuổi già ập đến tôi chỉ sợ không thể kiên trì mãi với nghề này", ông Nghị chia sẻ.

Người rừng giữa Sài Gòn - 7
Người rừng giữa Sài Gòn - 8

Trèo me xong, hai vợ chồng ông Nghị ngồi phân loại me chín và me xanh thành từng chùm nhỏ để tiện buôn bán.

Người rừng giữa Sài Gòn - 9

Trải một cái bạt nhỏ trên vỉa hè đường Hai Bà Trưng (Quận 1) nơi đông người qua lại, hai vợ chồng ông Nghị bày ra các chùm me sống, và các bịch me chín để bán.

"Một chùm me sống 20 trái có giá là 25.000 đồng, một bịch me chín giá 40.000 đồng/kg. Nếu bán hết, chúng tôi sẽ kiếm được khoảng 400.000 đến 500.000 đồng/ ngày", cô Vân cho hay.

Người rừng giữa Sài Gòn - 10

Khách đến mua đa phần là khách quen, thương cảm cho hoàn cảnh gia đình ông, nên họ đến mua ủng hộ.

"Tôi biết đến cô chú qua mạng xã hội. Thấy chú đã lớn tuổi nhưng vẫn phải lao động cực khổ và nguy hiểm để mưu sinh, nghị lực ấy thật sự rất đáng trân trọng", Chị Thảo (ngụ quận Phú Nhuận) một khách quen cho biết.

Người rừng giữa Sài Gòn - 11

Gặp cơn mưa bất chợt, hai vợ chồng ông Nghị đứng tránh mưa vào mái hiên sát lề đường. Việc buôn bán cũng tạm ngưng.

Người rừng giữa Sài Gòn - 12

"Ngồi đây cả ngày, không ăn uống được nhiều, tôi chỉ mong bán được hết. Bán hết rồi mới về nghỉ ngơi được", ông Nghị tâm sự.

Người rừng giữa Sài Gòn - 13

Sau một ngày làm việc vất vả, hai vợ chồng ông Nghị về lại vỉa hè đường Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn dưới cầu Thủ Thiêm, quận Bình Thạnh) nơi hai vợ chồng xem là "nhà" để nghỉ ngơi và ăn uống.

"Ở đây vỉa hè rộng rãi có đèn đường sáng sủa, ít muỗi, là nơi tôi và vợ ngủ nghỉ hằng đêm trong nhiều năm nay", ông Nghị nói.

Người rừng giữa Sài Gòn - 14

"Trước khi làm vợ ông Nghị, tôi cũng lang thang nhặt ve chai. Phận người phụ nữ một mình sống nay đây mai đó trên các vỉa hè, lề đường, duyên số đưa tôi gặp được ổng. Ngày nào, ông Nghị cũng làm lụng vất vả nên tôi rất thương ông", bà Vân tâm sự.

Người rừng giữa Sài Gòn - 15
Người rừng giữa Sài Gòn - 16

Bà Vân xoa bóp dầu, và dán miếng nóng giảm đau vào cổ chân của chồng. Cổ chân bị bong gân, sưng phù và đau nhức, do ông Nghị bị té khi trèo cây hái me cách đây 2 tuần. Hiện tại ông vẫn chưa đi khám do không có điều kiện. Cái chân đau, hằng ngày được bà Vân xoa bóp thuốc.

"Việc leo hái me nguy hiểm không thể tránh khỏi tai nạn. Mấy hôm trước, do trời mưa, làm cây ẩm ướt, tôi bị trượt chân té xuống ở độ cao khoảng 5 m, khiến chân phải bị bong gân, nghỉ hái hai ngày liền", ông Nghị kể lại.

Người rừng giữa Sài Gòn - 17

"Tuổi đã lớn, nhưng vẫn phải lao động cực nhọc để kiếm cái ăn qua ngày rất là mệt mỏi. Cuối ngày, tôi với vợ chỉ muốn nghỉ ngơi thật nhiều", ông Nghị nói.

Người rừng giữa Sài Gòn - 18

 Đêm về hai vợ chồng ông Nghị nhanh chóng chìm vào giấc ngủ trên chiếc bạt được lót sát vỉa hè mặc dòng người qua lại.