1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đắk Lắk:

Người phụ nữ xây dựng tương lai cho thanh niên khuyết tật

(Dân trí) - Với khát khao góp 1 phần công sức bé nhỏ của mình để giúp những thanh niên khuyết tật, mồ côi, tự kỷ có thể hòa nhập với cộng đồng, tự lao động phù hợp với khả năng của mình, chị Thu đã mở cơ sở Thổ cẩm Phương Thu để đào tạo nghề và hướng nghiệp cho nhiều thanh niên khuyết tật.

Đưa thanh niên khuyết tật đến với nghề

Chị Trần Thị Phương Thu (43 tuổi, ngụ 141/2 Y Ngông, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đến với hàng thủ công mỹ nghệ như 1 cái duyên trời định. Tốt nghiệp khoa Ngữ Văn (ĐH Đà Lạt), chị làm chuyên viên tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông. Năm 2009, chị chuyển về Đắk Lắk công tác tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh.

Tại đây, mỗi khi cuối tuần hay vào những ngày nghỉ lễ, chị Thu đều lặn lội đến vùng sâu vùng xa để tìm hiểu về nguồn gốc các loại vải đặc trưng của các dân tộc trên mảnh đất Đắk Lắk đầy nắng gió.

Khi tiếp xúc với đồng bào dân tộc, được nhìn ngắm các trang phục, các loại vải mà họ tự dệt thủ công, chị Thu đã nảy ra ý định sử dụng các loại vải của người dân tộc để làm đồ thủ công mỹ nghệ, trang sức bán cho khách du lịch gần, xa, vừa quảng bá du lịch, để mọi người hiểu thêm về văn hóa đặc trưng của các dân tộc, vừa mang lại thu nhập cho bà con.

Chị Thu (áo đen) và những thanh niên thiệt thòi trong cơ sở.

Chị Thu (áo đen) và những thanh niên thiệt thòi trong cơ sở.

“Các hoa văn in trên vải của mỗi dân tộc đều có nét đặc trưng riêng, không lẫn với các dân tộc khác, các họa tiết của dân tộc Mông, Thái, Chăm đều rất tinh xảo và lôi cuốn tôi từ cái nhìn đầu tiên”, chị Thu cho biết.

Nghĩ là làm, chị đã tìm hiểu, học hỏi để gây dựng nên cơ sở Thổ cẩm Phương Thu. Về nguồn nhân công, chị Thu quyết định nhờ người quen tìm kiếm các em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn để chị có thể giúp các em có nghề kiếm sống, vượt qua mặc cảm, hòa nhập với xã hội.

Vào tháng 7/2013, Cơ sở thổ cẩm Phương Thu chính thức được thành lập với 80% là thanh niên khuyết tật bị khiếm thính, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ…

“Thời gian đầu rất vất vả, khi tôi nói thì các em không hiểu và các em muốn nói gì thì tôi cũng không tài nào hiểu được”, chị Thu tâm sự.

Để khắc phục, chị Thu dành thời gian để học ngôn ngữ của các em, kiên nhẫn viết ra từng câu từng chữ để giao tiếp với các em. Từ đó hướng dẫn tỉ mỉ nghề thủ công, cho các em có cơ hội để cởi mở bản thân so với sống kép kín như trước đây.

“Các em ở đây đã học được tính tự lập, có thể tự đi chợ, nấu nướng, quét dọn nhà cửa. Tôi để các em làm những công việc nhẹ và những việc lặt vặt để các em học dần, để sau này khi các em rời cơ sở quay về cuộc sống có thể giúp đỡ được gia đình nhiều hơn, bởi những công việc như vậy các em hoàn toàn có thể tự làm được”, chị Thu nói thêm.

Làm vòng tay, túi xách thổ cẩm.

Làm vòng tay, túi xách thổ cẩm.

Hiện nay cơ sở của chị có tất cả 15 thành viên (trong đó 9 em khuyết tật), ngoài ra có 2 học viên đã tốt nghiệp cơ sở và lập gia đình, được đào tạo nghề nên đã có công việc tại nhà.

Chị Thu hướng dẫn các em quan tâm tới chất lượng chứ không nặng về số lượng sản phẩm. Vì thế những sản phẩm của cơ sở chị Thu đều được khách hàng ưa chuộng. Hàng năm, cơ sở Thổ cẩm Phương Thu đều có gian hàng giới thiệu sản phẩm tại các Hội chợ của TP Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Phú Yên… Tại đây các em được hòa nhập với xã hội bên ngoài và được tự tay bán những sản phẩm do chính mình làm ra.

Các học viên khuyết tật được chị Thu nhận vào ngoài việc đào tạo nghề miễn phí, còn được trả lương hàng tháng từ 2 - 4 triệu đồng.

Để người khuyết tật trở thành người có ích

Tại cơ sở có nhiều trường hợp tưởng chừng không thể hòa nhập với cuộc sống, nhưng từ khi vào trung tâm đã thay đổi rất nhanh. Như trường hợp của em Phạm Thị My (SN 1994, ngụ TP Buôn Ma Thuột) bị thiểu năng trí tuệ và khiếm thính, rất ít giao tiếp với người lạ. Sau khi vào trung tâm, được hướng dẫn nghề, hiện nay em đã là 1 trong những học viên có tay nghề giỏi nhất.

Em My (phải) đi giới thiệu sản phẩm tại hội chợ.

Em My (phải) đi giới thiệu sản phẩm tại hội chợ.

Hay như trường hợp em Hoàng Đăng Tuấn (SN 1988, ngụ phường Tân An), trước đây khi đang là sinh viên khoa công nghệ thông tin của 1 trường Cao đẳng, Tuấn không may bị tai nạn dẫn đến tai biến xuất huyết não, tứ chi co quắp nên vận động tay chân rất chậm và yếu. Được nhận vào trung tâm học nghề, qua 1 thời gian em vừa biết được nghề thủ công, vừa quản lý được cả trang web của cơ sở để giới thiệu các sản phẩm.

“Ngày được nhận tháng lương đầu tiên em đã khóc và cảm ơn cô Thu rất nhiều, em đã chiến thắng được bản thân, những điều em nghĩ em không thể làm nay em đã có thể làm được, em không còn là người vô dụng và nỗi lo lắng của bố mẹ nữa”, Tuấn nghẹn ngào nói.

Tại cơ sở, các em vừa được học may cơ bản vừa được học làm túi xách, móc khóa, ví tiền, thú nhồi bông… mỗi học viên sau khi đã thành thạo nghề, được lựa chọn về nhà mở tiệm may hoặc tiếp tục làm tại cơ sở.

Sắp tới chị Thu sẽ tập trung vốn cho các em xuống các tỉnh miền Tây học thêm nghề thêu ren hỗ trợ các sản phẩm thủ công.

Ông Trần Xuân Tiến, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk, cho biết, việc đào tạo người khuyết tật thành một thợ lành nghề mất rất nhiều thời gian, công sức nên nhiều cơ sở sản xuất ái ngại. Chị Thu với quyết tâm cao và lòng nhân ái, đã làm được điều đó.

Trương Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm