1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người phụ nữ Tày mê chè tới bỏ chồng

Sinh ra và lớn lên trên cao nguyên đá thuộc xã Ngam La, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, chị Nguyễn Thị Tươi - người dân tộc Tày - đã từng sống quãng đời tuổi thơ đầy vất vả nhọc nhằn. Nhưng chưa bao giờ, người phụ nữ ấy chịu đầu hàng số phận.

Chị Nguyễn Thị tươi bên sản phẩm chè Ngam La được đóng bao bì rất đẹp
Chị Nguyễn Thị tươi bên sản phẩm chè Ngam La được đóng bao bì rất đẹp
 
Chị đã trốn nhà đi học, để rồi trở thành cán bộ huyện. Khi cuộc sống bắt đầu ổn định, chị đã đánh đổi toàn bộ tài sản bao năm tích cóp và cả hạnh phúc cá nhân để cứu lấy một thương hiệu chè lâu đời.

Cô bé mồ côi “khát” học

Nguyễn Thị Tươi sinh năm 1983, trong một gia đình có 4 anh chị em. Năm Tươi lên 5 tuổi thì người cha mắc bạo bệnh qua đời, để lại gánh nặng cho người vợ trẻ và 4 đứa con thơ. Vì nhà nghèo, nên đến tuổi đi học mà Tươi vẫn phải ở nhà trông em cho mẹ đi bán bánh.

Thấy các bạn cùng trang lứa cắp sách đến trường, Tươi rất “thèm” nên khóc lóc van xin để được học cái chữ. Mẹ Tươi thương con, nhưng không còn cách nào khác, vẫn phải để Tươi đi chăn trâu và trông em cho mẹ. Những lần ấy, Tươi thường buộc trâu ở một góc rồi bế em “trốn” vào trường học, đứng bên cạnh cửa sổ nghe “lỏm” cô giáo giảng bài. Hai năm liền đứng bên bậu cửa, Tươi đã nhớ được mặt chữ. Thấy con gái quyết tâm, mẹ Tươi cũng cố gắng thu xếp cho con gái đi học. Được thỏa mong ước, Tươi ra sức ngày đêm học tập, và lúc nào cũng đứng đầu lớp.

Lên cấp 2 và cấp 3, Tươi phải học xa nhà hơn 20 cây số. Thấy những nếp nhăn trên vầng trán mẹ ngày càng nhiều hơn, cô học trò an ủi mẹ rằng sẽ quyết tâm tự lo tài chính. Lần này, Tươi cũng “trốn nhà” đi bộ xuống thị trấn Yên Minh, vừa học vừa tranh thủ đi rửa bát, bán hàng để tự trang trải cuộc sống. Dù khó khăn, nhưng Tươi vẫn đứng đầu lớp và thường xuyên đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Đến năm lớp 12, khi kỳ thi đại học chuẩn bị tới gần thì Tươi gặp phải một tai họa bất ngờ. Khi đang trên đường đi học về, Tươi va chạm với 1 chiếc xe máy đi ngược chiều, phải nằm liệt hàng tháng trời trên giường bệnh. Giấc mơ vào đại học đành khép lại. Ra viện, Tươi như người mất hồn suốt một thời gian dài, không muốn tiếp xúc với ai. Thế nhưng với ý chí tự lực tự cường của mình, Tươi đã sốc lại tinh thần và đăng ký học hệ trung cấp Trường Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên. Từ bé tới khi học phổ thông chưa bao giờ bước chân ra khỏi huyện Yên Minh, nhưng khi đăng ký học ở Thái Nguyên, Tươi đã một mình với 1 triệu đồng dấn thân nơi xứ người.

Những năm tháng học ở Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên, cô sinh viên trẻ xin làm giúp việc cho một người dân ở gần trường để có chỗ ăn ở và tiếp tục học hành. Năm 2005, Tươi ra trường với tấm bằng loại ưu và được nhận về làm cán bộ Phòng Tài nguyên – môi trường huyện Yên Minh. Khi đó, cô cán bộ huyện đã bắt đầu có cuộc sống ổn định, có của ăn của để và một gia đình riêng. Thế nhưng, mỗi lần về quê Tươi vẫn thấy day dứt bởi cuộc sống của người dân quê mình còn khổ cực, cứ luẩn quẩn mãi trong cái đói, cái nghèo. Tươi đã nghĩ phải làm gì đó để người dân quê mình bớt khổ.

Người dân Ngam La vui mừng bên những đồi chè.

Người dân Ngam La vui mừng bên những đồi chè.


Cứu thương hiệu chè cổ thụ

Ở quê Tươi có một loại chè rất quý, là loại chè Ngam La cổ thụ mọc tự nhiên hàng trăm năm trên núi đá. Chè có hương vị thơm ngon rất đặc trưng, nhưng người dân chưa biết cách làm thương hiệu. Các sản phẩm chè còn nghèo nàn, không có sức cạnh tranh với chè của nhiều vùng khác. Người dân cũng chưa biết áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào quá trình chăm sóc, phát triển nên diện tích chè nơi đây còi cọc, thưa thớt. Năng suất, sản lượng chè hàng năm của xã rất thấp, chỉ một số ít hộ có sản phẩm bán ra thị trường, còn chủ yếu bà con thu hái để phục vụ nhu cầu gia đình.

Mặt khác, chè Ngam La trước kia chủ yếu được chế biến thủ công nên chất lượng còn hạn chế, mẫu mã xấu nên giá bán không cao, thị trường tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn. Có những thời điểm, chè Ngam La qua sơ chế chỉ bán được 15.000 – 20.000 đồng/cân. Người dân chán nản không muốn hái chè nữa, thậm chí nhiều người đã chặt phá không biết bao nhiêu cây chè.

Trước thực trạng ấy, năm 2007, Nguyễn Thị Tươi đã xin về làm cán bộ của xã Ngam La để có thời gian tìm hiểu và nghiên cứu cây chè cũng như làm thương hiệu chè Ngam La. Sau hơn 2 năm nghiên cứu, năm 2009, Tươi đã viết đề án phát triển chè. Rồi chính chị mang đề án này trực tiếp đến gặp Chủ tịch UBND huyện Yên Minh. Chủ tịch huyện đã đồng ý ngay và cho phép chị thành lập HTX Hương vị núi, cũng như hỗ trợ việc đăng ký thương hiệu chè Ngam La với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học -  Công nghệ).

Để có thể thành lập và đưa vào hoạt động HTX Hương vị núi, Nguyễn Thị Tươi đã phải đánh đổi rất nhiều thứ. Chị đã mang hết tài sản có được trong những năm công tác, thậm chí thế chấp cả nhà để vay tiền ngân hàng mua sắm máy móc cũng như trang thiết bị cho HTX hoạt động. Việc làm này của chị bị gia đình phản đối gay gắt. Chồng chị không những không thông cảm mà còn thường xuyên hành hung, bắt chị từ bỏ công việc mạo hiểm này. Tuy nhiên, thay vì bỏ nghề, chị đã bỏ chồng để dồn hết tâm sức cho công việc của mình.

Sau hơn 1 năm thành lập, HTX Hương vị núi đã bước đầu gặt hái được thành công. HTX đã đứng ra bao tiêu 300ha chè của xã Ngam La. Sản lượng 1 năm đạt được gần 100 tấn chè khô, giá bán khá ổn định, từ 200.000 - 300.000 đồng/kg. Hiện nay, chè Ngam La đã xuất hiện tại 4 huyện phía bắc của Hà Giang là Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ với mẫu mã đẹp, chất lượng được nâng cao.

Ông Nguyễn Văn Du - Bí thư Đảng ủy xã Ngam La - đánh giá, HTX Hương vị núi tuy mới được thành lập được hơn 1 năm song đang hoạt động rất tốt, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương. Hiện xã cũng đã nghiên cứu để phối hợp với HTX phát triển cây chè thành cây chủ lực của địa phương.

Chúng tôi chia tay Ngam La khi mặt trời khuất dần sau những dãy núi trùng điệp, nhưng những cây chè xanh còn đọng mãi trong ký ức. Những cây chè cổ thụ sù sì, vững chãi bám trên vùng núi đá khắc nghiệt, hệt như tính cách của người dân. Mặc dù phía trước còn nhiều chông gai, nhưng chúng tôi tin rằng HTX Hương vị núi cùng thương hiệu chè Ngam La sẽ đứng vững trên thị trường, giống như những cây chè cổ thụ đã đứng vững hàng trăm năm trên núi đá nơi đây.
 
Theo Đông Xuyên
Lao Động