1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Người phụ nữ hơn 30 năm làm nghề "không giống ai"

(Dân trí) - Cái nghèo, cái khổ đã đẩy bà Hoàng Thị Năm đến với cái nghề "không giống ai" này. Đến những ngày cuối đời, bà cũng không thể dứt khỏi nghề bốc mộ thuê bởi nghèo khó còn đeo bám.

Bà Hoàng Thị Năm
Bà Hoàng Thị Năm

Về xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, hỏi thăm nhà bà Năm “bốc mộ” ai cũng chỉ đường tường tận. Cái tên Năm “bốc mộ” đã quá quen thuộc với mọi người bởi lẽ ở làng quê ven biển này, chẳng có người phụ nữ nào làm cái nghề như bà. Nhà bà Năm xiêu vẹo, dột nát nằm lẩn khuất sau những đám cây dại nơi sườn đồi. Từ hồi chồng chết, bà ở một mình dù 3 người con trai đều ở xung quanh đó. Bà cũng chỉ ang áng mình hơn 60 tuổi chứ sinh năm bao nhiêu thì chính bà cũng không nhớ nổi.

Mới hơn 60 tuổi nhưng trông bà khắc khổ, già nua hơn những người phụ nữ cùng tuổi. Bà đen đúa, da nhăn nheo, tóc trên đầu cũng rụng gần hết, chỉ còn phơ phất vài cọng tóc. Dáng ngồi của người phụ nữ bốc mộ thuê này cũng chẳng giống ai, bà cứ tỳ cả người lên hai cái đầu gối khẳng khiu. Hơn 30 năm bốc mộ, sức khỏe của bà bị tàn phá khủng khiếp, mấy khớp xương rệu rã, mỏi nhừ, đau nhức mỗi khi di chuyển.

Nhà nghèo, không được ăn học, bà sớm theo chồng “về dinh”. Ông Hồ Sự Mạo, chồng bà có nghề bốc mộ thuê, còn bà thì ở nhà tham gia sản xuất ở hợp tác xã nông nghiệp. Một ngày, ông gọi vợ lại và bảo: “Nhà mình đất đai ít, con cái lại nhiều, một mình tôi đi bốc mộ nuôi mấy miệng ăn không đủ. Lỡ tôi chết đi rồi, bà với con cái biết sống bằng chi? Từ mai, bà đi theo tôi, trước là để phụ việc, sau này tôi chết trước, bà còn có cái nghề mà nuôi con”. Nghe chồng nói, bà cũng thấy phải.

Bà Năm bốc mộ trò chuyện với PV
Bà Năm "bốc mộ" trò chuyện với PV

Sáng hôm sau, để mấy đứa nhỏ ở nhà trông nhau, bà Năm theo chồng đi “học nghề”. Và chính bà cũng chẳng thể ngờ được, cái nghề bốc mộ này đã theo bà hơn 30 năm qua và giúp bà nuôi 4 đứa con trưởng thành. Đến năm 2001, ông Mạo qua đời, các con phương trưởng, có gia đình riêng, bà thui thủi một mình. Tuổi già, sức yếu nhưng nhiều khi đói quá, người ta thuê, bà cũng tấp tểnh vác đồ nghề đi.

Thân đàn bà con gái, làm nghề bốc mộ, lại toàn đi vào giữa đêm cũng lắm phen khiến bà tưởng mình sẽ phải bỏ cuộc. Nhưng “đói đầu gối phải bò”, cơn sợ hãi không lớn bằng nỗi sợ đói, dần dần bà cũng quen với việc nhặt từng mảnh xương người, đặt ngay ngắn trong cái tiểu sành. Thế nhưng, cũng có những lần mà đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại bà vẫn chưa hết ớn lạnh.

“Không ít lần tui hú vía khi lật nắp quan tài lên, thi thể vẫn còn nguyên vẹn như họ đang nằm ngủ. Lúc này mộ đã đào, không thể lấp lại. Mà đã ra ngoài môi trường bình thường thì thi thể sẽ “rữa” rất nhanh nhưng da thịt thì không tan hết được. Rồi những huyệt được táng nơi vùng đồng thấp trũng, quan tài mục hết, xương cốt cũng chìm trong nước. Mò mẫm bằng tay trần trong nước bùn để nhặt từng mảnh xương, có khi phải lấy rổ thưa chao đi chao lại để lấy bằng hết xương cốt của họ. Làm cái nghề này động vào phần âm, không thể qua loa cho xong chuyện được”, bà Năm tâm sự.

Cái nghèo, cái khó vẫn chưa buông tha bà Năm bốc mộ
Cái nghèo, cái khó vẫn chưa buông tha bà Năm "bốc mộ"

Bà tự hào vì cái nghề "không giống ai" nhưng lương thiện của mình đã nuôi 4 đứa con khôn lớn. Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi, sao không ở với 1 trong 3 đứa con trai đã làm nhà xung quanh, bà im lặng. Cái im lặng của bà khiến chúng tôi ái ngại. Sống một mình trong căn nhà rách nát, mấy chiếc chân giường đã được gia cố mấy lần, nay phải dùng gạch để kê nên bà đóng cửa đi suốt ngày. “Giờ già rồi, mấy chục năm đi bốc mộ “hơi” hắn ngấm vào người, chỗ mô cũng đau như dần. Nhưng mà đói, không làm thì không có ăn nên ai thuê đi bốc mộ tui cũng đi. Giờ chỉ đi gần gần thôi, không đi được xa nữa. Hồi trước, có người thuê tui còn ra tận Hà Nội hay sang Hà Tĩnh để bốc mộ”, bà bùi ngùi hồi tưởng về những ngày còn dồi dào sức khỏe.

Bà bảo, làm nghề nào cũng phải có đạo đức, làm việc liên quan đến phần âm lại càng phải có đạo đức. “Không thể làm loa qua cho xong chuyện, làm chỉ chăm chăm lấy tiền người ta. Như thế là có tội với người chết. Làm cái nghề này đừng mong giàu, tui nghĩ đã làm là phải làm cho tốt, đặng mà tích đức tích phúc cho con cháu sau này”, bà giãi bày.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm