Người Pa Cô nhớ làng
(Dân trí) - Ba con người ngồi trên phiến đá trên đỉnh đồi cao, thả ánh mắt xa xăm nhìn ra phía trước, nơi có những thân cây nhô lên giữa biển nước mênh mông. Trước đây, ở đó vẫn còn là làng mạc của gần 200 hộ dân Pa Cô sinh sống qua bao đời...
Họ phải di dời đi nơi khác để nhường chỗ cho việc xây dựng một đại công trình thuỷ điện. Đối với bà con, đó là tin vui, bởi nguồn sáng ấy không chỉ cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày, mà còn phục vụ sản xuất, đưa văn minh đến cho bản làng. Nhưng bây giờ, hàng nghìn người tái định cùng chung tâm trạng nhớ làng...
Dự án đầu tư xây dựng công trình Thủy lợi - Thủy điện Rào Quán (Quảng Trị) chính thức được phê duyệt vào tháng 7/2002. Theo đó, 341 hộ dân ở các xã Hướng Tân, Hướng Linh, Hướng Sơn và Hướng Phùng (Hướng Hóa) được di dời đến nơi ở mới. Trong đó, xã Hướng Linh có gần 200 hộ gia đình, chủ yếu là đồng bào dân tộc Pa Cô được tái định cư (TĐC) ở Hong Cooc, cách xã cũ chừng vài cây số.
Con đường được láng nhựa bắt đầu từ cây số 6, thị trấn Khe Sanh (Hướng Hoá) dẫn vào khu TĐC Hong Cooc chạy dọc vách núi. Đi được một đoạn thì con đường bị cắt ngang bởi nhiều ngã rẽ. Ba con người ngồi ở đồi cao, nhìn ra lòng hồ Rào Quán mênh mông nước, bỗng giật mình bởi tiếng gọi của chúng tôi.
Bố làm gì ở đây?! “Gió lớn quá, lũ bò chẳng chịu ở làng mới, chúng kéo về đây trú rét, nhưng rồi chẳng còn được mấy con, số bị chết do ăn phải bao đựng thuốc pháo dùng để nổ mìn, phá núi, số bị người xấu bắt đi. Hai năm trước, đàn bò của gia đình bố đông tới 30 con, nhưng nay chỉ còn 10 con. Bố quay về đây để chăn bò, hơn nữa cũng nhớ làng cũ lắm”, ông lão Hồ Đa rời phiến đá, nhìn ra phía lòng hồ, chùng giọng nói với chúng tôi như vậy.
Hai người ở bên ông lão là đôi vợ chồng, anh Hồ Văn Mười, chị Hồ Thị Hà ở thôn Ba Ngao, xã Đakrông, huyện Đakrông, gọi ông Đa bằng bác ruột. Họ lên thăm ông, gặp lúc ông đang ngồi thẩn trên đồi cao. Đó không phải là lần đầu ông lão quay về làng cũ và cũng không riêng gì ông, ở khu TĐC Hong Cooc bây giờ từ trẻ con đến già đều chung tâm trạng ấy.
Chúng tôi vào bản Xà Bai, một trong sáu thôn của khu TĐC Hong Cooc lúc giữ trưa. Đúng lúc ông Pả Ai, trưởng thôn Xà Bai trở về từ Trung tâm y tế huyện Hướng Hóa. “Ở đây gió lớn quanh năm, nhất là mùa này với tiết trời rét như cắt da, thịt, trẻ con, người lớn đều ngã bệnh. Bà o ruột sức khỏe là thế nhưng không chịu nỗi gió lớn, phải nhập viện hôm qua”, ông Ai buồn bã kể.
Ông hé cánh cửa vừa đủ để chúng tôi vào nhà, xong gượng cho nó đóng lại từ từ bởi gió lùa vào rất dữ dội. Ngôi nhà sàn lạnh ngắt, bốn bức tường hoen ố, phủ dày những lớp rêu. Ông Ai cho biết, cả thôn có 70 ngôi nhà được xây dựng theo diện TĐC, nhưng hiện tại, nhà nào không bị lún thì cũng nứt tường và tất cả đều bị dột. Người dân vì thế phải dựng thêm cái lán bằng vật tư mang ra từ làng cũ. Họ sinh sống chủ yếu ở cái nhà tạm này.
Tôi nhìn quanh bản Xà Bai một lượt, ở đó 70 ngôi nhà đều nằm trên đỉnh những quả đồi cao ngất, đối diện với cuồng phong dữ dội thổi đến từ phía nước bạn Lào. Có đến đây mới thấm thía nỗi niềm của một cán bộ dân vận huyện Hướng Hóa lúc làm công tác vận động bà con di dân, tâm sự rằng mọi việc đã không đúng từ đầu, nhưng lúc đó phải nghiến răng mà làm chứ đau lòng lắm. Hong Cooc như cái túi hứng gió quanh năm!
Chúng tôi 5 lần vào nhà ông Pả Tuyến, Chủ tịch UBND xã Hướng Linh, nhưng ông không nhận đó là nhà của mình và cũng không nhận mình là chủ tịch xã. Hỏi ra mới biết nỗi phiền muộn của dân bản nơi đây khiến ông phải nghiến răng không nói. “Mình làm chủ tịch mà không giúp được gì cho bà con, ngại nói ra lắm các chú à. Việc TĐC ở đây đã không ổn từ đầu, nay gió lớn quanh năm, gió hút hết nước, làm cho đất đai khô cằn, cây cối không sống nổi. Không có cây, không có lúa thì làm gì mà ăn, lẽ nào bà con ăn mãi tiền, gạo trợ cấp của Chính phủ”, ông Tuyến ngậm ngùi.
Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Hướng Linh, trong số 157 ngôi nhà được xây dựng theo diện TĐC ở Hong Cooc, hiện có tới 8 ngôi bị lún nền, 17 ngôi bị nứt tường và tất cả đều bị dột. Trên thực tế, dù nhà không bị sự cố vẫn khó có thể sinh sống được vì gió lớn như bão suốt ngày đêm, từ mùa này sang mùa khác.
Mặc dù đã TĐC gần 2 năm, nhưng nay nền kinh tế của xã Hướng Linh vẫn là con số không. Cây lâm nghiệp không, cây lúa nước không, cây lương thực cũng không! Hiện tại, bà con đang phải sống nhờ vào nguồn lương thực dành dụm được trước đó từ làng cũ và phần lớn khác do Chính phủ trợ cấp.
Chiều xuống, những cơn gió ở Hong Cooc, cứ quật mạnh vào người, cổ họng ai nấy đều khô rát… Chúng tôi không dám ngoảnh đầu nhìn lại ngôi làng, dù chỉ một lần, sợ gặp ánh mắt thăm thẳm của ông Hồ Đa.
Nguyên Anh