1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người ở chung cư đang bị “móc túi” hàng ngày

(Dân trí) - Thiếu hiểu biết, ngại va chạm là nguyên nhân chính khiến người ở chung cư đang bị chủ đầu tư âm thầm móc túi hàng ngày. Nếu người dân có phát hiện sự việc, khiếu kiện cũng bị chủ đầu tư làm ngơ, trong khi cơ quan chức năng lại ít kiểm tra, quản lý.

Phí dịch vụ mỗi nơi mỗi kiểu

Một khoản tiền mà bất cứ hộ dân nào sống ở chung cư đều phải nộp là phí dịch vụ ở chung cư, tuy nhiên, mức phí này mỗi nơi mỗi khác. Nỗi băn khoăn nhất lớn nhất của các hộ dân ở chung cư là mức phí dịch vụ hàng tháng phải nộp cho chủ đầu tư nhằm vận hành, bảo trì, sửa chữa chung cư không được minh bạch.

Anh Hùng Đăng, chủ một căn hộ chung cư 15 tầng ở đường Phạm Hùng, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Nơi tôi ở có phí dịch vụ 130.000 đồng/tháng, phí gửi xe máy 45.000 đồng/tháng, chưa kể điện nước. Trong phí dịch vụ đã có tiền vệ sinh môi trường chung cư, nhưng không hiểu sao chủ đầu tư còn thu thêm 2.000 đồng/người tiền phí môi trường với lý do nộp cho công ty môi trường đô thị. Trong khi đó, bạn của tôi ở chung cư Việt Hưng (Gia Lâm) thì mức phí dịch vụ phải nộp chỉ có 30.000 đồng/tháng”.

Cũng băn khoăn này, chị Nguyễn Thị Hà, chủ căn hộ tầng 8 ở chung cư nói trên lại bức xúc: “Mức phí dịch vụ cao mà được phục vụ tận tình, chu đáo thì kể cũng thỏa, đằng này lúc nào cũng rác rưởi, bụi bặm khắp nơi. Mình có kêu thì chủ đầu tư lại đổ thừa là do ý thức của các hộ dân sống trong chung cư kém, để con trẻ chạy nhảy quăng rác bừa bãi”.

Chị Hà cũng cho biết thêm, ngoài các khoản phí dịch vụ, hàng tháng chị phải trả thêm phí vận chuyển gas. “Mình ở tầng 14, mỗi lần hết gas phải đổi, ngoài giá bán còn phải trả thêm phí vận chuyển gas lên tầng 14. Bảo vệ không cho vận chuyển gas bằng đường thang máy, người bán phải vác theo cầu thang bộ. Mình không trả phí thì họ không chịu đem lên”.
 
Người ở chung cư đang bị “móc túi” hàng ngày - 1

Quy định cấm vận chuyển bình gas bằng thang máy làm các hộ dân ở tầng cao khổ sở
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các chung cư đều quy định cấm vận chuyển bình gas bằng đường thang máy vì bình gas nằm trong danh mục dễ cháy nổ. Tuy nhiên, anh Đinh Văn Dũng, một chủ gas ở đường Thái Hà lại khẳng định: “Đây là một quy định hết sức bất hợp lý. Gas chỉ cháy nổ khi quy trình sang cất trái phép, không đúng quy định. Còn khi vận chuyển bình thường thì rất an toàn. Nếu không thì những người sử dụng bình gas trong quá trình nấu ăn là đang đùa với tử thần à?”.

Hàng loạt chung cư vẫn “vô chủ”

Theo quyết định 08/2008/QĐ-BXD về quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư của Bộ Xây dựng, bất kỳ chung cư nào sau khi bàn giao đưa vào sử dụng sau 12 tháng và có 50% căn hộ được bán, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức hội nghị chung cư. Việc tổ chức hội nghị này nhằm bầu ra Ban Quản trị của chung cư, và ban quản trị có trách nhiệm trong việc đề ra nội quy quản lý sử dụng chung cư.

Ban quản trị cũng có quyền lựa chọn doanh nghiệp quản lý vận hành, bảo trì nhà chung cư. Nếu mỗi nhà có một chủ hộ thì ban quản trị được xem như là “chủ hộ” của chung cư đó. Tuy nhiên, qua khảo sát, phần lớn các chung cư trên địa bàn Hà Nội vẫn “vô chủ” vì chưa có ban quản trị chính thức.

Anh Hùng Đăng, ở chung cư 15 tầng ở đưòng Phạm Hùng, Mỹ Đình, Hà Nội cho biết, dù đã bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2003, vậy mà 5 năm nay chung cư vẫn chưa có ban quản trị chính thức do chủ đầu tư chưa tổ chức hội nghị chung cư. “Có nhiều vấn đề chúng tôi muốn phản ảnh gửi lên chủ đầu tư thì bị họ làm ngơ, trong khi đó ban quản trị chung cư lại chưa có nên không ai can thiệp được”, anh Đăng bức xúc.

Cũng như anh Hùng Đăng, anh Vũ Đức Quyển ở chung cư C6 cũng phản ảnh: “Hơn 1 năm nay, chủ đầu tư vẫn viện nhiều lý do để không tổ chức hội nghị chung cư và bầu ban quản trị chính thức. Chúng tôi thành lập ban quản trị lâm thời thì chủ đầu tư có công văn phủ nhận quyền hoạt động của ban quản trị này. Nhiều vấn đề bức xúc của các hộ dân trong chung cư đều bị chủ đầu tư làm ngơ”.

Như anh Quyển cho biết, chung cư C6 có 18 tầng, tầng thượng dành để bố trí phòng sinh hoạt cộng đồng nhưng chủ đầu tư lại đem cho thuê văn phòng. Chung cư có 6 thang máy, trong đó có 2 thang máy có cabin rộng để chở đồ đạc và băng ca thì chủ đầu tư lại cắt và thay vào đó là cabin hẹp. “Nhà ở tầng cao có ai đó đau ốm vào bệnh viện thì không biết làm sao mà di chuyển trong thang máy quá chật hẹp, khiếu kiện chủ đầu tư thì họ bỏ ngoài tai”, chị Ngọc Bích, ở căn hộ 1705 than phiền.

Tiền chung thành của riêng

Một vấn đề ít được các hộ dân sống ở chung cư chú ý, là việc khai thác kinh doanh ở tầng 1 đối với các chung cư có nhiều chủ sở hữu. Quyền kinh doanh, khai thác tầng 1 hoặc do chính chủ đầu tư thực hiện hoặc do Ban quản trị chung cư thực hiện, và kinh phí thu được sẽ trích một phần vào việc vận hành, bảo trì và sửa chữa chung cư hàng năm.
 
Người ở chung cư đang bị “móc túi” hàng ngày - 2

Kinh phí khai thác từ tầng 1 phải trích vào bảo trì sửa chữa chung cư, nhưng nhiều chủ đầu tư làm ngơ

Tuy nhiên, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, ngại va chạm của các hộ dân, nhiều chủ đầu tư ôm luôn tiền kinh doanh, khai thác tầng 1 chung cư cho riêng mình, lại buộc các hộ dân nộp kinh phí sửa chữa, bảo trì chung cư khi có sự cố xảy ra. Và cũng lợi dụng điều này, hầu hết chủ đầu tư đều cố tình không tổ chức hội nghị chung cư, nếu các hộ dân có đề nghị thì tìm cách trì hoãn nhằm thu lợi trái phép.

“Chính vì không có ban quản trị mà sau 5 năm bàn giao sử dụng, tòa nhà hiện đại ngay giữa trung tâm thành phố vẫn chưa được nối truyền hình cáp tận nhà. Chủ đầu tư không chịu nối vì chưa thỏa thuận được phần trăm hoa hồng với đơn vị kinh doanh truyền hình cáp, các hộ dân chỉ được thông báo chờ, chờ mãi”, anh Đức Dũng, chủ căn hộ 13.., chung cư 15 tầng đường Phạm Hùng cho biết.

Sớm ra đời Hiệp hội của những người ở chung cư, đó là mong muốn của hầu hết hộ dân sinh sống ở chung cư hiện nay. Chủ đầu tư cố tình lách luật, cơ quan chức năng thiếu kiểm tra, quản lý, trong khi đó các quy định của pháp luật thì chưa chặt chẽ, nên người ở chung cư vẫn đang bị “móc túi” từng ngày.
 

Cần ban hành hợp đồng mua và bán nhà ở chung cư chuẩn của Nhà nước

 

Để tránh các tranh chấp trong quá trình sử dụng chung cư, theo tíên sĩ Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh, Nhà nước cần ban hành mẫu hợp đồng mua bán nhà ở chung cư chuẩn, tránh kiểu mỗi chủ đầu tư tự thảo ra một mẫu hợp đồng, không ai giống ai.

 

Ví như Singapore, để mua bán nhà ở chung cư, các chủ đầu tư phải áp dụng mẫu hợp đồng mua và bán căn hộ chuẩn, phù hợp với Luật Quản lý và Cấp phép đầu tư nhà ở, dưới sự kiểm tra của Cơ quan quản lý nhà ở (Singapore Controller of Housing) do Bộ trưởng Bộ phát triển Quốc gia thành lập.

 

Chủ đầu tư muốn bán căn hộ phải có hợp đồng mua và bán do Cơ quan Quản lý Nhà ở phê duyệt. Sau đó, nếu muốn kiểm tra dự án, bất cứ lúc nào cơ quan này cũng có thể yêu cầu chủ đầu tư cung cấp danh sách người mua.

 

Sau khi ký hợp đồng, bên mua và bên bán, mỗi bên giữ một bản hợp đồng. Việc thanh toán được thực hiện theo nhiều đợt, phù hợp với tiến độ thi công. Khi được 3 kiến trúc sư độc lập xác nhận tiến độ thi công đợt 1 đã hoàn thành, chủ đầu tư mới được quyền thông báo cho khách hàng chuyển tiền thanh toán đợt kế tiếp vào tài khoản của dự án tại ngân hàng. Sau đó, chủ đầu tư mới được giải ngân và tiền rút ra cũng chỉ được dùng cho dự án. Cứ thế cho đến khi xong công trình. Việc rút tiền hợp lệ từ tài khoản dự án được Cơ quan Quản lý Nhà ở giám sát chặt chẽ.

 

Mỗi lần thanh toán cũng là mỗi lần người nhận chuyển nhượng phải đóng lệ phí trước bạ (Stamp Duty). Lệ phí này được nộp lên Ban Quản lý Thu nhập Nội địa Singapore (Inland Revenue Authority) trực thuộc Bộ Tài chính. Với cách làm như trên, việc mua bán diễn ra hoàn toàn công khai, sòng phẳng, cả người bán lẫn khách hàng và nhà nước không ai bị thiệt thòi.  

Sông Lam