1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người nông dân nghèo hiến đất xây nghĩa trang

(Dân trí) - Cách đây gần 20 năm, ở quê ông Nguyễn Văn Ngôi (ấp Mỹ Hòa, xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, An Giang), người chết không đưa ra đồng vì không còn chỗ chôn. Đau đáu thương người đã khuất, ông Ngôi quyết vay mượn, mua một mảnh đất làm nghĩa trang từ thiện...

Đi vay tiền làm từ thiện

 

Nói về nguyên nhân hiến đất, ông Ngôi kể: Năm 1989, ở xóm ông có một cháu 18 tuổi bị bệnh chết, gia đình để mãi không chôn, hỏi ra mới biết vì không có đất. Nghĩa trang khi đó đã chật cứng chỗ, người chết cũng không còn chốn dung thân.

 

“Tôi nghĩ người nghèo sống đã không đủ cái ăn, chết rồi cũng không có chỗ yên nghỉ, thế thì đau thương quá”, ông Ngôi ngậm ngùi. Thế là ông bắt đầu đi dò hỏi tìm mua đất cho người chết. Rồi ông tìm được một miếng đất trên gò cao, rộng 3.600m2, để làm nghĩa trang thì rất thích hợp.

 

Chủ miếng đất nói giá 2 chỉ vàng, tương đương với hơn 50 giạ lúa, trong khi lúc đó nhà ông chẳng đủ ăn. Nhưng vợ chồng ông vẫn bàn với nhau kiếm tiền mua cho được miếng đất ấy, hiến cho xã làm nghĩa trang.

 

Năm 2000, vùng này chưa bao đê, nước ngập lênh láng, vợ chồng ông lại tất tả thuê người đổ thêm đất. Lần đó vợ chồng ông phải bỏ ra 7 chỉ vàng, tất cả đều là tiền vay mượn của anh em, hàng xóm. Mấy năm sau đó, vợ chồng ông nai lưng ra kiếm tiền trả nợ. Có chủ nợ biết ý định cao đẹp của ông, nhất định không lấy lại tiền.

 

Viết cam kết hiến đất

 

Ý nguyện của ông là đất hiến cho đời. Hễ ai có người thân qua đời, cứ đem đến mảnh đất ấy mà chôn cất, không phải trả phí. Ông chỉ có một yêu cầu là người “đến” trước phải nằm theo hàng theo lối, để dành chỗ cho người sau.

 

Nhưng ông Ngôi có một nỗi lo, ông sợ sau khi mình mất đi, con cái xót của đòi lại miếng đất. Thế là ông vận động bà con đóng góp gạch cát, xây tường bao quanh khu nghĩa trang, để sau này không ai có quyền đòi lại hay xâm phạm phần đất từ thiện đó.

 

Tường xây xong, ông cho khắc lên dòng chữ: “Nghĩa địa từ thiện xã Nhơn Mỹ. Nguyễn Văn Ngôi - Lê Thị Nhiễn. Tôi đồng ý hiến cho nhà nghèo không đất chôn cất người thân. Đến địa điểm này tôi sẵn lòng cho, chúng tôi còn mạnh khoẻ cống hiến cho đời vĩnh viễn. Sau này con trai, cháu tôi không quyền xâm phạm vô phạm vi 3.600m2 này. Vợ chồng tôi đồng ý ký tên”.

 

Đến nay, khu nghĩa trang của ông đã trở thành nơi yên nghỉ của hơn 70 người xấu số. Ông Ngôi bùi ngùi: “Người ta sống có cái nhà, thác có cái mồ, thấy người ta khổ mình cũng không yên”.

 

Thành lập Hội tự thiện

 

Năm 2002, ông Ngôi đứng ra thành lập Hội từ thiện và Hội Chữ thập đỏ, đầu tư dựng nhà cho người nghèo. Tính đến nay, Hội từ thiện của ông đã hỗ trợ hơn 700 căn nhà cho hộ nghèo trong và ngoài xã, mỗi căn nhà trị giá 5 triệu đồng.

 

Kể từ hồi đó, nhà ông lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười nói của hàng chục người đến phụ ông dựng nhà giúp dân nghèo. Hội giờ đã có hơn 40 thành viên, mỗi người tự nguyện đóng góp 500 nghìn đồng/năm. Riêng ông Ngôi còn đóng góp lương thực nuôi những thành viên trong hội.

 

Trong nhà ông bây giờ, cái gì cũng được đem ra làm từ thiện. Ông Phan Hồng Phước, Chủ tịch UBND xã Nhơn Mỹ, cảm kích trước tấm lòng cao đẹp của ông Ngôi: “Tấc đất tấc vàng. Hành động cao đẹp của ông Ngôi mang ý nghĩa hết sức sâu sắc, thể hiện đạo lý tốt đẹp “lá lành đùm lá rách” của nhân dân ta”.  

Hạnh Châu