Người nông dân Bình Dương "thuần hóa" cây lạ cho loại quả 20 triệu đồng/kg

Hương Thảo

(Dân trí) - Sau 5 năm miệt mài nghiên cứu "thuần hóa" cây vani, anh Trần Minh Trung (40 tuổi, ở Bình Dương) đã có được trang trại với hàng ngàn gốc xanh tốt và cho thu hoạch với chất lượng đúng kỳ vọng.

Năm 2020, khu vườn của anh Trung cho thu hoạch khoảng 50kg trái vanilla (vani) tươi. "Con số này tuy không nhiều so với quy mô 3000m2, nhưng là thành quả bước đầu của tôi trong hành trình khởi nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, tôi có thể "làm chủ" được cây vani", anh Trung chia sẻ.

Vani là loại hương liệu được sử dụng khá phổ biến trên thế giới. Nó không chỉ được dùng làm hương liệu cho bánh ngọt, kem, mà còn được đem vào sản phẩm túi thơm, gấu bông, đồng thời là thành phần không thể thiếu trong ngành sản xuất nước hoa.

Quá trình trồng, thu hoạch… công phu khiến cho vani trở thành loại gia vị đắt thứ 2 thế giới chỉ sau nghệ tây, với giá khoảng 500 - 700 USD/kg (11,8 triệu đồng - 16 triệu đồng/kg).

Người nông dân Bình Dương thuần hóa cây lạ cho loại quả 20 triệu đồng/kg - 1
Trang trại vani tại Bình Dương của anh Trần Minh Trung.

Ba năm mòn mỏi chờ vani ra hoa

Năm 2015, anh Trần Minh Trung tình cờ biết đến giống cây vani, nên mạnh dạn đặt mua giống từ nước ngoài về để thử ươm trồng.

Tuy là cử nhân kinh tế, không có nhiều kinh nghiệm về nông nghiệp nhưng từ lâu, anh Trung vẫn ấp ủ dự định khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững.

Trước khi thử nghiệm trồng vani, anh Trung từng mua các giống cây từ nước ngoài có giá trị kinh tế cao khác như: kiwi, wasabi, hoa nghệ tây… Tuy nhiên, đều không hiệu quả do yếu tố khí hậu khác biệt. Khi nhận thấy cây vani thích hợp với khí hậu một số nơi ở Việt Nam, anh một lần nữa mạnh dạn thử nghiệm.

Người nông dân Bình Dương thuần hóa cây lạ cho loại quả 20 triệu đồng/kg - 2
Độ ẩm cao có thể khiến cây dễ bị úng và bị bệnh.

"Tôi mua một số dây vani về chăm sóc rồi thực hiện nhân giống trong vườn nhà. Sau nhiều tháng thử nghiệm, cây vẫn yếu, chết dần vì úng", anh Trung kể lại.

Kết quả bước đầu chưa khả quan, anh Trung tìm cách thay đổi phương pháp trồng. Vì độ ẩm cao khiến cây dễ bị úng và bị bệnh, anh Trung thay giá thể bằng than và gỗ mục.

"Tôi mất gần nửa năm để tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục giá thể trồng do không biết hỏi ai, hỏi ở đâu...", anh Trung nhớ lại quãng thời gian thử nghiệm ban đầu.

Người nông dân Bình Dương thuần hóa cây lạ cho loại quả 20 triệu đồng/kg - 3
Anh Trung trồng vani bằng giá thể từ than và gỗ mục.

Sau khi tìm được giá thể phù hợp, người đàn ông này tiếp tục quan sát từng giai đoạn phát triển và thử nghiệm để biết nhu cầu ánh sáng, nước, dinh dưỡng, độ ẩm của cây. Anh Trung phải mất thêm 2 năm chờ đợi, những trụ vani mới xanh tốt, khỏe mạnh.

Người nông dân Bình Dương thuần hóa cây lạ cho loại quả 20 triệu đồng/kg - 4
Anh Trung kiểm tra độ ẩm của giá thể đảm bảo cây không bị úng.

Tới năm 2018, những bông hoa vani đầu tiên xuất hiện. Anh Trung vô cùng vui mừng, vì công sức bỏ ra trong 3 năm ròng rã đã có tia hy vọng.

Nghỉ việc, làm nông dân, dồn hết tiền để đầu tư trang trại

Người đàn ông Bình Dương "thuần hóa" cây lạ cho loại quả 20 triệu đồng/kg

Khi các cây vani khỏe mạnh và ra hoa, anh Trung quyết định nghỉ việc ở cơ quan, mạnh dạn dùng số tiền tích góp được đi thuê mảnh đất 3.000m2 để mở trang trại tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

"Vani thích hợp trồng ở vùng nhiệt đới, có nắng nhưng không quá nóng, có bóng mát bên trên. Điều kiện thời tiết, khí hậu ở Bình Dương rất phù hợp cho cây phát triển", anh Trung cho biết.

Tại khu đất đi thuê, anh Trung đầu tư xây dựng nhà lưới, thiết kế các trụ xơ dừa để trồng vani do loại cây này vốn sống bám trên cây thân gỗ ở rừng nhiệt đới.

Người nông dân Bình Dương thuần hóa cây lạ cho loại quả 20 triệu đồng/kg - 5
Vani do anh Trung trồng đều phát triển xanh tốt trên các trụ xơ dừa.

Theo anh Trung, khi đã nắm được đặc tính và nhu cầu của cây, việc chăm sóc không quá vất vả. Mùa nắng sẽ tưới nước 2 ngày/lần và sử dụng phân bón hữu cơ.

"Do trồng vani làm thương phẩm nên tôi không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, nhằm hạn chế tồn đọng hóa chất gây hại cho người tiêu dùng. Tôi nuôi ngựa để lấy phân rồi ủ, nuôi trùn quế làm phân hữu cơ cho vani", anh Trung chia sẻ.

Người nông dân Bình Dương thuần hóa cây lạ cho loại quả 20 triệu đồng/kg - 6
Anh Trung nuôi ngựa để lấy phân.

Sau khi trồng 2 năm, cây vani mới ra hoa. Hoa vani nở trong khoảng 1,5 - 2 tháng vào mùa khô, khi độ ẩm giảm, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch lớn. Với khí hậu ở miền Nam, cây thường ra hoa từ tháng 11 đến tháng 1.

Anh Trung và người làm cùng ở trang trại phải đi thụ phấn từng bông vani. Mỗi chùm hoa có khoảng 15 bông, mỗi ngày chỉ thụ phấn 1 bông, từ khi thụ phấn đến khi trái chín mất 8 - 9 tháng.

Người nông dân Bình Dương thuần hóa cây lạ cho loại quả 20 triệu đồng/kg - 7
Quá trình thụ phấn cho hoa vani kỳ công do phải làm bằng tay.

Anh Trung cũng thử nghiệm việc nuôi ong dú - loài ong có kích thước nhỏ bậc nhất trong các loài ong tại Việt Nam để tăng khả năng thụ phấn tự nhiên. Sau khi trái chín, anh cho thu hoạch và tiếp tục xử lý bằng một tiến trình lên men đặc biệt với nhiều bước khác nhau, kéo dài cả tháng trời.

Trong năm 2020, anh Trung thu hoạch được 50kg trái vani tươi và sau quá trình xử lý cho 10kg trái vani khô. Hiện nay, giá bán vani khô trên thị trường Việt Nam dao động từ 10 triệu đồng - 20 triệu đồng/kg.

Người nông dân Bình Dương thuần hóa cây lạ cho loại quả 20 triệu đồng/kg - 8
Những trái vani khô đầu tiên mà anh Trung thu hoạch được.

Ngay sau khi tìm ra công thức "thuần hóa" giống cây này, anh Trung đã chia sẻ, sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho những nông dân khác. Hiện, mô hình của anh đã được chuyển giao cho 3 hộ với diện tích trồng là 1ha.

Anh Trung cho biết, chi phí đầu tư cho 1.000m2 trang trại trồng vani khoảng 300 triệu đồng. Sau 3 năm, nếu đảm bảo quy trình chăm sóc, mỗi trang trại có thể cho thu hoạch 150kg trái vani tươi/năm, sau quá trình lên men sẽ có 30kg vani thành phẩm.

Người nông dân Bình Dương thuần hóa cây lạ cho loại quả 20 triệu đồng/kg - 9
Chi phí đầu tư cho 1.000m2 trang trại trồng vani khoảng 300 triệu đồng.

"Tôi rất sẵn lòng được chia sẻ cách trồng giống cây giá trị này tới bà con nông dân. Tuy nhiên, tôi không muốn chia sẻ một cách ồ ạt mà muốn gắn bó, cùng bà con làm nông nghiệp bền vững, hiệu quả. Người dân Việt Nam rất kiên trì, chịu khó, chúng ta lại có sẵn nhiều lợi thế tự nhiên để có thể phát triển giống cây này tại Việt Nam", anh Trung chia sẻ.

Người nông dân Bình Dương thuần hóa cây lạ cho loại quả 20 triệu đồng/kg - 10
Anh Trần Minh Trung sẵn lòng chuyển giao kinh nghiệm trồng, thu hoạch vani cho bà con nông dân khác.

Cùng với việc chia sẻ mô hình với bà con nông dân, anh Trung tiếp tục học hỏi, nghiên cứu tài liệu để thử nghiệm việc chế biến sâu quả vani.

Sau không biết bao nhiêu lần thất bại, anh Trần Minh Trung vẫn quyết tâm đi theo con đường khởi nghiệp nông nghiệp và mong muốn đưa vani Việt Nam vươn mình ra thế giới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm