Người nông dân bán bò, vay tiền đi chống tham nhũng
Ngồi trước mặt tôi là người nông dân nhỏ thó 42 tuổi, có một đàn con chín đứa đề huề. Người đã bán bò, vay ngân hàng hơn 20 triệu đồng để mua máy ảnh, máy ghi âm và hàng chục sách luật làm tài liệu chống tham nhũng.
Hành trình chống quan tham
Đặt chân lên thị trấn rẻo cao Hương Khê, huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh, hỏi nông dân Nguyễn Kim Hợp bán bò để chống tham nhũng thì ai cũng nhiệt tình chỉ đường và nói: “Nhà em phục lăn anh Hợp. Quanh năm đầu tắt mặt tối mà lôi ra được hàng tá quan tham. Tài thật!”.
Anh Nguyễn Kim Hợp ở trong ngôi nhà nhỏ gần đường Hồ Chí Minh. Gặp chúng tôi, anh Hợp khệ nệ bưng ra bao tải nặng trịch gồm ba chiếc radio, một máy ghi âm, hai điện thoại di động, một máy ảnh, hàng chục cuộn phim, 50 cuộn băng các cỡ, hàng tá pin tiểu cao cấp và một chồng đơn thư tố cáo gồm bản gốc và bản photo ước nặng gần 5kg. Ngoài ra còn hàng chục cuốn sách luật về đất đai, luật chống tham nhũng, Luật Tố tụng Hình sự, Luật Dân sự…
Nguyễn Kim Hợp bắt đầu đi kiện vào giữa tháng 3/2005, khi lãnh đạo xã Phú Phong về họp dân xóm 2, triển khai kế hoạch chăn nuôi trâu bò đàn. Cuộc họp hôm ấy, anh Hợp lên tiếng: “Đất đai các ông bán hết rồi, còn đâu nuôi con gì trồng cây gì”. Lúc đó, lãnh đạo xã nóng lên, xẵng giọng cãi nhau quyết liệt đến khuya mới giải tán. Trên đường về, trưởng công an xã khắng giọng: “Nhà ông ngon thì cứ kiện. Thách đấy!”.
Anh nông dân Nguyễn Kim Hợp quyết chống quan tham xã Phú Phong tới nơi tới chốn. Sau bao đêm trằn trọc thao thức, một kế hoạch phanh phui tiêu cực của cán bộ xã được vạch ra. Ban đầu anh đóng vai người đi mua đất vì theo nguồn tin của bà con, được bao nhiêu đất cán bộ xã đã tự ý chia, cho, biếu, tặng vô tội vạ và tự ý thu đất có sổ đỏ hợp pháp của dân để bán kiếm lời.
Sắm vai người mua đất, anh Hợp đã phát hiện 22 quan xã tham nhũng đất đai. Trong số này, người tham nhiều nhất là nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Kim Chung có 14 sổ đỏ, đứng thứ nhì là Trưởng Công an xã Nguyễn Viết Đạt có 11 lô đất, số còn lại mỗi vị trung bình hơn 3 lô đất.
Ngoài việc nắm chắc số liệu các quan xã tự ý chia nhau đất đai, Nguyễn Kim Hợp còn phát hiện 80ha rừng ở đồi Phục Si có hàng chục năm tuổi bị chặt phá, trong đó có 20ha rừng của dự án 327 bị triệt phá tan hoang rồi bị phân lô bán lần bán đoạn. Tiền bán không nhập về kho bạc mà tự ý thu, rồi chia chác nhau trong nội bộ các quan xã Phú Phong.
Khi tập hợp được tài liệu đầy đủ, Nguyễn Kim Hợp đã thảo một lá đơn gửi lên huyện. Trên đường đi thấy người đồng môn trong xã là ông Nguyễn Tiến Sĩ cũng đi kiện với nội dung giống mình, anh Hợp đã kết bạn tâm giao với ông Sĩ và về nhà gọi thêm anh trai là ông Nguyễn Kim Trúc cùng theo chống quan tham địa phương.
Lúc đơn độc một mình, làm việc gì anh Hợp cũng vất vả, cật lực. Từ ngày có thêm anh trai và người bạn hữu hảo, anh Hợp như có thêm sức mạnh, công việc đi điều tra êm xuôi hơn trước. Họ đã phát hiện các quan tham bán hàng ngàn mét vuông đất, lập quỹ đen gần bốn tỷ đồng.
Khi nộp đơn lên huyện, bộ ba nông dân do Nguyễn Kim Hợp dẫn đầu bị các đối tượng cấp xã sai người ném đá vào nhà làm vỡ ngói, vỡ cửa kính. Vợ con đi đâu cũng bị dọa nạt, thậm chí chúng còn viết giấy treo ngoài cổng nhà, đe dọa: “Hãy coi chừng”. Đe dọa không được, cán bộ xã xuống dỗ ngọt: “Thôi lặng đi, rồi sẽ cấp cho mấy đám đất”. Nghe vậy anh Hợp mắng té tát vào mặt, rồi đuổi về.
Đơn kiện chuyển lên huyện sau hai tháng không thấy trả lời, ba anh em Nguyễn Kim Hợp lập kế hoạch xuôi về Hà Tĩnh gặp lãnh đạo tỉnh. Trước đó họ có gửi một bộ hồ sơ khiếu kiện theo đường bưu điện nhằm đề phòng bất trắc dọc đường.
| |
Ba nông dân chống tham nhũng do Nguyễn Kim Hợp (trái) đứng mũi chịu sào. |
Anh Hợp kể: “Vào gặp Chủ tịch tỉnh, lãnh đạo tiếp chân tình và hứa chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Qua gặp ông Trần Đình Đàn, Bí thư Tỉnh ủy cũng được tiếp đón ấm áp. May cho tui là gặp được lãnh đạo mới biết bộ hồ sơ gửi qua bưu điện bị ai đó bóc và lấy mất phần quan trọng phanh phui những tiêu cực của cán bộ xã Phú Phong. Thì ra trong lúc đi gửi đơn có người theo dõi. May mà tui còn cầm hồ sơ dự phòng để bổ sung, không thì mất uy tín với lãnh đạo tỉnh.
Anh biết không, cái phần quan trọng bị mất nói rõ gần 100% cán bộ có chức quyền trong xã được chia, bán đất. Riêng gia đình ông Bí thư Đảng ủy xã có con trai làm kế toán xã, cháu làm thủ quỹ, em trai Nguyễn Kim Diệm - Chủ tịch Hội Nông dân, tất cả có 10 lô. Ông Phan Văn Tích - nguyên Chủ tịch huyện, cũng được xã bán giá rẻ như cho 1.750m2; con rể ông Tích 4.000m2; con gái ông Tích 5.750m2… Rành rẽ rứa nên đơn gửi lên huyện, huyện ngâm, gửi qua bưu điện cũng bị mất anh ạ”.
Thành quả ban đầu
Đoàn của anh Nguyễn Kim Hợp từ năm 2005 đến nay lên xuống Hương Khê-Hà Tĩnh không biết bao nhiêu lần, đội nắng đội mưa. Sự chờ đợi của ba nông dân này rồi cũng có kết quả khả quan. Ngày 26/8/2005 lãnh đạo huyện Hương Khê đã ký quyết định thu hồi 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 13 lô đất kèm theo của những người vi phạm mà không có bồi thường bất cứ khoản gì.
Số đất bị thu nhằm vào hai nhân vật Nguyễn Kim Chung từng giữ các chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã. Người thứ hai là Lê Hữu Cơ - Trưởng ban Địa chính xã. Số lượng đất thu hồi của hai quan tham này lên đến gần 8.000m2, tính giá thị trường tương đương hàng chục tỷ đồng.
Nhưng anh Hợp chưa hài lòng vì theo anh, sự việc không chỉ liên quan đến hai quan chức xã mà hầu hết cán bộ xã đều “dính”. Cần phải đưa tất cả ra ánh sáng. Thế là họ lại tiếp tục cuộc hành trình.
Rồi ngày 10/5/2006, công an đã bắt 6 bị can trong đó có 5 cán bộ đảng viên và 1 công chức thuộc các ban ngành của UBND huyện Hương Khê và lãnh đạo xã Phú Phong, gồm: Đặng Quang Châu (SN 1948) - nguyên Trưởng phòng TN-MT nay là cán bộ phụ trách tôn giáo UBND huyện; Trịnh Xuân Tùng (SN 1962) - Cán bộ Phòng TN-MT; Nguyễn Đình Lợi (SN 1957) - Cán bộ Chi cục Thuế huyện Hương Khê; Nguyễn Vân Hồng (SN 1961) - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phú Phong; Nguyễn Kim Chung (SN 1949) - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phú Phong; Lê Hữu Cơ (SN 1947) - nguyên cán bộ Địa chính xã.
Sáu bị can này bị khởi tố về: “Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tội lợi dụng chức quyền trong khi thi hành công vụ”. Riêng Nguyễn Văn Hồng còn bị khởi tố về tội “Tham ô”. Dính líu vào sự vụ này còn có thêm 13 cán bộ thuế của huyện Hương Khê.
“Thế là thành công bước đầu anh ạ!” - Nguyễn Kim Hợp nói. Chia tay chúng tôi, anh Hợp cho biết thêm: sự vụ đất đai vẫn chưa triệt để, bọn tui sẽ làm đến cùng vì 20ha rừng dự án 327 chưa có ai bị bắt bớ, đáng ra với rừng dự án 327 thì chỉ vi phạm 0,5ha là khởi tố rồi!
Theo Dương Minh Phong
Sài Gòn Giải Phóng