70 năm ngày truyền thống CSGT 21/2/1946-21/2/2016:

Người “nhạc trưởng” giao thông

(Dân trí) - Với những lời thơ đầy ý nghĩa về chiến sỹ Cảnh sát giao thông của nhà thơ Đỗ Việt Dũng, “bà đỡ” Trương Song Thành đã gửi gắm ý tưởng của mình để nhạc sỹ Nguyễn Tuấn phổ nhạc, chuyển bài thơ thành một bài hát sâu sắc về lực lượng CSGT.

Nhà thơ Đỗ Việt Dũng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo khó xã Đại Thắng (huyện Vụ Bản, Nam Định). Như bao thanh niên khác, chàng thanh niên Đỗ Việt Dũng theo tiếng gọi của non sông, khoác ba lô lên đường nhập ngũ. Khi nước nhà thống nhất, với bản tính thông minh hóm hỉnh và năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh, ông hoạt động tại Ty văn hóa thông tin Hà Bắc (cũ).

Mọi người biết đến Đỗ Việt Dũng là một nhà thơ thương binh, một người hay viết “ngành ca”. Thơ ông mang đầy nhạc tính, nên có đến hơn chục bài thơ được các nhạc sỹ phổ nhạc để làm công tác tuyên truyền, trong đó có bài đoạt giải cao.

Một hình ảnh đẹp về người chiến sỹ Cảnh sát giao thông thủ đô. (Ảnh: Tiến Nguyên)
Một hình ảnh đẹp về người chiến sỹ Cảnh sát giao thông thủ đô. (Ảnh: Tiến Nguyên)

Nhạc phẩm “Người nhạc trưởng giao thông” ra đời cũng là một cơ duyên. Quý mến lực lượng Cảng sát giao thông, ông Nguyễn Đình Lương, một người bạn của nhà thơ Đỗ Việt Dũng ở huyện Đan Phượng, đã tặng Thiếu tá Trương Song Thành - Đội trưởng Đội CSGT 9 (Phòng PC67 - CATP Hà Nội) - bài thơ của nhà thơ Đỗ Việt Dũng.

Ngay khi nhận được bài thơ, tâm đắc với bài thơ sâu sắc về lực lượng CSGT, Thiếu tá Trương Song Thành đã tìm đến nhạc sỹ Nguyễn Tuấn đề nghị phổ bài thơ thành bài hát vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát giao thông (21/2/1946 - 21/2/2016). Như đọc được “cái hồn” của nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Tuấn đã nhanh chóng dùng cung bậc âm thanh để dựng nên một bức tranh sinh động về một ngã tư đường phố với đầy khói bụi, còi xe đến nghẹt thở.

Từ trái qua: Thiếu tá CSGT Trương Song Thành, nhạc sỹ Nguyễn Tuấn và nhà thơ Đỗ Việt Dũng. (Ảnh: Trịnh Hải)
Từ trái qua: Thiếu tá CSGT Trương Song Thành, nhạc sỹ Nguyễn Tuấn và nhà thơ Đỗ Việt Dũng. (Ảnh: Trịnh Hải)

Khi thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, mưa tuôn, bão tố, ai cũng muốn tìm nơi né tránh thì người chiến sỹ CSGT vẫn luôn đứng đó, bám trụ tại ngã tư đường phố. Bằng chiếc gậy, chiếc còi trên tay, anh phân luồng chỉ hướng cho dòng xe ngược xuôi nhịp nhàng, an toàn thông suốt. Công việc thường ngày của các chiến sỹ CSGT tưởng chừng như đơn điệu, tẻ nhạt, ấy vậy mà qua ngòi bút của nhà thơ, qua âm thanh của nhạc sỹ, người nghe lại thấy một bức tranh vô cùng sinh động mà đầy ắp tình người.

Thấu hiểu, cảm phục người chiến sỹ CSGT, Đỗ Việt Dũng đã ví các anh như người chỉ huy dàn nhạc. Lời ca thán, máy nổ, còi xe phải phục tùng giai điệu thống nhất, “một tiết tấu giao thông”.

Nhạc phẩm đã được “bà đỡ” Trương Song Thành tổ chức cho thu đĩa với phần thể hiện của ca sỹ Nguyễn Đình Tuấn Dũng.
Nhạc phẩm đã được “bà đỡ” Trương Song Thành tổ chức cho thu đĩa với phần thể hiện của ca sỹ Nguyễn Đình Tuấn Dũng.

Tác phẩm “Người nhạc trưởng giao thông” cho chúng ta thấy được hình ảnh đẹp của ngã tư đường phố với hình tượng chiến sỹ CSGT như một người nhạc trưởng với “chiếc đũa” điều khiển các nhạc công theo tiết tấu nhịp nhàng: “Dòng xe ào lên, dòng xe khựng lại/Âm sắc chiếc còi nhắc nhở điều phải, trái/ Người biết nhường nhau, người biết điểm dừng”.

Sự hy sinh thầm lặng của các chiến sỹ CSGT được thể hiện qua giai điệu hào hùng, khỏe khoắn, có đoạn lại khéo léo cài vào mấy câu thơ trên nền nhạc dịu dàng, uyển chuyển như sẻ chia nỗi vất vả với các anh: “Có lúc chúng ta chưa thật hài lòng/ Xin hãy nhớ những đoạn đường ùn tắc/ Sẽ thanh thản trước những điều vướng mắc/ Và hiểu phần nào người nhạc trưởng giao thông”. Để rồi nhạc phẩm kết thúc nhịp 2/4 bằng câu “Bản hòa tấu dù xô bồ hỗn loạn/ Bỗng nhịp nhàng theo tiết tấu giao thông”.

Người “nhạc trưởng” giao thông

Bài hát đã nhanh chóng được “bà đỡ” Trương Song Thành tổ chức cho thu đĩa với phần thể hiện của ca sỹ Nguyễn Đình Tuấn Dũng (Nhà hát ca múa nhạc Quân đội) và nhạc phẩm đã ra đời.

Bùi Phương Thảo - Tiến Nguyên