1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người mở đường Hồ Chí Minh trên biển cho đoàn tàu không số

(Dân trí) - Giữa vòng vây bom đạn của địch, nhưng ngày 1/6/1961, sáu chiến sĩ vẫn lên “thuyền đánh cá” từ Bến Tre vượt hàng nghìn km tìm đường ra Bắc mở đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Sau ngày đó, hàng ngàn tấn vũ khí được chuyển vào Nam trên những chiến tàu không số.

Thiếu tá Nguyễn Văn Đức - 70 tuổi - quê Bến Tre, ôn lại những kỷ niệm từ ngày đầu cùng đồng đội mở đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Ông cho biết, trong 14 năm làm hoa tiêu trên những chuyến tàu không số, đoàn thủy thủ của ông đã hoàn thành 14 chuyến, chở gần 1.000 tấn vũ khí vào Nam.

Tìm đường

“Bảo vệ dân, mở rộng phong trào Đồng Khởi thì phải đảm bảo vũ khí cho quân giải phóng. Nhưng vũ khí lấy đâu ra? Năm 1954, anh em tập kết hết vũ khí ra Bắc. Bến Tre chúng tôi cũng như hầu hết các tỉnh khác trong Nam chỉ còn lại vũ khí thô sơ. Đánh địch như vậy là không ổn, không phát triển được lực lượng”, ông Đức nhớ lại.
 
Người mở đường Hồ Chí Minh trên biển cho đoàn tàu không số - 1
Ông Đức kể về những ngày trên Đoàn tàu không số.

Từ những băn khoăn đó, đến đầu năm 1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương lệnh cho các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long như: Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau… phải vừa nghiên cứu và chuẩn bị thuyền vượt biển ra hậu phương chở vũ khí vào chiến đấu. “Bảo đảm chắc thắng, lãnh đạo chỉ chọn thủy thủ là người trong quân giải phóng ở địa phương. Những người này đi lại không say sóng, gan dạ, kiên cường trước họng súng của địch giữa biển Đông”, Thiếu tá Đức cho biết tiêu chí lựa chọn thủy thủ đoàn tàu không số đầu tiên.

Quyết định táo bạo được mở ra trong những ngày gian khó nên trang thiết bị của những chiến sĩ trên đoàn tàu không số rất nghèo nàn. Phương tiện đi ra hậu phương là những chiếc thuyền đánh cá mua lại của người dân. Đi lại trên biển với danh nghĩa là tàu đánh cá nên những con tàu không số đầu tiên được trang bị đầy đủ ngư cụ.

Vậy là ngày 1/6/1961, ông Đức cùng 5 người đồng đội lên đường ra Bắc trên chiếc tàu đánh cá. Mục đích chuyến đi đầu tiên là khảo sát tình hình hoạt động của địch, địa hình, đường đi trên biển. Trên chiếc thuyền nhỏ, lênh đênh giữa biển khơi, trong vòng vây bom đạn của địch, 10 ngày sau, ông Đức và những người đồng đội cũng tìm được đến Vĩ tuyến 17.
 
“Nghĩ lại thấy cũng tài, chỉ với chiếc tàu ọp ẹp, không la bàn mà chúng tôi vượt 2.000km ra đến vùng giải phóng với vật dụng duy nhất là tấm bản đồ bằng tờ báo và dùng đũa đo tỷ lệ và ước lượng quãng đường đi”, ông Đức nói.

Biết an toàn, đoàn ông Đức cho thuyền tấp vào Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và bị bộ đội của ta bắt giam lỏng ở nhà dân. “Lúc đó phải tuyệt đối giữ bí mật con đường trên biển nên chúng tôi không nói với bất cứ ai nhiệm vụ của mình mà chỉ nhất quán là ngư dân bị lạc. Ngoài ra, chúng tôi cũng đòi gặp lãnh đạo cấp cao ở Hà Nội nên họ đã vào đón chúng tôi”, ông Đức nhớ lại.

Quyết tử cho những chuyến tàu không số

Sau những chuyến đi mở đường như thế, 50 năm trước, thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng, ngày 23/10/1961, Bộ đội Hải quân Việt Nam quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Đoàn 125 Hải quân ngày nay, để vận chuyển hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam với mật hiệu Đoàn tàu không số.
 
Từ năm 1962, những chuyến tàu lớn chở từ 30 đến 100 tấn vũ khí vào miền Nam. “Đại trà nhất từ năm 1963 đến năm 1965, không đêm nào biển Đông vắng bóng đoàn tàu không số”, ông Đức nói.
Người mở đường Hồ Chí Minh trên biển cho đoàn tàu không số - 2
Vượt qua mưa bom, bão đạn những chiến sĩ Đoàn tàu không số đưa hàng 1000 tấn vũ khí vào Nam.

Ông Đức cho biết, trên biển Đoàn tàu không số luôn phải đối đầu với hàng trăm chiếc tàu có cả tàu sân bay của hạm đội 7 Mỹ; hải quân ngụy; máy bay trinh sát; và cả vệ tinh do thám của Mỹ. “Đi trên biển, đầu không đội trời, chân không đạp đất, mình chỉ có một cái tàu lẻ loi đơn độc, do vậy đòi hỏi tinh thần, trách nhiệm của người cán bộ chỉ huy tàu thật tỉnh táo vào thông minh, nếu sơ sảy là bị đánh”, ông Đức nói về tinh thần của những chiến sĩ đoàn tàu không số.

Trong những lần đối đầu với địch, có một trận chiến ông Đức và những người đồng đội không thể nào quên. Hơn 24h ngày 30/2/1968, khi chở 50 tấn vũ khí vào cửa sông Mỹ Á (Đức Phổ, Quảng Ngãi), chỉ còn 25km nữa là đến đất liền thì địch phát hiện ra tàu không số.
 
“17 anh em trên tàu không số phải đương đầu với hàng chục tàu và máy bay Mỹ - Ngụy. Chúng điên cuồng bắn phá khiến tàu chúng tôi thủng như lỗ sáo. Vừa đánh, vừa rút đến 5h sáng chúng tôi vào đất liền được người dân giúp đỡ. Khi anh em lên bờ (trong đó 3 người thiệt mạng, 12 người bị thương) chúng tôi quyết định châm bộc phá cho nổ tàu”, ông Đức nhớ lại.

Sau trận chiến đó, những chiến sĩ trên tàu không số được chính chị Đặng Thùy Trâm chăm sóc. “Anh em chúng tôi được chính chị Trâm cứu chữa. Sau 35 ngày tất cả bình phục lại ngược đường Trường Sơn ra Bắc viết tiếp hành trình đường Hồ Chí Minh trên biển”, ông Đức cho biết.

Hành trình trên tàu không số của ông Đức và đồng đội rất nhiều lần gặp địch trên biển. Tuy nhiên, tinh thần “không sợ chết mà chỉ sợ không hoàn thành nhiệm vụ” đã giúp những chiến sĩ trên đoàn tàu không số vượt qua khó khăn. “Trong 14 năm tôi cùng anh em chở 24 chuyến tàu. Trong đó thành công 14 chuyến, vũ khí được giao tận tay quân giải phóng; 10 chuyến còn lại phải quay lại vì gặp sự cản trở của địch”, ông Đức cho hay.

Quang Phong