1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thái Bình:

Người mẹ tuyệt vời của 3 đứa trẻ bị bỏ rơi

(Dân trí) - 8 năm qua, chùa Phúc Lâm (xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) là mái ấm 3 đứa trẻ bị bỏ rơi. Chính thầy Thắm là người mẹ tuyệt vời sinh ra các em lần thứ hai.

Sư thầy thích đàm trực (53 tuổi), trụ trì chùa Phúc Lâm, xã Tự Tân, Vũ Thư, tỉnh Thái Bình

Khác với vẻ tĩnh lặng thường có của những ngôi chùa, chùa Phúc Lâm ở thôn Phú Lễ của xã Tự Tân lại náo nhiệt, vui tươi với tiếng nô đùa của những đứa trẻ. Đó là tiếng cười đùa của 3 cháu bé có tên lần lượt là Trung Thành, Minh Tâm và Bình An. Cả 3 đều là những đứa trẻ bị bỏ rơi được sư thầy Thích Đàm Trực (hay còn được gọi với tên thân thuộc khác là thầy Thắm) nuôi dưỡng, chăm sóc từ khi còn đỏ hỏn.

Vừa trò chuyện, sư thầy vừa miệt mài vào khuôn từng cây hương cùng các phật tử. Khi nghe lời ngỏ muốn viết về mình, thầy nói rằng việc làm của thầy chỉ là việc đơn giản, không có gì đáng kể công.

Thầy Thắm nhớ lại, 8 năm trước khi nghe trường hợp một cô gái ở Quảng Ninh vì nhỡ nhàng mà mang bầu 6 tháng có ý định bỏ con, thầy day dứt không yên. Thương đứa trẻ tội nghiệp, thầy dồn hết tiền bạc gom góp được, lặn lội đến tận nơi vận động thuyết phục cô về chùa ở để thầy chăm sóc chờ ngày sinh nở.

Thầy Thắm chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các con rất chu đáo
Thầy Thắm chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các con rất chu đáo

Sau khi sinh nở mẹ tròn con vuông, vì hám lợi nên cô gái có ý định bán con cho một người khác. Biết chuyện, thầy Thắm phải hết lời khuyên can, trông chừng. Khi em bé được một tuần tuổi thì cô gái và người thân trốn đi biệt tích, bỏ lại đứa con chưa kịp rụng rốn. Bé trai ấy thầy đặt tên là Trung Thành.

Bé Minh Tâm cũng suýt không được chào đời vì mẹ bé cũng vì lỡ làng mà mang thai. Nghe chuyện, một lần nữa thầy lại dồn góp tiền để lên đường khuyên can. Vì một số phật tử không thông cảm với hoàn cảnh của mẹ bé Minh Tâm nên thầy phải thuê trọ ngoài cho người phụ nữ này. Tiền thuê nhà ở, tiền sinh hoạt phí cho đến lúc sinh đều do thầy Thắm một tay xoay sở. Sau khi sinh, người phụ nữ này cũng nhanh chóng rời bỏ, thầy Thắm tiếp tục đảm nhận vai trò người mẹ nuôi đứa con thơ thứ hai.

Còn Bình An thì có duyên với mẹ Thắm vào một ngày đông lạnh giá. Con bị bỏ lại ngay trước cửa chùa, trong một chiếc giỏ nhỏ. “Hôm đó trời lạnh lắm, mở giỏ ra thầy giật mình khi thấy một em bé còn đỏ hỏn chắc vừa mới sinh. Người tím tái, lạnh ngắt, hơi thở yếu ớt. Thầy vội bế vào chùa ủ ấm và cho đi bệnh viện”, thầy Thắm nhớ lại.

Nhớ lại những ngày đầu tiên khi nuôi con, sư thầy tâm sự khi nhận các con về nuôi, sư thầy tâm sự: “Biết là sẽ vất vả, khó khăn, nhưng với tấm lòng của nhà Phật, tôi lại ôm các con vào lòng”.

Bén duyên cửa Phật từ khi còn là con gái, nên khi nhận nuôi các con, thầy phải học mọi điều để làm mẹ.
Bén duyên cửa Phật từ khi còn là con gái, nên khi nhận nuôi các con, thầy phải học mọi điều để làm mẹ.

Xuất gia theo cửa Phật đã được gần 30 năm, thầy Thắm quen với việc tu luyện, lao động vất vả khi chăm sóc trẻ sơ sinh thầy lại phải học thêm nhiều điều mới. Những đứa trẻ khát sữa, thiếu hơi ấm của mẹ cứ khóc ngặt, rồi những lúc đau ốm, có khi cả 3 con cùng nhập viện một lúc khiến thầy vừa lo vừa tất tả vay mượn tiền để chạy chữa cho các con.

Bằng tình yêu thương thầy Thắm đã chăm sóc được từng đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh, đáng yêu. Các con được tới trường như những đứa trẻ khác. Sợ con thua thiệt với bạn bè, vào những dịp lễ tết, năm học mới thầy Thắm cần mẫn dạy dỗ chỉ bảo, chơi đùa, mua sắm sách vở quần áo để các con cảm nhận được tình cảm ấm áp, gần gũi của người mẹ, phần nào bù đắp thiệt thòi.

Để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày, thầy Thắm cùng với 2 phật tử khác ở chùa cấy hơn 1 mẫu ruộng và sản xuất hương sạch. Gian nan là vậy nhưng sư thầy vẫn nở những nụ cười hạnh phúc khi nhìn những đứa trẻ vui đùa.

“Chỉ cần nhìn các con lớn lên bình an, hạnh phúc là thầy lại có thêm động lực, mệt mỏi mấy cũng tan biến. Với thầy đó không phải là vất vả, mà là hạnh phúc”, thầy Thắm cười nói.

Đức Văn