Người mẹ Thụy Sĩ của những đứa trẻ thiệt thòi Việt Nam
(Dân trí) - Năm 1993, một mối duyên lành đưa cô gái Thụy Sĩ Aline Rebeaud đến với những đứa trẻ mồ côi và người khuyết tật Việt Nam, để rồi nữ họa sĩ tuổi đôi mươi quyết định gắn bó cuộc đời mình với họ, với cái tên Việt thân thương: mẹ Tim.
Mùi thức ăn thơm phức lan tỏa từ gian bếp. Một chiếc xe lăn chậm rãi đi qua đi lại bên những chảo lớn, chủ nhân của nó đang thao tác nấu nướng một cách thành thục. Giờ tan học, đàn em nhỏ trong áo đồng phục nô nức trở về mái nhà thân thương, nói cười í ới. Quang cảnh ngày hôm nay của Nhà May Mắn đã khác xa với mái lá đơn sơ lúc mới thành lập cuối năm 1992.
Tim đã gặp nhiều trẻ mồ côi và những người (phần lớn là trung niên) vì bị bại liệt phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, bị gia đình ruồng bỏ. Từ đó, Tim có ý nghĩ tập trung hai nhóm người này lại để họ nương tựa nhau dưới một mái nhà. Từng bước một, Tim đã tạo nên một tổ ấm dưới mái nhà tranh ở ngoại ô thành phố, gần khu nghĩa trang Bình Hưng Hòa (TPHCM). Cô chào đón và tự tay chăm sóc những người bệnh tật, cơ nhỡ, đồng thời tạo điều kiện cho họ có việc làm bằng việc dạy chữ và dạy nghề.
Tim đã bán hết tranh của mình để trang trải cho gia đình mới. Năm 1996, Tim gặp được một số người ở thành phố Lyon - Pháp, họ đã quyết định tham gia cùng Tim và thành lập Tổ Chức Maison Chance (Nhà May Mắn) đầu tiên. Với tính kiên nhẫn và nghị lực phi thường, Tim đã cùng bạn bè xây dựng Nhà May Mắn ngày một khang trang, trong đó mỗi thành viên đều được hỗ trợ để nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.
… đến những trăn trở cho người khuyết tật
Bài tập đi của người khuyết tật (ảnh tư liệu)
Với sự hỗ trợ của nhiều tấm lòng, ngày 18/2/2006 Trung tâm Chắp cánh được khánh thành. Tòa nhà gồm một trệt, một lầu, có thể cung cấp chỗ học tập và làm việc cho khoảng 300 người. Đây là một niềm hạnh phúc lớn cho Tim, đặc biệt là anh chị em sinh sống tại cơ cở Nhà May Mắn - Tổ chức Maison Chance. Từ đó, mọi hoạt động dạy học và làm việc đều được chuyển về Trung tâm chắp cánh, còn Nhà May mắn được dành riêng cho việc ăn ở, sinh hoạt.
Họ đã tạo ra thu nhập bằng chính sức lao động của mình, Tim lại nghĩ đến một không gian cư trú phù hợp cho người khuyết tật. Bằng trái tim của người mẹ, người chị, Tim cảm nhận: “Nếu chính bạn bị khuyết tật sau một tai nạn hoặc cơn bệnh hiểm nghèo, mùa mưa, chiếc xe lăn của bạn có thể ngã bất cứ lúc nào và tại bất cứ đâu. Làm sao tự vào nhà được khi nền nhà đã được nâng lên để tránh ngập lụt? Ngồi trên xe lăn, bạn có thể tắm được không với vòi nước cách mặt đất 30cm? Còn nhiều điều phiền toái khác mà chỉ có người tật nguyền gặp phải và họ cảm thấy bị hụt hẫng như bị xã hội bỏ rơi”.
Mẹ Tim và em Lý Thị Bích Trâm, cô bé có cha bị liệt nửa người, mẹ bỏ đi. Hiện Trâm đang được du học tại Mỹ.
Ngày 27/10/2009, buổi lễ động thổ trên công trường Làng May Mắn đã được tiến hành. Nếu mọi việc tiến triển thuận lợi, khu chung cư đầu tiên với những căn hộ dành cho người khuyết tật tại Việt Nam sẽ được hoàn thành trong vòng 15 tháng.
Cẩm Tú