1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người “mẹ” của 50 cụ già

Gần 10 năm qua, bà Nguyễn Thị Hồng (48 tuổi, ấp Rạch 7, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) đã nhận cưu mang, chăm sóc 51 cụ già không người thân, không nơi nương tựa. Bà đã dành tình yêu thương chân thành của mình để quan tâm chăm sóc các cụ nên ai cũng quý mến và quen gọi bà với hai từ thân thiện: Má Hai...

“Má Hai” của 51 cụ già

Chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Hồng lần đầu tiên tại Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến lần thứ 4 (2015-2020) của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai. Đó là người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu, giọng nói nhỏ nhẹ, điềm đạm. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên và khâm phục khi biết rằng, suốt 10 năm nay bà đã lặng lẽ cưu mang, chăm sóc hơn 50 cụ già không nơi nương tựa.

Vào một ngày đầu Xuân, chúng tôi tìm đến nơi bà đang nuôi dưỡng các cụ để hiểu rõ hơn về việc làm thiện nguyện của bà. Thật ngạc nhiên, những người đáng tuổi cha mẹ của bà lại gọi bà bằng “má Hai”.


Bà Hồng đang thăm hỏi, động viên các cụ già neo đơn.

Bà Hồng đang thăm hỏi, động viên các cụ già neo đơn.

Dẫn đi thăm từng phòng nơi các cụ ăn ở và sinh hoạt. Bà Hồng cho biết, mỗi ngày bà thức dậy từ 3 giờ sáng đi nấu nước pha ấm rồi lần lượt đến từng phòng dìu các cụ ra tắm rửa, vệ sinh cho sạch sẽ. Sau đó, bà cho các cụ ăn uống. Cụ nào bị bệnh thì sẽ được khám và cấp thuốc uống kịp thời. “Tôi có người con trai làm trong Bệnh viện Đa khoa huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, còn con dâu làm ngành dược nên hỗ trợ cho tôi rất nhiều trong việc khám và chữa bệnh cho các cụ”, bà Hồng cho hay.

Hiện bà Hồng đang nhận chăm sóc cho 51 cụ, trong đó 32 cụ phải nằm một chỗ không đi lại được, 29 cụ đi được nhưng có trường hợp mù lòa không nhìn thấy đường. Hầu hết các cụ đều bệnh tật, có trường hợp bệnh tuổi già như lãng tai, mất trí nhớ; có trường hợp bị bệnh thần kinh lúc tỉnh, lúc mê, có trường hợp phải sống đời sống thực vật... Những giây phút tỉnh táo mà được bà Hồng đến thăm thì cụ nào cũng vui mừng ra mặt. Ai cũng muốn được “má Hai” ở lại chơi lâu một chút để trò chuyện, hỏi han.

Các cụ có quê từ khắp mọi miền của đất nước, mỗi người có một hoàn cảnh thương tâm khác nhau, có trường hợp không vợ con nhà cửa, trường hợp bị con bỏ rơi, cũng có trường hợp con cháu quá nghèo nên phải đem “gửi” vào đây… Mỗi người đến đây ở mang theo một tâm sự riêng.

Nỗi đau về tinh thần khiến họ đôi khi không được bình thường. Hơn nữa, người già thường hay “trái tính trái nết”. Bởi vậy, có nhiều khi bà Hồng phải “chịu trận” trước tính khí thất thường của các cụ. “Nhiều lần tôi đưa các cụ đi tắm, khi trở vào các cụ không chịu mặc đồ mà bắt mình phải xin lỗi, thậm chí có lần các cụ còn đánh mình nữa. Nhưng tôi không trách vì các cụ đang bị bệnh, không làm chủ được bản thân nên mới có hành động như vậy…”, bà Hồng bộc bạch.

Chính tình yêu thương, sự điềm đạm trong cách ứng xử của bà Hồng đã cảm phục được những cụ già khó tính và càng làm cho họ thêm yêu quý bà. Ông Nguyễn Vạn A. (85 tuổi) kể: “Tôi là một người nghiện rượu, nghiện thuốc lá sống lang thang không nhà, không cửa cả đời. Khi mới về đây, tôi không tin là mình sẽ ở lại lâu dài bởi tính tôi ngang bướng, không chịu gò bó. Thế nhưng, ở được một thời gian, tôi cảm thấy rất phục cô Hồng và không muốn rời đi. “Má Hai” là người rất hiền lành, ăn nói khoan thai, từ tốn, chưa bao giờ la mắng ai. Nhiều lần tôi rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh cô Hồng bị các cụ la mắng, thậm chí đánh, cào cấu, nhưng cô vẫn đem tình thương bao dung của mình để đối xử lại với họ”.

Dân gian có câu “cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày”. Quả thực, chỉ có bậc làm cha mẹ khi nuôi nấng, chăm sóc con cái mới không quản ngại khó khăn, không tính công sức. Bà Hồng coi những cụ già ở đây như chính cha mẹ của mình nhưng lại dùng tình thương, sự chăm sóc của đấng sinh thành để đối đãi với các cụ. Có lẽ, chính vì vậy mà không ai bảo ai, tất cả các cụ già ở đây đều gọi bà là “má Hai” như thế.

Những suất sơm nghĩa tình

Không chỉ chăm sóc các cụ già neo đơn, nhiều năm qua bà Hồng cùng gia đình và người thân còn tổ chức thực hiện nhiều hoạt động từ thiện ý nghĩa khác, như: Phát cơm miễn phí, hỗ trợ gạo cho những đối tượng có hoàn cảnh nghèo khó, tham gia nhiệt tình các chương trình do chính quyền địa phương phát động.


Bà Hồng đang thăm hỏi, động viên các cụ già neo đơn.

Bà Hồng đang thăm hỏi, động viên các cụ già neo đơn.

Từ năm 2008, bà Hồng bắt đầu mở bếp ăn từ thiện để phục vụ bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nhơn Trạch. “Ban đầu, tôi nấu 50 suất bằng chính nguồn tiền của gia đình. Về sau có nhiều người đóng góp nên số suất ăn cứ tăng dần lên 100, 200 suất…”.

Lúc đầu, bà Hồng chỉ nhận được sự ủng hộ của chồng và các con nên làm từ thiện bằng những đồng tiền dành dụm được của gia đình. Về sau, thấy việc làm của bà có ích cho xã hội nên cha mẹ hai bên cũng đồng tình, tiếp đến là anh em, bà con lối xóm và cuối cùng là sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền địa phương. Khi nhiều người tình nguyện cùng tham gia công tác từ thiện. Tiếng lành đồn xa, gần đây các mạnh thường quân, đoàn bác sĩ từ thiện ở TP Hồ Chí Minh và một số nơi lân cận cũng thường về ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình.

Sau một thời gian, bà con khắp nơi về ủng hộ quá nhiều khiến lương thực, thực phẩm nấu không hết. Vì vậy, ngoài việc nấu cơm, cháo phát miễn phí tại bệnh viện thì bà Hồng còn tiếp tục mở rộng phục vụ thêm Trường THPT Nhơn Trạch, Trường Tiểu học Phú Hữu, Trường THCS Dương Văn Thì. Đến nay, số lượng cơm, cháo được phát mỗi tuần lên đến hàng ngàn suất. Ngoài ra, bà còn nhiệt tình tham gia các chương trình do địa phương phát động như: Ngày quốc tế thiếu nhi, làm đường giao thông nông thôn, ngày thường binh liệt sĩ, phát gạo cho người nghèo…

“Để duy trì được những công việc hiện nay, chắc chắn tôi cần phải có sự trợ giúp, ủng hộ của những nhà hảo tâm khác. Tuy nhiên, tôi không vận động bằng lời nói mà vận động bằng việc làm. Tức là tôi cứ làm tốt việc của mình, ai thấy việc làm này có ý nghĩa và muốn tham gia thì tự động đóng góp”, bà Hồng chia sẻ.

Theo bà Hồng, việc làm từ thiện là ước mơ mà bà ấp ủ từ lâu, nhưng vì hoàn cảnh gia đình trước đây phải nuôi con ăn học nên bà tạm gác lại. Sau này, bà thấy gia đình ổn định, các con đã có sự nghiệp và gia đình riêng nên bà đã thực hiện ước mơ của mình.

Theo Thành Nhân

Báo Quân đội Nhân dân