1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Cần Thơ:

“Người lớn” bất hòa để khổ con trẻ!

(Dân trí) - Đập trường cũ để xây dựng trường mới, nhưng vừa đóng cọc, đổ móng thì chủ đầu tư và nhà thầu bất đồng quan điểm. Thế là hai năm nay, hàng trăm học sinh, giáo viên của trường tiểu học Lê Lợi (Cần Thơ) phải chịu cảnh học nhờ trường khác.

Chủ đầu tư, nhà thầu cãi nhau

Việc xây mới trường tiểu học Lê Lợi (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) được tiến hành theo Quyết định số 3424/QĐ-UBND ngày 17/11/2009 của UBND TP Cần Thơ với quy mô 1 trệt, 2 lầu, gồm 10 phòng học, 5 phòng hành chính quản trị, 2 phòng bộ môn và 1 phòng phục vụ học tập. Công trình có tổng mức đầu tư gần 8 tỉ đồng, do Phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều làm chủ đầu tư.

Ngày 5/1/2011, công trình khởi công, dự kiến hoàn thành sau 8 tháng. Hai đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần tư vấn và xây dựng Thanh Niên (đảm nhiệm 80% khối lượng hợp đồng) và Công ty Cổ phần xây dựng thiết bị giáo dục (đảm nhiệm 20% khối lượng hợp đồng thi công phần móng cọc).

Chủ đầu tư và nhà thầu bất hòa khiến công trình mới đóng cọc thì phải ngưng thi công

Chủ đầu tư và nhà thầu bất hòa khiến công trình mới đóng cọc thì phải ngưng thi công
 
Tuy nhiên khi đơn vị thi công đóng cọc thì phát sinh việc một số cọc đóng chỉ 23,4m thì chạm phần đất cứng không thể đóng tiếp. Trong khi thiết kế ban đầu là 35,1m. Hậu quả là dư thừa 112 đoạn cọc với tổng số tiền 320 triệu đồng. Từ đây 2 bên bắt đầu không thỏa thuận được với nhau, buộc phải ngưng thi công.

Ngày 5/9/2011, Phòng Giáo dục Ninh Kiều có báo cáo về tiến độ thi công công trình, nêu rõ “Công trình sau khi ép cọc bê tông cốt thép xong, do tình hình địa chất phức tạp, chiều dài cọc ép xuống không giống như cọc thí nghiệm ban đầu nên dẫn đến kết quả dư thừa”. Trong bản báo cáo này, Phòng Giáo dục cũng xin ý kiến của UBND TP Cần Thơ về việc xử lý phần cọc dư thừa nêu trên.

Đến ngày 7/9/2011, các bên đã tiến hành họp để giải quyết khúc mắc. Chủ đầu tư cho biết việc dư ra 112 đoạn cọc là việc không bình thường, cần xem xét lại và yêu cầu Trung tâm Kiểm định kiểm tra lại chất lượng cọc móng về khả năng chịu lực của phần móng và yêu cầu thử tải lại 2 tim cọc ép chiều sâu không đúng như thiết kế ban đầu.

Ngày 6/1/2012, các bên lại tiến hành họp. Chủ đầu tư cho rằng mác bê tông cọc và đài móng không đạt yêu cầu. Tại đây đơn vị thi công cũng có ý kiến không phủ nhận kết quả thí nghiệm của Trung tâm Kiểm định và quy hoạch Cần Thơ. Tuy nhiên nên mời một đơn vị kiểm định khác vào khoan kiểm tra phần đài móng.

Ngày 25/7/2012, Sở Xây dựng TP Cần Thơ tổ chức một cuộc họp với các bên có liên quan và kết luận: Công trình trường tiểu học Lê Lợi khi lập báo cáo kinh tế kỹ thuật chủ đầu tư không thực hiện công tác khảo sát địa chất nên quá trình thi công ép cọc dẫn đến thừa một số đoạn cọc, trước hết lỗi thuộc về chủ đầu tư. Việc giải quyết vấn đề mác bê tông cọc và đài cọc nếu chỗ nào chưa đạt thì khoanh vùng và kiểm tra lại xác suất và có thể gia cố thêm…

Ngày 30/8/2012, bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan tính toán lại khả năng chịu lực của công trình theo thực tế căn cứ trên hồ sơ được duyệt, rà soát lại các quy trình liên quan; thuê đơn vị tư vấn độc lập thẩm định lại toàn bộ công trình, nếu kết quả đảm bảo chịu lực theo qui chuẩn thì chủ đầu tư báo cáo UBND thành phố xem xét quyết định.

 Ngày 3/10/2012, Công ty CP Tư vấn và đầu tư xây dựng Tây Đô - đơn vị kiểm định độc lập - đã có văn bản khẳng định công trình xây dựng trường tiểu học Lê Lợi đủ tiêu chuẩn an toàn để được tiếp tục thi công. Theo văn bản này, kết quả thử mẫu bê tông đạt mác thiết kế; các mẫu khoan tuy có mẫu không đạt (thiếu 2%, các kết quả còn lại đạt trên 100%) nhưng kết quả tính thép cũng như tuổi thọ công trình không có gì thay đổi. Ngoài ra, đơn vị kiểm định cho biết hệ thống móng cọc có hệ số an toàn rất cao, không cần phải thử tĩnh.

Chủ đầu tư nói gì?

Chiều 3/10, PV Dân trí có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Thiếu, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều về vụ việc này. Ông Thiếu cho biết: "Nguyên nhân Trường tiểu học Lê Lợi ngưng thi công là do nhà thầu thực hiện chưa đạt yêu cầu so với thiết kế được duyệt. Để có cơ sở pháp lý, Phòng GD&ĐT quận đã thuê Trung tâm Kiểm định và Quy hoạch xây dựng Cần Thơ thuộc Sở Xây dựng thành phố làm khảo sát và đánh giá về độ an toàn chịu lực công trình. Qua khoan thí nghiệm tại hiện trường cho thấy mác bê tông cọc và đài móng không đạt yêu cầu so với thiết kế, nên chúng tôi đã yêu cầu đơn vị thi công hạ mác thiết kế xuống nhưng nhà thầu đã không chịu hạ nên chúng tôi phải bắt buộc tạm ngưng thi công".

Về kết quả thử mẫu bê tông đạt mác thiết kế, ông Thiếu cho biết sẽ có văn bản yêu cầu Công ty CP tư vấn và xây dựng Tây Đô giải thích rõ đạt mác nhưng ở mức M300 hay ở mức M250? “Để giáo viên và học trò đi học nhờ khổ lắm. Do đó, Phòng GD&ĐT quận đã báo cáo vấn đề trên đến UBND TP, Sở Xây dựng và Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, chỉ đạo giải quyết để công trình Trường tiểu học Lê Lợi tiếp tục thi công để sớm đưa vào sử dụng” - ông Thiếu nói.

Việc chủ đầu tư không khảo sát địa chất trước khi thiết kế xây dựng công trình là sai với quy định. Tuy nhiên ông Thiếu cũng cho biết các thủ tục tiến hành xây dựng và khởi công trình được thực hiện khi ông còn chưa đảm nhiệm chức vụ Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều và cũng chưa chịu trách nhiệm là chủ đầu tư công trình.

Học trò "ăn nhờ ở đậu"

Cô Lê Thị Mỹ Lệ, hiệu trưởng trường Lê Lợi cho biết: Trường có trên 335 học sinh đang phải học nhờ ở điểm trường Kim Đồng, cách trường lê Lợi 4km, còn 22 giáo viên và khu làm việc của ban giám hiệu phải mượn đỡ bảy căn nhà xây thô của một dự án tái định cư gần đó. Tá túc được vài tháng thì người ta đòi lại nhà để giao cho dân. Không còn chỗ ở nên giáo viên lại mượn tạm khoảng 50m2 sân sau của trường Kim Đồng xây hai phòng dã chiến để làm việc.

Thầy và trò trường Lê Lợi phải học nhờ ở trường Kim Đồng gần 2 năm nay

Thầy và trò trường Lê Lợi phải học nhờ ở trường Kim Đồng gần 2 năm nay

 
Theo cô Lệ, các phòng như phòng giáo viên, y tế, kỹ thuật, tài vụ, Ban giám hiệu… được gom chung lại một phòng, còn một phòng được bố trí để trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Do học nhờ nên mọi hoạt động của trường Lê Lợi đều phải xin phép, báo cáo cho trường Kim Đồng; học sinh cũng bị hạn chế vui chơi, giờ ra chơi giáo viên phải canh suốt các hoạt động của học sinh lớp mình.

Trường Kim Đồng cho mượn điểm cũng gặp khó khăn không kém. Cơ sở vật chất của trường này không được mở rộng nhưng lại phải dành chỗ cho 350 người nên quá tải. Nhiều lớp học hai buổi nay phải chuyển xuống một buổi, ảnh hưởng đến cả các lớp bán trú. Năm học này lượng học sinh của trường Kim Đồng lên đến gần 1.300 em, nếu trường Lê Lợi xây dựng kéo dài thì thầy và trò của 2 trường Kim Đồng và Lê Lợi đều phải gánh chịu khó khăn.

Phạm Tâm