1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Người lính Nguyễn Tấn Dũng ở Tượng đài Mẹ - Tổ quốc

Tôi thấy Thủ tướng vừa thả bước vừa đăm đăm ngó sang những con số 1942, 1941, 1943, 1944 được khắc sâu trên các phiến đá viền quanh là một vòng cành tùng. Kiệm lời cùng kiệm chữ nhưng truyền dẫn biết bao thông điệp!

>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến St. Petersburg

 

… Trên nóc chót vót của sân bay Puncovo của thành phố St. Petersburg vẫn nguyên vẹn không biết có tự bao giờ, chắc đã rất, rất nhiều năm giăng cao chăng rộng dòng chữ Nga kết bằng thứ vật liệu gì đó chắc phải bền vững với thời gian, khổ chữ cao hàng mét, luôn sáng rỡ bất kể đêm ngày, thời tiết ở Lêningrat, thành phố anh hùng trước đây.

 

Sau lễ đón của đại diện chính quyền St. Petersburg, không biết trong đoàn tùy tùng có ai đó đã hướng dẫn hoặc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nom thấy từ trước mà tôi thấy có một thoáng ông dừng lại đăm đăm ngó về về phía hàng chữ?

 

Chiếc vét khoác ngoài chừng như càng tôn vẻ có lý của chiều Chủ nhật (ngày 9/9/2007) thu vàng St. Petersburg. Nhất là xứ này sắc thu sắp nhuộm vàng hàng phong và bạch dương ven nghĩa trang Tượng đài Mẹ - Tổ quốc. Thủ tướng cùng phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam hết thảy nghiêm ngắn trên lối đi vào tượng đài bên ngọn lửa Vĩnh Cửu luôn có 4 vệ binh đứng gác ngày đêm.

 

Biết bao thế hệ người Việt Nam đã từng bước trên lối đi này khi đặt chân đến thành phố Lêningrat anh hùng nay trở về tên cũ St. Petersburg? Không nhớ, nhưng những thế hệ lưu học sinh Việt Nam những năm năm mươi rồi kế tiếp sau đó miên man sao hết những lứa cán bộ lưu học sinh bộ đội, học nghề lao động xuất khẩu rồi một thế hệ Việt còn hơn ngàn người nay vẫn tiếp tục mưu sinh ở thành phố khổng lồ này?

 

Như một thứ đồng bệnh tương lân, biết bao những đăm chiêu suy ngẫm và cả những giọt nước mắt của người Việt đã từng đã quen đã nghe những mất mát đau thương qua liên miên trận mạc đã đọng vô hình lẫn hữu hình trên lối đi này trước khi chiêm bái anh linh của hàng triệu công dân ưu tú của thành phố đã bỏ mình trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

 

Chiến công ấy anh linh đó đã thăng hoa thành Tượng đài Mẹ - Tổ Quốc sừng sững hằn đậm nền trời chiều nước Nga.

 

Và rồi chiều nay, đến lượt Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cùng các vị sứ giả Việt Nam thời đổi mới theo lời mời của Thủ tướng Nga đến để bàn việc nâng cao thêm tầm đối tác chiến lược giữa hai nước đã đến đây chiêm bái trước khi vào việc trọng!

 

Lối đi dẫn vào nơi đặt tượng đài dài hàng trăm mét đủ để bà M. Ivanova đại diện cho chính quyền thành phố nhắc lại cùng Thủ tướng những tháng ngày bi hùng khi thành phố bị phong toả và đậm hơn là những mất mát đau thương. 

 

Có lẽ hơn cả những lời nói, tôi thấy Thủ tướng vừa thả bước vừa đăm đăm ngó sang những con số 1942, 1941, 1943, 1944 được khắc sâu trên các phiến đá viền quanh là một vòng cành tùng. Kiệm lời cùng kiệm chữ nhưng truyền dẫn biết bao thông điệp! Mà những phiến đá ấy giăng giăng suốt từ cổng vào viền dọc lối đi, hai bên là miên man những khóm hồng tươi mởn.

 

Không biết những bông cẩm chướng đặt rải rác bên các phiến đá tự khi nào nhưng hẳn còn tươi? Những con số đanh chắc vạc trên đá ấy như trích đoạn những tráng ca không lời khiến người đến đây chiêm bái  bất chợt gợi nên bao suy ngẫm.

 

Trích một đoạn ngắn khúc tưởng niệm của Beethoven. Giai điệu quốc thiều Việt Nam và LB Nga trầm hùng do đội nhạc binh cử lên làm không khí chiều nay ở Đài Tưởng niệm như thiêng liêng hơn.

 

Tôi để ý thấy sắc diện trên khuôn mặt của Thủ tướng chừng như có chi khang khác. Khác với hồi nãy, ông và phu nhân được người hướng dẫn lướt qua hàng chục phòng nguy nga tráng lệ trong Cung điện Mùa hè nơi giành riêng cho hoàng tộc Nga một thuở một thời. Tôi nói lướt vì hình như Thủ tướng nhìn đấy, thấy đấy mà đang nghĩ điều chi tận đâu đâu?

 

Nhưng bây giờ sắc diện ấy trong khung cảnh này trong những giai điệu này dường như toát lên điều gì đó thật sinh sắc. Sinh sắc như ban nãy đứng trên Chiến Hạm Rạng Đông buông neo gần một thế kỷ nay trên sông Neva.

 

Trong đoàn không có ai (hoặc giả chưa được phép?) giới thiệu với một số quan chức thành phố đi cùng trong đó có bà M. Ivanova kia rằng, vị Thủ tướng đang thả bước bên cạnh bà nguyên là người lính đã từng qua nhiều trận đánh máu lửa ở miền Đông, miền Tây Nam Bộ ác liệt của miền Nam Việt Nam. Rằng, ông đã từng trận mạc vào sống ra chết. Qua chiến tranh bây giờ ông là thương binh thương tật 2/4 vĩnh viễn.

 

Và chiều nay chứng kiến kề cận những mất mát của đồng loại lẫn đồng đội từng đối đầu với cái ác, người lính Nguyễn Tấn Dũng chắc đã dấy lên biết bao đồng cảm? Có lẽ bởi thế nên khi ghi những dòng vào cuốn sổ lưu niệm của Bảo tàng (tôi đã lật nhanh lẫn đếm vội đã có trên 50 vị nguyên thủ ghi vào cuốn sổ này)

 

Tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước những linh hồn những người dân Nga của thành phố anh hùng đã hy sinh thân mình vì thành phố quê hương yêu dấu cùng đất nước Nga cứu loài người khỏi thảm họa phát xít… 

 

Tôi chợt thấy tay ông hơi run run? Rồi giọng ông chợt nghèn nghẹn lúc chia tay vị Giám đốc Bảo tàng rằng tôi mang đến đây sự đồng cảm sẻ chia những mất mát của hơn 3 triệu người Việt Nam trong cuộc chiến tranh giữ nước gần đây. Cảm ơn các bạn đã giữ gìn những kỷ vật của một thời máu lửa và quần thể tượng đài để lưu lại nhiều thông điệp cho các thế hệ mai sau…

 

Chiều thu St. Petersburg vẫn rải vàng trên dòng Neva. Xe chúng tôi lướt chầm chậm bên dòng sông huyền thoại của St. Petersburg của Lêningrat anh hùng. Con sông được thi sĩ Onga Bergon thăng hoa với những câu thơ Năm tháng đắng cay hơn/năm tháng ngọt ngào hơn/em mới hiểu bây giờ anh có lý…

 

Đêm 9/9/2007

 

Theo Xuân Ba

Tiền Phong