1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người lính già và mảnh đất dioxin

(Dân trí) - Nỗi ám ảnh về hậu quả của chất độc da cam để lại cho người dân nơi ông từng chiến đấu thúc giục ông rời Thủ đô, trở lại vùng “đất chết”, tự mình đương đầu với chất độc để cải thiện môi trường sống và giúp dân bản nghèo có thêm thu nhập.

“Hàng rào ông Bồi”

 

Đó là cách gọi quen thuộc của người dân A Lưới (Thừa Thiên Huế) về hàng rào ngăn độc bằng dây thép gai vây quanh hàng chục ha đất bị nhiễm chất độc dioxin trong khu vực sân bay A So thuộc huyện A Lưới, do người  lính già Mai Thế Bồi xây dựng.

 

Trong thời kỳ chống Mỹ, khu đất này bị địch huỷ diệt bằng chất độc dioxin khiến hàng nghìn người dân phải mang trong mình chất độc chết người; hàng nghìn trẻ em vô tội chào đời với hình thù kỳ quái, thiểu năng trí tuệ. Ngoài ra, các vật nuôi cho đến cây cối, hoa màu trên diện tích đất này đều chết rũ hoặc không thể phát triển.

 

Là người lính từng chiến đấu nơi rừng núi A Lưới, từng được bà con các dân bản nơi đây cưu mang, đùm bọc trong những ngày nếm mật nằm gai; hòa bình lập lại, ông Bồi trở về Hà Nội công tác nhưng chẳng thể quên những ân tình xưa. Ông quyết định trở lại A Lưới với hi vọng làm được một việc gì đó để hạn chế tác hại của chất độc dioxin đang hàng ngày tàn phá con người và mảnh đất này.

 

Trước đó, ông đã đứng ra vận động 7 cựu chiến binh lập ra Trung tâm Hỗ trợ bảo tồn tự nhiên và Phát triển cộng đồng, do ông làm giám đốc. Năm 1997, sau khi chắt góp được một số tiền từ lương hưu cùng với số tiền hỗ trợ của những tổ chức, cá nhân hảo tâm, ông khoác ba lô lên đường vào A Lưới.

 

Sau nhiều ngày tìm hiểu, khi biết dù đã được di dời ra khỏi khu vực nhiễm độc nặng nhưng bà con dân bản vẫn có thói quen qua lại, đặc biệt là chăn thả gia súc gia cầm vào khu vực nhiễm độc cao khiến cả người và vật đều nhiễm nhiều căn bệnh nguy hiểm, ý nghĩ đầu tiên của ông là phải làm sao ngăn chặn có hiệu qủa việc người dân và các vật nuôi xâm nhập vào khu vực này. Từ đó, ông quyết  định xây dựng một hàng rào ngăn độc bằng  dây thép gai vây quanh khu vực nhiễm độc nặng.
 
Người lính già và mảnh đất dioxin - 1

Ông Bồi bên hàng rào ngăn độc do mình dựng lên.

 

Sau nhiều tháng lao lực cùng với sự giúp sức của các cán bộ chiến sỹ ở Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, một hàng rào ngăn độc được dựng lên bao quanh hàng chục ha đất nhiễm độc. Nhưng chỉ có hàng rào ngăn độc thôi chưa đủ, muốn cải thiện môi trường tự nhiên ở khu vực này thì phải trồng các loại cây cối trên diện tích đất này. Nghĩ là làm, ông liên hệ với các công ty lâm nghiệp xin hỗ trợ giống cây keo tràm trồng vào 60 ha đất nhiễm độc. Do đất bị nhiễm độc quá nặng nên toàn bộ diện tích keo trên bị chết rụi, những cây sống sót thì không thể phát triển.

 

Qua tư vấn của các nhà khoa học, ông quyết định trồng cây bồ kết thay thế cho diện tích cây tràm đã chết. Nhờ khả năng thích nghi ngay cả trên đất nhiễm độc nên chỉ trong một thời gian ngắn 60 ha cây bồ kết tự tay ông trồng đã phát triển tốt, môi trường ở nơi được coi là “đất chết” bước đầu được cải thiện.

 

Người cha của những “đứa trẻ da cam”

 

Với ý nghĩ làm sao cải tạo vùng đất này để trồng được những loại cây đưa lại một phần thu nhập cho người dân, ông lại đứng ra vận động sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân để có kinh phí mua chất giải độc cho đất. Có thuốc rồi, hàng ngày ông cần mẫn đều đặn phun chất gải độc lên đất. Nhờ đó, chỉ sau mấy năm, mức độ nhiễm độc của đất đã giảm đáng kể. Ông tiếp tục mua gần chục vạn cây trầm gió về trồng trên diện tích đất này và đến nay, “rừng” trầm gió của ông đang phát triển rất tốt.

 

Chúng tôi gặp người lính già này khi ông đang cần mẫn vun từng gốc trầm gió giữa trưa nắng gắt. Chất độc từ đất bốc lên khiến một người khỏe mạnh cũng thấy khó thở. “Sau mỗi lần tiếp xúc với đất, tối về tôi lại bị khó thở và không thể ngủ được. Nhưng trồng cây trên đất nhiễm độc nặng như thế này mà không có sự chăm sóc của con người thì cây sẽ phát triển chậm, hơn nữa mình già rồi, chịu một chút thiệt thòi để đời sống của bà con được đổi thay thì không có gì phải áy náy. Những mất mát và thiệt thòi mà người dân nơi đây đã và đang gánh chịu quá quá lớn rồi” - ông chia sẻ nỗi lòng.
 
Người lính già và mảnh đất dioxin - 2

Cần mẫn với từng mầm cây ngay trên mảnh "đất chết".

 

Đã gần 10 năm nay, trạm Biên phòng cửa khẩu A Đớt trở thành nơi trú chân của ông sau mỗi ngày làm việc ở hàng rào ngăn độc. Ngoài ra, ông còn được gọi là người cha của những đứa trẻ nhiễm chất độc da cam trên mảnh đất này, nhờ sự đóng góp của ông trong việc vận động sự hỗ trợ về vật chất cho hàng nghìn trẻ em bị nhiễm chất độc da cam ở A Lưới.

 

Ông bảo với chúng tôi, chứng kiến đời sống của bà con quá khó khăn, chất độc da cam đã và đang tiếp tục cướp đi mạng sống của nhiều đứa trẻ, ông không thể yên lòng mà phải tiếp tục cống hiến sức mình để chia sẻ một phần thiệt thòi và mất mát cho người dân nơi đây.

 

Đại Phong