1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Tĩnh:

Người lính được báo tử tại chiến dịch Điện Biên Phủ và cuộc trở về bất ngờ

(Dân trí) - “Khi thấy tôi trúng một loạt đại liên vào người, cả đơn vị cứ nghĩ tôi không sống được nên đã gửi giấy báo tử về nhà. Sau gần 1 năm điều trị, tôi được trở về quê hương mới hay tin quê nhà đã tổ chức lễ truy điệu cho mình”, bác sỹ Ngô Sỹ Mậu – người lính từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ rưng rưng bắt đầu câu chuyện về trận đánh lịch sử của 63 năm về trước.

63 năm về trước, ông Ngô Sỹ Mậu (SN 1930) chỉ mới là chàng thanh niên 24 tuổi. Mồ côi cha năm 7 tuổi, năm 11 tuổi, mẹ cũng ra đi nên mấy anh chị em trong gia đình ông Mậu phải sống nương tựa vào nhau. Đến năm 19 tuổi, ông lên đường nhập ngũ, được phân vào Trung đoàn bộ binh 99 thuộc Đại đoàn 316. Trận đánh đầu tiên cũng là trận đánh đáng nhớ của ông chính là chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông kể, trước khi vào trận đánh, các đơn vị đều được phân công đào hầm, giao thông hào. "Chúng tôi đào đêm đào ngày, san phẳng nhiều trái núi để chuẩn bị trận đánh. Đúng là những ngày tháng như trong lời thơ của nhà thơ Tố Hữu: Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt /Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn” - đôi mắt ông ngời sáng khi nhớ lại.

Ông Ngô Sỹ Mậu - người từng tham gia đánh đồi A1 tại chiến dịch Điện Biên Phủ
Ông Ngô Sỹ Mậu - người từng tham gia đánh đồi A1 tại chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong trận đánh Điện Biên Phủ lịch sử này, đại đoàn của ông có nhiệm vụ tiêu diệt các cao điểm A1, C1, C2 thuộc trung tâm đề kháng Eliane và phối hợp với các đơn vị khác tiêu diệt lực lượng dù cơ động.

Vào thời điểm bấy giờ, đồi A1 có vị trí quan trọng đặc biệt trong phòng tuyến bảo vệ cứ điểm của tập đoàn tướng Đờ-cát. Muốn tiến vào sào huyệt của địch thì trước hết phải đánh chiếm được đồi A1. Do vậy, quân Pháp đã xây dựng đồi A1 trở thành cụm đề kháng mạnh nhất Điện Biên Phủ với hệ thống hầm ngầm bí mật, vô cùng kiên cố, bố trí hỏa lực mạnh với các ổ súng máy, lỗ châu mai.

Chính vì sự kiên cố và tầm quan trọng chiến lược của đồi A1 đối với chiến dịch nên quân ta càng quyết tâm chiếm đánh bằng được ngọn đồi này. Sau 2 đợt tấn công, ta chỉ chiếm được một nửa quả đồi. Phải đến đợt tấn công lần thứ 3 vào ngày 6/5/ 1954 và nhờ khối bộc phá nặng hơn 1 tấn được bí mật đưa vào lòng đồi, bộ đội mới phá sập được hệ thống hầm ngầm của địch. Ngay sau khi khối thuốc nổ kích nổ, đại đoàn mới làm chủ được đồi A1, đồng thời mở rộng cánh cửa để các lực lượng khác tiến vào đánh chiếm sào huyệt cuối cùng của quân địch, bắt sống tướng Đờ-cát-tơ-ri, kết thúc thắng lợi chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ…

“Trước khi vào đợt đánh quyết định, những người tham gia ôm bộc pháo vào trong hầm đều được làm lễ truy điệu sống. Sau trận đánh hơn tiểu đội xung phong ôm bộc pháo chỉ còn một vài người còn sống” - giọng ông bùi ngùi.

Ông Ngô sỹ Mậu (áo trắng) trong lần cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa
Ông Ngô sỹ Mậu (áo trắng) trong lần cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa

Cũng tại trận đánh ngày 6/5, ông bị một loạt đại liên bắn, trong đó, có một viên bắn xượt qua đầu, 1 viên vào đùi phải. Nặng nhất là loạt đạn bắn vào ngực phải làm thủng phổi, gãy 4 xương sườn, xương bả vai người lính. Sau đó, ông được dân công cáng về tiểu đoàn Quân y, rồi sau đó về Trung đoàn Phẫu thuật đóng tại Điện Biên Phủ để điều trị.

Đến chiều tối ngày 6/5/1954, đồi A1 được hoàn toàn giải phóng, đơn vị kiểm tra quân số và báo lên cấp trên: "đồng chí Ngô Sỹ Mậu đã hy sinh”. Giấy báo tử sau đó được đơn vị gửi về địa phương tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

“Trong trí nhớ lơ mơ của tôi khi nằm xuống là đồng đội xuống quanh tôi cũng ngã xuống rất nhiều. Dù không tham gia được đến trận đánh cuối cùng nhưng rất may mắn tôi được sống để chứng kiến giây phút đó. Đó là khi tôi đang nằm ở trạm cứu thương, khắp người vô cùng đau đớn nhưng khi các y bác sỹ thông báo tin chiến thắng từ mặt trận Điện Biên Phủ, cơ thể như được tiêm liều thuốc giảm đau cực mạnh, chỉ còn thấy cảm giác sung sướng tột cùng”, người bác sỹ già giọng rưng rưng xúc động.

Sau 3 tháng nằm điều trị, ông Mậu mới có thể biên thư về quê nhà để thông báo tình hình. Nhưng chính bản thân ông cũng không hề biết rằng, tại quê nhà, ông đã được làm lễ truy điệu. Đến năm 1955, ông được đưa về ty Thương Binh Nghệ Tĩnh và mới có dịp về thăm quê. Vừa bước vào nhà, Ông sững sờ và ngạc nhiên khi thấy tấm bằng “Tổ quốc ghi công” với cái tên Liệt sỹ Ngô Sỹ Mậu, được gia đình treo cẩn thận giữa nhà.

Giây phút trở về của người lính đã được “báo tử” khiến bà con lối xóm, người thân đều ngỡ ngàng, sung sướng. Mặc dù nhận được thư, nhưng gần năm qua, người nhà vẫn bán tín bán nghi về việc ông còn sống.


Mặc dù đã gần 90 tuổi, nhưng trí nhớ và đôi mắt của ông vẫn rất tinh anh.

Mặc dù đã gần 90 tuổi, nhưng trí nhớ và đôi mắt của ông vẫn rất tinh anh.

Trở về từ chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được đơn vị cho đi học ngành Y tại Thái Bình. Không chỉ học Tây Y, ông còn học thêm cả Đông Y. Năm 1968, ông chuyển về công tác tại bệnh viện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Trong thời gian này, ông là một trong những bác sĩ chuyên phẫu thuật vết thương cho các TNXP tại Ngã Ba Đồng Lộc.

“Đây cũng là một trong những ngày tháng khó quên trong cuộc đời làm nghề Y của tôi. Thời kỳ này, số người bị thương tại Ngã 3 Đồng Lộc rất nhiều. Tôi và các y bác sĩ làm ngày làm đêm, sáng nhịn đói đi làm, mờ cả mắt nhưng vẫn luôn cảm thấy ray rứt khi nhiều đồng chí vẫn còn đang nằm trên giường bệnh”, ông chia sẻ.

3 năm công tác tại bệnh viện Thạch Hà, ông được chuyển về bệnh viện 2 Nghệ Tĩnh (nay là bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh).

Dù cuộc đời lính không dài, nhưng đối với ông Ngô Sỹ Mậu, đó là thời gian đẹp nhất bởi ông đã góp một phần máu xương của mình cho trận đánh “chấn động địa cầu, lừng lẫy năm châu” của dân tộc.

Phượng Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm