1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Người "lao công không lương" ở Thành cổ Quảng Trị

(Dân trí) - Nhiều người dân địa phương gắn cho ông biệt hiệu “ông Tương lao công” không phải để chỉ nghề nghiệp ông đang làm, mà họ trân trọng những tình cảm sâu nặng, việc làm đầy trách nhiệm của ông đối với các liệt sĩ, những người đã không tiếc máu xương ngã xuống vì Tổ Quốc.

Ông là Lê Văn Tương (SN 1966, trú tại phường 2, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị), người hơn 10 năm nay luôn cần mẫn dọn dẹp, làm vệ sinh tại Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị.

Tình nguyện làm việc không công

Người dân khắp mọi nơi khi đến viếng các liệt sĩ tại Thành Cổ Quảng Trị luôn cảm nhận được sự sạch sẽ, tươm tất ở chốn linh thiêng, nơi gắn liền với chiến dịch “81 ngày đêm – mùa Hè rực lửa 1972”. Trên các lư lương ở Đài tưởng niệm và quanh khuôn viên Thành Cổ luôn được dọn dẹp gọn gàng, ngăn nắp. Để có được điều đó có sự đóng góp không nhỏ của những người dân địa phương, mà ông Tương là một cá nhân điển hình.

Ông Tương dọn dẹp ở Đài tưởng niệm Thành Cổ
Ông Tương dọn dẹp ở Đài tưởng niệm Thành Cổ

Người dân thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị lâu nay đã quen thuộc với hình ảnh người đàn ông trung niên hàng ngày cần mẫn dọn dẹp khuôn viên Thành Cổ Quảng Trị. Xuất phát từ tấm lòng chân thành, khoảng 4-5h sáng mỗi ngày, ông Tương lại đạp xe đến Thành Cổ để dọn dẹp, hương khói cho các liệt sĩ đang yên nghỉ dưới mảnh đất đầy khói lửa đạn bom này.

Không ai bắt ông làm, cũng không ai trả lương cho ông, nhưng ông lại vui vẻ và kiên trì với công việc của mình, tự nguyện góp một phần công lao nhỏ bé làm đẹp nơi yên nghỉ của những người đã ngã xuống vì sự bình yên của Tổ Quốc.

Ông Tương kể: Trong một lần đi tập thể dục vào thời điểm sáng sớm tại Thành Cổ, ông nảy ra ý định đi tập thể dục nhân tiện sẽ đến vệ sinh, dọn dẹp “nấm mồ chung” của các anh bộ đội để giữ cho Thành Cổ luôn sạch đẹp, để các anh được ấm lòng. Vậy là ông trở thành "lao công không lương" ở Thành Cổ.

Từ đó, bất kể nắng mưa, ngày nào ông cũng đều đặn đến Thành Cổ lau chùi, quét dọn, nhổ chân hương, thay cát… Mỗi ngày có hàng trăm người đến viếng thăm Thành Cổ, vì thế ông phải nhổ đi những chân hương đã tàn để người sau vào thắp, hoa héo rụng thì ông quét dọn, đưa xuống để đoàn khách khác đặt hoa mới...

Vất vả nhất là những tháng trời mưa, gió rét, ông vẫn rời chiếc chăn ấm, mặc áo mưa để đi làm công việc mà lương tâm ông thấy vui. Ông làm việc mà không đòi hỏi được trả công, ông chỉ mong Thành Cổ luôn sạch đẹp. Ông Tương nói: “Trời mưa gió nếu không dọn dẹp thì Thành Cổ trông không được đẹp lắm, khách đến viếng thăm sẽ không hài lòng”.

Những ngày bị ốm nặng không đi được là trong lòng ông cồn cào không yên. Ông Tương tâm sự: “Làm việc này thì cũng nhiều người lời ra tiếng vào. Ban đầu mọi người còn nói mình lo việc bao đồng, nhà nghèo còn không lo kiếm tiền mà lại đi làm việc không công. Nhưng tôi chỉ cười bảo đó là cái tâm, về sau thì họ cũng hiểu ra và ủng hộ mình, nhiều lúc còn giúp đỡ làm mình thấy vui và quyết tâm duy trì công việc này”.

Trọn nghĩa, vẹn tình với các liệt sĩ…

Nhà ông Tương nằm bên cạnh chợ thị xã Quảng Trị. Công việc hằng ngày của ông là cắt những chiếc lốp xe cao su để làm dép, dây buộc, phụ kiện xe máy… Vợ ông là giáo viên, gia đình có hai cháu nhỏ. Kinh tế gia đình không dư dả nhưng ông vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để làm công việc ấm lòng này.

Người "lao công không lương" ở Thành cổ Quảng Trị - 2

Ngoài công việc dọn vệ sinh ở Thành Cổ, ông còn tình nguyện làm Tổ trưởng Tổ An ninh, đứng ra giữ gìn an ninh, trật tự khu phố. Đó cũng là một công việc không lương và ông cũng làm với tinh thần đầy trách nhiệm.

Sáng sáng ông Tương dọn vệ sinh Thành Cổ, coi đó như một cách để tập thể dục
Sáng sáng ông Tương dọn vệ sinh Thành Cổ, coi đó như một cách để tập thể dục

Ông Hồ Văn Nhân sống ở phường 2, thị xã Quảng Trị kể: “Anh Tương là một người rất có tâm huyết, sống rất được lòng nhiều người. Sáng nào tôi đi thể dục cũng thấy anh cặm cụi lau chùi, quét dọn ở Thành Cổ, lên chợ thì lại lấy anh hăng hái dọn dẹp vệ sinh, sắp xếp xe nhường lối cho người đi đường. Chính những việc làm như vậy nên bà con trong chợ ai cũng biết và quý mến anh”.

Những tấm giấy khen của chính quyền, đoàn thể ghi nhận việc làm vì nghĩa, đầy trách nhiệm của ông Tương (Ảnh: Q.H)
Những tấm giấy khen của chính quyền, đoàn thể ghi nhận việc làm vì nghĩa, đầy trách nhiệm của ông Tương (Ảnh: Q.H)

Ghi nhận tấm lòng của ông Tương, chính quyền, đoàn thể phường 2 nơi ông tham gia công tác xã hội đã trao tặng cho ông nhiều bằng khen về tấm gương người tốt việc tốt.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Chủ tịch UBND phường 2, thị xã Quảng Trị, nói: “Việc làm của anh Tương đã thể hiện tính nhân văn, đặc biệt thể hiện lòng tri ân của người còn sống đối với những người đã hy sinh cho Tổ quốc. Anh Tương đã làm việc một cách hoàn toàn tự nguyện, tấm gương này xứng đáng được cán bộ và nhân dân noi theo”.

Vy Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm