Người làm báo vi phạm pháp luật - Đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”!

(Dân trí) - Ông Võ Văn Thưởng - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - cho biết việc xử lý người làm báo vi phạm pháp luật khiến người làm báo chân chính rất đau lòng. “Điều này đặt ra đòi hỏi là trong làng báo phải đấu tranh với nhau, không để những con sâu làm rầu nồi canh, không để hình ảnh không hay làm báo chí xấu đi trong con mắt xã hội”, ông Thưởng nói.

Phát biểu tại Hội nghị Báo chí toàn quốc Tổng kết năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, diễn ra ngày 26/12, ông Võ Văn Thưởng – Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương – nhận định công tác báo chí chuyển biến tích cực, đã đạt những kết quả quan trọng.

Theo ông Thưởng, chất lượng, uy tín của Giải Báo chí Quốc gia được nâng cao, nhiều giải thưởng báo chí mới hình thành nhận được sự quan tâm của dư luận.

Ông Võ Văn Thưởng - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Võ Văn Thưởng - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao hoạt động và vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tuyên truyền chủ quyền biển đảo...

“Phải nói rằng đội ngũ những người làm báo đã không ngại khó khăn, có mặt ở đầu sóng ngọn gió, nơi gian khổ để đưa tin đến bạn đọc, có nhà báo hy sinh thân mình, vượt qua sự thách thức để hoàn thành sứ mệnh người cầm bút, người làm báo chân chính”, ông Thưởng nói.

Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, bên cạnh những điều tích cực đạt được thì còn một số hạn chế, thiếu sót, bất cập trong hoạt động và quản lý báo chí chưa được khắc phục rõ nét, gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của báo chí.

Ông Thưởng cho rằng, báo chí có khuynh hướng giật gân, câu khách, thông tin thiếu nhạy cảm chính trị, dễ dãi trong trích nguồn.

“Nhiều tin bài thiếu nhân văn như tin bài về xâm hại trẻ em, bà hại chết cháu, vợ giết chồng, chồng đánh vợ... đưa đi đưa lại, đến mức đọc thấy rợn người”- người đứng đầu ngành tuyên giáo nói.

Ông Võ Văn Thưởng cho biết: Năm 2017, số lượng phóng viên báo chí bị xử lý hình sự, bắt quả tang nhận tiền khi vòi vĩnh... nhiều hơn mọi năm.

“Điều này làm người làm báo chân chính đau lòng và cũng đặt ra đòi hỏi là trong làng báo phải đấu tranh với nhau, không để con sâu làm rầu nồi canh, không để hình ảnh không hay làm báo chí xấu đi trong con mắt của xã hội”, ông Thưởng đưa ra quan điểm.

Theo ông Thưởng, để giải quyết những vấn đề trên thì cơ quản quản lý báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí phải tính toán đưa ra giải pháp phù hợp.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan phải không ngừng bồi dưỡng, đào tạo nâng cao nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ phóng viên, những người làm báo. Bản thân người làm báo cũng phải không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ.

Cơ quan báo chí đang gặp nhiều thách thức từ sự phát triển của mạng xã hội
Cơ quan báo chí đang gặp nhiều thách thức từ sự phát triển của mạng xã hội

Tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhấn mạnh: Người làm công tác báo chí cần nhận thức đầy đủ về bối cảnh, đánh giá đúng thuận lợi, nhận thấy rõ những khó khăn có thể tác động đến công tác báo chí năm 2018 về các mặt tư tưởng, tâm trạng xã hội, vấn đề tham nhũng, tiêu cực...

Ông Thưởng cũng đánh giá: Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ tạo ra những thay đổi hết sức quan trọng nhưng cũng tạo ra hàng loạt vấn đề nan giải, phức tạp đối với sự phát triển của đất nước, cũng như sự phát triển và hoạt động của báo chí. Từ đó, ông đề nghị: Cơ quan báo chí, người làm báo cần tỉnh táo trước những thông tin giả.

Theo ông, chất lượng thông tin tốt sẽ mang tới nhận thức tốt cho người đọc. Người đọc có nhận thức tốt thì yêu cầu với người làm báo phải có chất lượng thông tin báo chí tốt.

Về vấn đề kinh tế báo chí, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết trong thời gian vừa qua nhiều tờ báo có nguồn thu chính từ quảng cáo. Nhưng quảng cáo trong giai đoạn này lại sụt giảm rất lớn. Ông Thưởng minh chứng: Doanh thu của truyền hình giảm, có cơ quan giảm từ 30-40%. Càng ngày các mạng xã hội cạnh tranh về quảng cáo nên ảnh hưởng đến nguồn thu của báo chí. Do đó, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị cơ quan báo chí cần nghiên cứu lại vấn đề này.

Cả nước có 849 cơ quan báo, tạp chí in, trong đó có 185 báo (Trung ương 86 và địa phương 99), 664 tạp chí (Trung ương 530 và địa phương 134).

Về báo điện tử, có cả nước có 195 cơ quan báo chí điện tử đã được cấp phép, trong đó có 171 cơ quan báo, đài, tạp chí thực hiện thể loại báo chí điện tử.

Hiện có 178 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp cho các cơ quan báo chí in, phát thanh, truyền hình để khai thác thế mạnh của loại thông tin hiện đại của loại hình thông tin hiện đại này.

Cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình, với tổng số kênh truyền hình, phát thanh được cấp phép là 281 kênh.

Năm 2017, cả nước có 33 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, với khoảng 13 triệu thuê bao (tăng gần 1 triệu thuê bao so với năm 2016) và tổng doanh thu năm 2017 ước đạt khoảng gần 8.000 tỷ đồng.

Tổng doanh thu phát sinh trong lĩnh vực báo chí đạt hơn 13.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu lĩnh vực báo chí in và điện tử ước đạt 2.600 tỷ đồng; doanh thu của các đài phát thanh, truyền hình khoảng hơn 10.500 tỷ đồng (trong đó doanh thu quảng cáo khoảng 8.900 tỷ đồng).

Quốc Anh