1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người kiến tạo nước Việt Nam hiện đại

Trước ngưỡng cửa của thế kỷ 21, tờ báo Time của Mỹ đã chọn Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong số những gương mặt đã làm thay đổi diện mạo hành tinh của chúng ta trong thế kỷ 20.

“Người kiến tạo nước Việt Nam hiện đại” - là dòng chữ ghi trên tấm bảng hình tròn màu xanh gắn trên bức tường tòa nhà New Zealand ở London, thủ đô Vương quốc Anh để lưu niệm nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống trong thời gian Thế chiến lần thứ nhất.

 

Thật ra tòa nhà này mới được xây lại trên nền của khách sạn Carlton, nơi nhà cách mạng đã từng làm phụ bếp, chặng dừng trên hành trình đi tìm đường cứu nước của Người cách đây đã ngót một thế kỷ.

 

Ý niệm về “nước Việt Nam hiện đại” (the modern Viet Nam) thật sự gây cho ta cảm xúc mạnh mẽ về vai trò một nhân vật lịch sử mà thời gian không những đã không làm phai nhạt mà ngược lại, giống như thuốc hiện hình làm cho tầm vóc tư tưởng của con người ấy ngày một trở nên rõ nét và sát gần với những gì cuộc sống đang diễn ra ngày một sôi động.  

 

Hồ Chí Minh, từ khi còn rất trẻ đã chọn cho mình một tinh thần tự chủ và một ước nguyện tự do lựa chọn mọi phương thức để thực hiện một mục tiêu không thay đổi là giải phóng dân tộc và giải phóng con người. Mục tiêu thứ nhất là nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam; mục tiêu thứ hai chính là một cách quan niệm về lý tưởng cao hơn cái hiện thực đang tồn tại cho dân tộc của mình và cho nhân loại, một ý niệm về “chủ nghĩa xã hội” của Hồ Chí Minh.

 

Do vậy mà con người ấy đã có một cuộc đời rất phong phú, không chỉ đặt dấu chân tới rất nhiều góc biển phương trời trên hành tinh, mà còn sẵn sàng tiếp cận với tất cả những ngóc ngách trong đời sống văn hóa và chính trị của nhân loại. Con người ấy đã từng làm đơn xin theo học trường thuộc địa, xin gia nhập Hội Tam điểm, tham gia và thành lập các tổ chức liên kết những người cùng dân (le paria) thuộc địa..., làm quen với nhiều chính khách, văn nghệ sĩ của nhiều nền văn hóa...

 

Để rồi khi bước vào tuổi “tam thập nhi lập”(1920), con người ấy đã lựa chọn một bước ngoặt cho cuộc đời chính trị của mình, là từ một đảng viên Đảng Xã hội Pháp bước sang đội ngũ sáng lập của Đảng Cộng sản Pháp trước tiên vì nhận thấy đó là con đường giúp dân tộc mình và các dân tộc nhược tiểu thoát được ra khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân.

 

Người đảng viên cộng sản thuộc địa ấy đã đến Liên Xô để học tập và tiếp thu những lý luận của học thuyết Mác-Lênin vào thời điểm mà xu thế tả khuynh đã chớm chi phối hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Vậy mà người cộng sản Việt Nam trẻ tuổi ấy lại có đủ sự sáng suốt và dũng khí nhận ra trách nhiệm của một nhà mácxit trẻ tuổi năng động là phải “củng cố” cho chủ nghĩa Mác những tri thức về phương Đông của quê hương Việt Nam, để nêu được một định đề soi sáng con đường thắng lợi của dân tộc mình. Đó là nguyên lý về “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn nhất của đất nước”.

 

Cũng chính nhà cách mạng ấy, khi bước vào độ tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”(1930) đã đoàn kết và thống nhất được những lực lượng cách mạng cùng thời thành một chính đảng duy nhất mong hướng mục tiêu vào công cuộc thống nhất lực lượng toàn dân để giành độc lập dân tộc. Nhưng phải sau một chặng đường 10 năm “nằm gai nếm mật”, khi bước vào độ tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh (1940-1941)”, nhà cách mạng ấy mới có cơ hội biến chiến tranh thế giới thành thời cơ cứu nước.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh không sống đến ngày toàn thắng, không có mặt trong ngày giang sơn thống nhất về một mối, nhưng có thể nói rằng cái nhân tố mà Hồ Chí Minh đã phát hiện từ cách đó nửa thế kỷ (1924) về “cái động lực lớn nhất của đất nước” là chủ nghĩa dân tộc đã được lịch sử chứng minh bằng hiện thực hùng hồn. Tính hiện đại của Hồ Chí Minh chính là đã vượt qua được thử thách của thời gian và những thăng trầm của mọi học thuyết để thực hiện được mục tiêu giải phóng dân tộc và mang lại niềm tin vào sự nghiệp giải phóng con người...

 

Cho đến hôm nay, trên con đường đổi mới và hội nhập một lần nữa ta lại thấy tư tưởng của Hồ Chí Minh về “cái động lực lớn nhất” vẫn là nguyên lý quyết định để kiến tạo một nước Việt Nam hiện đại.

 

Nhà sử học Dương Trung Quốc
Tuổi Trẻ