1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người khiếu nại, tố cáo liên tục “uy hiếp” cán bộ tiếp dân

(Dân trí) - Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp cho biết, sau vụ việc người dân rút dao chém trọng thương cán bộ tiếp dân, rất nhiều cán bộ tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương bị sốc và làm việc trong trạng thái căng thẳng.

 

Ông Nguyễn Hồng Điệp- Trưởng Ban Tiếp dân Trung ương (Ảnh: Thế Kha).
Ông Nguyễn Hồng Điệp- Trưởng Ban Tiếp dân Trung ương (Ảnh: Thế Kha).

 

Theo báo cáo của Ban Tiếp công dân Trung ương, từ ngày 11-28/1, Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội và TPHCM đã tiếp 1.585 lượt công dân đến trình bày 436 vụ việc. Trong đó có 53 đoàn đông người khiếu kiện của một số địa phương.

Ban Tiếp công dân Trung ương đã phối hợp với Tổng cục An ninh (Bộ Công an), Công an TP Hà Nội tiến hành rà soát, lập danh sách 53 công dân khiếu kiện chây ỳ của một số địa phương thường xuyên tập trung tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương (số 1 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông) để tuyên truyền, vận động công dân trở về địa phương. Đồng thời có văn bản yêu cầu các địa phương khẩn trương cử tổ công tác tới Hà Nội để phối hợp với Trụ sở Tiếp công dân Trung ương vận động công dân trở về địa phương.

“Đã có 32 tổ công tác của các địa phương tới phối hợp tiếp và vận động được 425 công dân đồng ý trở về địa phương, trong đó đã hỗ trợ khó khăn và tiền tàu xe cho 163 công dân. Tuy nhiên, thành phần của hầu hết các tổ công tác không có lãnh đạo của UBND tỉnh nên hiệu quả của việc vận động, thuyết phục công dân trở về địa phương còn hạn chế, điển hình 2 đoàn khiếu kiện của tỉnh Bình Dương (6 người) và tỉnh An Giang (4 người) đã nhiều lần được Trụ sở Tiếp công dân Trung ương phối hợp với Tổ công tác tiếp, vận động, tuyên truyền nhưng công dân không đồng ý trở về địa phương”- báo cáo nêu rõ.

Đáng chú ý vào hồi 10h23 ngày 28/1, công dân Phạm Thị Thuận (tỉnh Thanh Hóa) đã cầm dao xông vào phòng luật sư chửi bới, la hét, sau đó chạy sang phòng Đăng ký đầu vào xin nước uống và bất ngờ rút dao giấu sẵn trong người chém vào mặt cán bộ đang làm nhiệm vụ tại đây, gây thương tích nặng. Cán bộ bị chém sau đó được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 103.

Trước đó, vào ngày 12/1, công dân Hồ Thị Niên (Nghệ An) đặt bàn thờ thắp hương trước cổng Trụ sở Ban Tiếp công dân Trung ương. Khi được cán bộ dân phòng phường Quang Trung nhắc nhở đã không chấp hành và có hành động lăng mạ, tấn công làm cán bộ bị thương, buộc lực lượng bảo vệ phải lập biên bản với bà Niên về hành vi này.

Sáng ngày 18/1, một số công dân quá khích của tỉnh Bình Định đã có hành vi túm áo, ôm chân, lôi kéo cán bộ trong khuôn viên Trụ sở Tiếp công dân Trung ương và kích động các công dân khác la hét, căng băng rôn, khẩu hiệu gây mất an ninh trật tự. Lực lượng chức năng đã đưa 3 công dân vi phạm về trụ sở Công an phường Quang Trung để lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Ngay sau đó, 30 công dân của nhiều địa phương đã tập trung trước cổng Trụ sở Công an phường đòi thả người.

8h20 sáng 21/1, công dân Nguyễn Thị Luyến (tỉnh Kon Tum) đã có hành vi lăng mạ, nhổ nước bọt vào mặt cán bộ thường trực tiếp công dân. Đến 9h cùng ngày, công dân Nguyễn Xuân Thái (Nam Định) đã có hành vi la hét, mang theo chai xăng 500ml với ý định tự thiêu trong sân Trụ sở Tiếp công dân Trung ương. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, tịch thu chai xăng và nhắc nhở, cảnh cáo về hành vi trên của công dân. Hiện nay, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đã lập hồ sơ và bàn giao cho Công an tỉnh Nam Định.

 

Bà Trần Thị Thu Hiền - cán bộ Phòng Tiếp dân 1 (Ban Tiếp công dân Trung ương) đang được điều trị tại Bệnh viện 103 (Ảnh: CTV)
Bà Trần Thị Thu Hiền - cán bộ Phòng Tiếp dân 1 (Ban Tiếp công dân Trung ương) đang được điều trị tại Bệnh viện 103 (Ảnh: CTV)

 

9-10 giờ đêm vẫn ra góc phố để “kéo người dân về phía mình”

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Hồng Điệp cho biết, mặc dù tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương có bảo vệ thường trực nhưng đây là cơ quan hành chính nên chỉ ngăn chặn hành vi gây rối, còn việc người khiếu kiện mang theo hung khí rồi ra tay bột phát như trường hợp của bà Phạm Thị Thuận thì rất khó kiểm soát. Ông Điệp cho biết vụ việc người dân rút dao chém cán bộ tiếp dân vừa qua đã khiến rất nhiều cán bộ bị sốc và làm việc trong trạng thái căng thẳng.

Ông Điệp nhìn nhận tình trạng khiếu kiện phức tạp có nhiều nguyên nhân, trong đó có một bộ phận người khiếu kiện đã bị kẻ xấu lợi dụng, kích động lôi kéo họ để phục vụ cho những động cơ chính trị. Ngoài ra việc giải quyết đơn thư của các cơ quan chức năng ở địa phương không đến nơi đến chốn, đùn đẩy trách nhiệm lên trên cũng dẫn tới tình trạng này.

“Nếu các địa phương làm tốt công tác tiếp dân, tập trung giải quyết các trường hợp khiếu kiện kéo dài thì sẽ giảm tải cho các cơ quan trung ương rất nhiều. Hơn nữa những bức xúc của người dân cũng ít bị “tích tụ” để rồi có những hành động bột phát, bức xúc như vậy”- ông Điệp nhận định.

Có giai đoạn cán bộ tiếp dân phải làm việc xuyên trưa và 9-10 giờ đêm mới kết thúc ngày làm việc. “Chúng tôi vừa tiếp người dân ở trụ sở Ban Tiếp công dân Trung ương (số 1 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, Hà Nội), vừa phải trực tiếp đi ra các ngã tư đường, khu vực công cộng để vận động bà con về trụ sở tiếp dân. Chúng tôi phải kéo người dân khiếu kiện về phía mình, không để đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo nhằm phục vụ mục đích không trong sáng. Nếu thấy khiếu kiện đúng thì ngoài hỗ trợ cho người dân trở về quê, chúng tôi sẽ thu xếp thời gian để tổ chức đối thoại với bà con ở địa phương, để bà con đỡ phải lên đây vất vả, tốn kém”- ông Điệp khẳng định.

Trước tình hình trên, mới đây Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp đã ký văn bản gửi Giám đốc Công an TP Hà Nội đề nghị tăng cường lực lượng, đảm bảo an ninh trật tự cho khu vực Trụ sở Tiếp công dân trung ương.

Kha Xuân Lộc