1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Người khiếu nại không muốn gặp cán bộ tiếp dân chỉ để… gửi đơn

(Dân trí) – “Khi gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo, người dân mong muốn gặp lãnh đạo cơ quan để giải quyết tại chỗ nhiều nội dung, chứ không phải chỉ gặp cán bộ để gửi đơn” – Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông nói về luật Tiếp công dân.

Dự thảo luật Tiếp công dân được đưa ra thảo luận tại các tổ đại biểu QH trong chiều ngày 31/5.

Đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) băn khoăn với giải thích về nội hàm khái niệm “tiếp công dân” trong luật là đón tiếp, lắng nghe khiếu nại tố cáo phản ánh của công dân, cơ quan tổ chức. Chỉ dừng lại ở đó, bà Nhi cho là luật hoàn toàn không liên quan đến vấn đề xử trí, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đơn thư của người dân. Điều này mâu thuẫn với vấn đề trách nhiệm người đứng đầu đặt ra phía dưới luật.

“Tôi nghĩ phải xác định, tiếp công dân, nếu khâu tiếp nhận khiếu nại đầu tiên làm tốt nhưng phần giải quyết sau đó không tốt thì kết quả chung cuộc vẫn là không tốt. Vậy nên luật cần thêm nội dung quy định về quy trình liên quan đến phản ánh, giải quyết khiếu nại tố cáo để gắn trách nhiệm tiếp công dân vào kết quả giải quyết thì mới có ý nghĩa” – bà Nhi lập luận.
Người khiếu nại không muốn gặp cán bộ tiếp dân chỉ để… gửi đơn
Đại biểu Lê Minh Thông: "Người dân mong gặp lãnh đạo có thẩm quyền giải quyết chứ không phải cán bộ nhận đơn".

Dẫn chiếu vấn đề này vào quy định về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị trong việc tiếp công dân, nữ đại biểu không tán thành điều khoản chủ tịch tỉnh, bộ trưởng bố trí ít nhất 1 ngày/tháng để trực tiếp tiếp dân, Chủ tịch huyện thì ít nhất 2 ngày/tháng… Theo đại biểu, quy định này khó khả thi khi vừa qua, không có bao nhiêu vị chủ tịch tỉnh tiếp dân đủ thời gian theo quy định.

Bà Nhi góp ý, không nên quy định “cứng” người đứng đầu phải tiếp công dân định kỳ mà chỉ nên quy định người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức, chủ trì tiếp công dân và giải quyết những vụ việc kéo dài.

Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cũng băn khoăn khi không biết cơ quan soạn thảo căn cứ thế nào để đưa ra quy định về thời gian tối thiểu dành tiếp công dân của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị. Bà Thủy cho rằng, nếu chỉ là nhận đơn, nghe phản ảnh thì không cần quy định định kỳ mà cơ quan đơn vị thành lập bộ phận ngày nào cũng tiếp dân cũng được. Còn nếu việc tiếp công dân gắn với việc giải quyết thì lại phải tính thời gian để thẩm tra, giải quyết cụ thể, phải tính toán khác.

Ngoài ra, đại biểu cũng đặt câu hỏi  về các tình huống, người muốn khiếu nại tố cáo có quyền được yêu cầu giữ bí mật danh tính, có quyền yêu cầu được tiếp riêng? Bộ phận tiếp dân hống hách, hách dịch, người dân có quyền ghi âm, ghi hình để phản ánh lại việc đó?

Đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa) – Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật lại phân tích, trong việc tiếp công dân để xử lý, giải quyết đơn thư thì vai trò của người lãnh đạo là trung tâm.

“Người dân mong gặp lãnh đạo, có thẩm quyền giải quyết chứ không phải chỉ gặp cán bộ tiếp nhận, nếu không thì gửi đơn từ qua bưu điện cũng được” - ông Thông nói.

Cũng theo đại biểu này, nếu theo Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, tiếp công dân là giai đoạn đầu của quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp nhận rồi phân loại, chuyển giao cho các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết vụ việc theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, theo ông Thông, thực tế, một số vị lãnh đạo tiếp công dân tại chỗ, dân rất mừng vì kiến nghị của mình có thể được giải quyết ngay, hoặc nếu không giải quyết được ngay thì lãnh đạo sẽ chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền liên quan để giải quyết. Ông Thông đề nghị quy định thêm một phần khiếu nại, tố cáo được giải quyết tại chỗ để việc tiếp dân có ý nghĩa hơn.

Bên cạnh đó, trách nhiệm tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo của dân phải được làm rõ. Đại biểu chỉ rõ, những vấn đề nào người đứng đầu có thể xử lý trực tiếp, việc nào phân công cho các bộ phận có trách nhiệm cũng phải rõ… để tránh nhận đơn rồi để đấy.

Dự thảo Luật Tiếp công dân quy định trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị với các chức danh như chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, bộ trưởng, giám đốc các sở như Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và xã hội, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp.

Người đứng đầu các cơ quan của Quốc hội, người đứng đầu Hội đồng nhân dân các cấp; Tổng Kiểm toán Nhà nước, người đứng đầu đơn vị Kiểm toán Nhà nước khu vực; Chánh án Tòa án các cấp, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp; người đứng đầu các ban của tổ chức chính trị ở cấp Trung ương, người đứng đầu tổ chức chính trị ở địa phương, người đứng đầu các ban của tổ chức chính trị ở cấp tỉnh, cấp huyện; người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội các cấp.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm