1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người Hà Nội tấp nập sắm sửa Tết ông Công, ông Táo

(Dân trí) - Ngày mai đã là Tết ông Công, ông Táo - 23 tháng Chạp, người Hà Nội đang tấp nập mua sắm đồ cúng lễ tiễn quan bếp về trời và cúng chúng sinh. Mũ, giày, tiền, vàng, cá chép... cũng theo đà tăng giá.

Phố Hàng Mã, không khí mua bán tấp nập, các mặt hàng cúng lễ đa dạng về mẫu mã đỏ rực cả khu phố. Chị Hà (ở quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Cả năm ông Công, ông Táo mới về chầu trời 1 lần nên đồ cúng và lễ tiễn phải đàng hoàng, tôi nghĩ đó cũng là thể hiện sự tôn kính đối với ngài vua bếp của nhà mình”.
 
Người Hà Nội tấp nập sắm sửa Tết ông Công, ông Táo - 1
Đồ cúng lễ ông Công, ông Táo phong phú, đa dạng và giá cả tăng hơn so với năm ngoái

Một bộ lễ cúng ông Công, ông Táo gồm: mũ, quần áo, giày, chú cá chép giấy có giá dao động từ 55.000 đồng - 120.000 đồng (tùy loại xịn hay bình thường). Cùng với đó, đồ cúng chúng sinh: lạc, khoai lang, trầu, cau, dầu rễ... cũng được bày bán kèm với lễ ông Công, ông Táo; quần áo chúng sinh có mức giá từ 20.000 - 35.000 đồng/100 bộ; mũ, dép, tiền, vàng được bán với giá từ 8.000 - 10.000 đồng.

Không chỉ mua đồ cúng lễ cho ngày Tết ông Công, ông Táo, nhiều người cũng sắm sửa luôn cho bàn thờ gia tiên và các đồ cúng trong ngày Tết Nguyên đán. Vì vậy phố Hàng Mã càng thêm tấp nập, chen lấn.
 
Người Hà Nội tấp nập sắm sửa Tết ông Công, ông Táo - 2
Phố Hàng Mã tấp nập người mua bán đồ cúng lễ Táo quân

Chị Phương (chủ một cửa hàng trên phố Hàng Mã) cho hay: “Người dân đi mua sắm đồ cúng lễ từ nhiều ngày nay, nhu cầu và thị hiếu mua sắm đồ cúng của họ cũng tăng hơn nên chúng tôi cũng phải tăng số lượng hàng hóa, chủng loại, mẫu mã của các mặt hàng này lên. Giá các mặt hàng này cao hơn năm ngoái khoảng 10 - 15%”.

Trên thị trường hàng mã năm nay tràn ngập những mẫu hàng đắt tiền của người trần được “biến hóa” thành đồ cúng để phục vụ người âm như: điện thoại như iPhone, xe máy, ôtô, máy bay... giá bán từ 40.000 - 300.000 đồng/chiếc. Các loại biệt thự dành cho người âm cũng được thiết kế đa dạng về mẫu mã, giá dao động từ 150.000 đồng đến 350.000 đồng.
 
Người Hà Nội tấp nập sắm sửa Tết ông Công, ông Táo - 3
“Vắng bóng” cá chép thường, nhiều người chọn mua cá chép cảnh để ông Công, ông Táo “cưỡi” về chầu trời

Tại Hà Nội, có một điều đặc biệt trong các khu vực mua bán là cá chép thường đã “vắng bóng”, thay vào đó ông Công, ông Táo sẽ “cưỡi” cá chép cảnh, cá chép giấy về chầu trời...

Chị Hạnh (một tiểu thương bán hải sản trong chợ Tam Đa, quận Tây Hồ) lý giải: “Do cuộc sống hiện đại luôn bận rộn nên nhiều người không còn chú trọng mua cá chép thật nữa mà chuộng dùng cá vàng mã, mua xe máy, máy bay cho ông Công, ông Táo lên trời, năm nay số lượng cá chép tôi lấy về bán cũng rất ít”.
 
Người Hà Nội tấp nập sắm sửa Tết ông Công, ông Táo - 4
Có gia đình ở Hà Nội đã tiến ông Công, ông Táo về chầu trời sớm
 
Ngày mai 23 tháng Chạp, ông Công ông Táo về chầu trời, mở đầu cho chuỗi ngày Tết cổ truyền Việt Nam.
 

Đà Nẵng: Đìu hiu thị trường mã ngày 23

 

Ngày mai, ông Táo “đúng hẹn” phải lên trời báo cáo tình hình thượng giới một năm qua. Tuy nhiên không như mọi năm, cho đến lúc này thị trường hàng mã ông Công ông Táo ở Đà Nẵng vẫn khá đìu hiu.

 

Mặt hàng được nhiều người lựa chọn nhất là bộ  đồ cúng mũ áo, giày, cá chép, tiền vàng. Trong khi đó, đồ mã xe, nhà… rất ít người hỏi mua. Giá các loại hàng mã vì vậy cũng không tăng đáng kể so với ngày thường.
 
Người Hà Nội tấp nập sắm sửa Tết ông Công, ông Táo - 5

(Ảnh: Khánh Hồng)

 

Chị Minh, một người đi mua hàng mã cúng 23 tháng Chạp cho biết: “Tui chỉ mua bộ mũ áo và cá chép về cúng ông Táo, những thứ còn lại mua về để cúng Tết Nguyên đán”.

 

Cùng cảnh đìu hiu, cá chép sống năm nay không được bày bán nhiều; ông Táo chủ yếu “cưỡi” cá giấy.

Châu Như Quỳnh