Người Hà Nội gàn dở vào Quảng Bình dựng ngôi làng “kỳ lạ”
Đang sống nhà ấm cửa êm ở Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Liên đùng đùng bỏ vào rừng rú Quảng Bình để xây dựng “Làng sinh thái chiến tranh”, khiến ai cũng cho ông là gàn dở.
Ngôi làng “kỳ lạ”
Cách TP. Đồng Hới (Quảng Bình) 7km theo đường Hồ Chí Minh có một tấm biển ghi dòng chữ: “Làng sinh thái chiến tranh”.
Đi lên sườn đồi hơn cây số, giữa bạt ngàn thông hiện ra chiếc cổng tre cũ kỹ, xộc xệch. Giữa bãi đất rộng chôn cột cờ bằng cây thông rất thẳng, cao. Lá cờ Tổ quốc bay phần phật trong gió.
Từ miệng hố bom du khách vượt suối Ba Đa bằng chiếc cầu phao được ghép bởi những chiếc thùng phuy, tái hiện lại những chiếc cầu phao trong chiến trường.
Từ chân đồi, đi trên con đường mòn bên phải sẽ được chứng kiến những hố bom nham nhở. Cạnh những hố bom ấy, loài hoa dẻ bản địa tỏa mùi man mác. Dưới những tán thông, keo rậm rạp, loài trạc trìu phả hương dịu mát.
Đỉnh đồi là nhà tưởng niệm bằng gỗ giản dị, trang trọng. Trên bàn thờ có tấm bia đá khắc dòng chữ: “Đời đời tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã hy sinh trên đường cứu nước”. Một bình hoa tươi, một quả bưởi ông Liên ngắt trong vườn và một bát hương đượm khói.
Nhà tưởng niệm có tấm bia đá rất lớn khắc tên tuổi, địa chỉ các liệt sĩ trên khắp đất nước đã ngã xuống ở mảnh đất Quảng Bình. Một tập tài liệu đóng bằng giấy khổ A4 ghi thông tin hàng vạn liệt sĩ đặt trang trọng trong tủ kính. Tập tài liệu có tên: “Mộ chí liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ”.
Để tập hợp được số lượng địa chỉ này, ông Liên đã phải lang thang đến các nghĩa trang trong khắp cả nước để ghi chép. Ông hy vọng những người tham quan vô tình thấy tên tuổi liệt sĩ là thân nhân của mình thì sẽ tìm được phần mộ.
Đêm đêm, ông vẫn chong đèn dưới khói hương nghi ngút trong nhà tưởng niệm viết thư gửi thông tin các liệt sĩ theo địa chỉ ghi trên bia mộ trong nghĩa trang. Phần lớn thư quay ngược lại vì những địa chỉ đó đã không còn chính xác. Qua bao nhiêu năm bể dâu, tên làng, tên phố đã khác. Nhưng cũng đã có hàng trăm người tìm thấy mộ liệt sĩ nhờ ông.
Con đường mòn theo hướng tay trái từ chiếc cầu phao xuyên qua những cánh rừng heo hút, rậm rì. Làng chiến tranh với những ngôi nhà mái rạ thấp lè tè, lụp xụp chìm trong đất, lẫn với những tán cây bưởi, cây cam.
Khắp làng là những đường hầm, những giao thông hào sâu quá đầu người chạy ngang dọc, quanh co. Ngay đầu làng, 7 vỏ bom “đứng” sừng sững, mỗi vỏ có một chữ: “Chiến - đấu - giỏi - sản - xuất - cũng - giỏi”.
Trong bệnh viện dã chiến ấy, ông Liên dành một góc trang trọng lập bàn thờ. Tấm bia đá khắc tên những bác sĩ, y tá liệt sĩ. Những bao gạo chất đầy trong kho mà nhân dân Quảng Bình đã đóng góp nuôi bộ đội, dù quanh năm họ ăn khoai, ăn sắn độn ngô.
Những lớp học dã chiến với đầy đủ bàn ghế, bảng viết. Khách tham quan như nghe đâu đó tiếng học sinh bi bô đọc bài, tiếng cô giáo lảnh lót giảng bài mặc cho trên đầu là mưa bom bão đạn. Ở góc lớp có tấm bia khắc tên những thầy giáo, cô giáo đã ngã xuống vì nền giáo dục nước nhà.
Ngôi nhà trẻ với những chiếc nôi bện bằng nứa. Căn hầm bí mật đủ rộng cho cả đơn vị họp bàn lên phương án tác chiến. Những đôi dép cao su, những chiếc mũ tai bèo, bị đông đựng nước treo lặng lẽ trên tường hầm. Những ngôi nhà dân rộn rã tiếng cười con trẻ, ai oán tiếng khóc mất người thân…
Cả một cảnh tượng chiến tranh sống động, hiện hữu trước mắt, lột tả chân thực hơn bất cứ một trang sách, một thước phim lịch sử nào.
Ông Nguyễn Xuân Liên cứ đi, cứ kể, cứ giải thích tỉ mỉ cho du khách từng li từng tý một. Cái bếp cũ kỹ, cái cánh cửa bị mảnh bom găm nát, cái nôi cháy xém vì bom napal, cái đèn dầu bằng vỏ bom bi, cái đuôi tên lửa Sam 2, loại tên lửa mà bộ đội ta đã bắn hạ chiếc máy bay B52 đầu tiên của Mỹ... đều gắn với những câu chuyện thời chiến.
Tất cả những thứ đó tái hiện từ trí nhớ của ông hồi ở chiến trường, sống giữa bom đạn, trong sự bao bọc của người Quảng Bình.
Tất nhiên, chẳng ai trả tiền cho cái công việc hướng dẫn du lịch của ông. Ông nhọc công làm hướng dẫn viên du lịch, cũng như nhọc công tốn của làm ra cái “làng chiến tranh” này là tri ân với người dân Quảng Bình đã bao bọc, nuôi nấng ông trong những ngày chiến tranh khốc liệt nhất.
Người gàn dở
Ông Nguyễn Xuân Liên sinh năm 1942, là dân Hà Nội gốc. 19 tuổi ông vào tuyến lửa Quảng Bình và phục vụ trong ngành y tế suốt từ năm 1961 đến 1970. Cả tuổi trẻ sống và chiến đấu giữa chiến tuyến các liệt nhất của bom đạn.
Trong suốt 30 năm trở về Hà Nội công tác ở Viện châm cứu, không lúc nào ông nguôi nhớ chiến trường, nguôi nhớ đồng đội đã hy sinh, những người dân Quảng Bình đã bao bọc ông.
Cả trong ý nghĩ của lớp trẻ, những khái niệm của chiến tranh cũng rất mờ nhạt. Nhiều cô giáo không biết hầm chữ A là gì, các con ông cũng không tin chuyện cả làng có thể sống triền miên hết năm này qua năm khác trong trong lòng đất.
Trở về Hà Nội, ông cứ lăn tăn phải làm gì để lớp trẻ hiểu được những điều ông kể về chiến tranh là thật? Làm sao để lớp người sau nữa có thể hình dung ra được người Quảng Bình đã tồn tại và chiến đấu kiên cường thế nào trong cảnh triệu triệu tấn bom ngày đêm dội xuống đầu?
Thế là ông nảy ra ý tưởng xây dựng một bảo tàng thu nhỏ thời máu lửa, họa may lớp trẻ sẽ không quên được cha ông chúng, những người vẫn sống khỏe mạnh sờ sờ ra đấy.
Cái ý tưởng ấy cứ nung nấu và nó lớn dần trong ông. Ông không dám thổ lộ với ai, vì mỗi lần kể ra người ta lại bảo ông rồ, ông dại.
Năm 2003, nhận sổ hưu, ông bàn với vợ bán nhà vào Quảng Bình sống và thực hiện ước mơ của ông. Vợ ông nhảy dựng lên đòi ly dị.
Ông bán căn nhà vợ chồng đang ở được 2 tỷ đồng. Ông chia cho vợ 1 tỷ để về Đức Thọ (Hà Tĩnh) dưỡng già, còn ông khăn gói, ba lô vào Quảng Bình ở nhờ nhà người đồng đội xưa.
Hàng tháng trời lăn lộn khắp chốn, ông cũng chọn mua được một mảnh đồi rừng rộng 10ha với giá một tỷ đồng, phù hợp với ý đồ của ông. Quả đồi này ở khu vực Quành, xã Nghĩa Ninh, vùng đất phía tây cuối cùng của TP Đồng Hới.
Theo VTCNews