1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Người Hà Nội "dài cổ" để được công nhận là... F0 "xịn"

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Tự test nhanh dương tính, chị Nguyễn Ngọc Hoa (Hà Nội) vội đến cơ quan y tế làm mọi thủ tục rồi về nhà. Sau 10 ngày, chị vẫn chưa nhận được quyết định cách ly từ phường còn bản thân thì đã khỏi bệnh.

Trước đó, ngày 18/2, khi thấy có biểu hiện mắc Covid-19, chị Nguyễn Ngọc Hoa (ở phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã tự test nhanh và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Sáng 19/2, chị Hoa liền đến trạm y tế khai báo thông tin, tự test nhanh tại trạm cho kết quả dương tính lần 2. Cán bộ y tế nhắc chị về nhà tự cách ly, báo cáo trường hợp của mình với tổ Covid-19 cộng đồng. Riêng quyết định cách ly tại nhà sẽ gửi chị sau.

Người Hà Nội dài cổ để được công nhận là... F0 xịn - 1

F0 "bùng nổ" trên địa bàn thành phố đang mang đến áp lực cho ngành y tế, đặc biệt là cấp y tế cơ sở (Ảnh minh họa: Quân Đỗ).

7 ngày sau đó, theo lời dặn của cán bộ y tế, chị Hoa đến trạm tiến hành test lại lần nữa và kết quả test nhanh thể hiện chị đã âm tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, cán bộ y tế không bàn giao giấy tờ gì mà chỉ dặn chị về nhà chờ đợi; khi có các quyết định, xác nhận liên quan từ UBND phường thì sẽ gửi đến chị.

"Đã 10 ngày kể từ khi tôi test nhanh có kết quả dương tính mà chưa nhận được giấy tờ gì từ cơ quan chức năng. Vì vậy, tôi chưa có bằng chứng gì chứng minh với công ty rằng mình từng là F0. Cố gắng liên hệ đến trạm y tế nhưng toàn máy bận" - chị Hoa cho hay.

Việc chưa được xác nhận đã khỏi bệnh đồng nghĩa với việc chị Hoa chưa thể đi làm trở lại. "Tôi rất sốt ruột mà không thể đến ủy ban phường để hỏi về vấn đề của mình. Không có giấy tờ liên quan, tiền lương, thưởng của tôi sẽ bị ảnh hưởng; lại không thể nhận chế độ bảo hiểm xã hội" - chị Hoa tâm tư.

Trao đổi với PV Dân trí, một cán bộ y tế phường Đông Ngạc xác nhận, trên địa bàn có tình trạng chậm ban hành các quyết định cách ly, xác nhận là F0 cho người dân. Vị này khẳng định sẽ liên hệ UBND phường Đông Ngạc để sớm ban hành các quyết định nhằm giải quyết thủ tục cũng như đảm bảo cho F0 ở phường.

"May mắn" hơn chị Hoa là trường hợp anh Nguyễn Thành Trung (33 tuổi, ở phường Hoàng Liệt). Để có được trong tay những giấy tờ chứng minh bản thân từng là F0 "xịn", anh đã phải nhiều lần ngược xuôi đến UBND phường Hoàng Liệt.

"Đi ra ngoài trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, tôi cũng sợ lắm. Nhưng tôi đã khỏi bệnh từ nhiều ngày nay mà mãi mới có giấy tờ chứng minh mình từng là F0" - anh Trung cho hay.

Sau 3 ngày gửi video quay lại quá trình tự test nhanh Covid-19 tại nhà và khai báo thông tin vào danh sách, chị Dương không nhận được bất kỳ hướng dẫn cũng như sự hỗ trợ nào khác từ cơ quan chức năng.

"Chấp hành quy định phòng chống dịch nên tôi chủ động khai báo khi thấy mình có kết quả dương tính. Sau đó, cơ quan y tế lập danh sách các F0 trên địa bàn trong đó có tôi rồi thông báo cho toàn phường. Tuy nhiên, đã 3 ngày trôi qua nhưng tôi không nhận được bất cứ sự liên hệ nào. Trong khi đó, khi cần được tư vấn, hỗ trợ về bệnh tình thì không thể liên lạc được với số điện thoại người phụ trách cụm dân cư nơi tôi đang sinh sống. Nghĩ cán bộ cơ sở bận nên tôi đã nhắn tin nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào" - chị Dương chia sẻ.

Trước đó, thông tin tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội, đại diện UBND quận Hà Đông đã phản ánh về tình trạng quá tải, thiếu nhân lực hỗ trợ y tế ở các phường. Nguyên nhân dẫn đến sự quá tải là do số ca F0 gia tăng, trong khi đó, nhiều cán bộ y tế tại các trạm y tế phường là F0, F1.

Để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch, quận đang đã chủ động liên hệ các bệnh viện, trường y, y bác sỹ nghỉ hưu trên địa bàn tình nguyện tham gia hỗ trợ.

Dịch "bùng nổ", nơi quá tải, nơi bình thường

Trong bối cảnh F0 "bùng nổ" trên địa bàn, mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định điều này đang mang đến áp lực ngày càng tăng cho ngành y tế, đặc biệt là cấp y tế cơ sở.

Vì vậy, đối với hệ thống y tế cơ sở, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu cần có biện pháp giảm tải; định lượng rõ, một cán bộ, nhân viên y tế có thể chăm lo được bao nhiêu F0 mỗi ngày. Khi có chỉ tiêu cụ thể sẽ biết được địa bàn đó cần có bao nhiêu nhân lực để điều phối, hỗ trợ kịp thời; đảm bảo phục vụ tốt nhất, nhanh nhất cho người dân.

Đối với tình trạng đang diễn ra, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, trong tuần qua, một số quận huyện như: Hoàng Mai, Đông Anh, Nam Từ Liêm, Sóc Sơn… có số lượng F0 tăng, song vẫn không xảy ra hiện tượng quá tải khiến người dân bức xúc. Điều này nhờ sự vào cuộc quyết liệt, huy động được mọi lực lượng, bố trí khoa học của chính quyền địa phương.

"Sự đánh giá của người dân là rất quan trọng. Người dân có thể tự làm test nhanh khi được nhân viên y tế giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp (thực hiện online) để xác nhận tình trạng F0 hay F0 hết thời gian cách ly. Cùng với đó, các xã, phường cần sử dụng tốt phần mềm quản lý F0; ứng dụng CNTT; huy động thêm các lực lượng thanh niên, phụ nữ… hỗ trợ" - bà Hà cho hay.

* Tên các nhân vật đã được thay đổi.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm