1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người Hà Nội bắc cầu vào nhà trên đường nghìn tỷ

(Dân trí) - Vài tháng trở lại đây, nhiều hộ dân sống ven đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phải bắc cầu gỗ để vào nhà khi dự án mở rộng tuyến đường này đang được triển khai.

Người dân bắc cầu vào nhà trên đường nghìn tỷ (Video: Nguyễn Trường).

Dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long (Hà Nội) có tổng mức đầu tư hơn 3.100 tỷ đồng. Để mở rộng tuyến đường này, TP Hà Nội đã thu hồi trên 391.900 m2 đất, giải phóng mặt bằng đối với 796 hộ, 55 cơ quan và bố trí 609 căn hộ tái định cư.

Theo ghi nhận của PV Dân trí ngày 24/5, nhiều đoạn đường, vỉa hè trên đường Phạm Văn Đồng (từ số nhà 397, đường Phạm Văn Đồng đến chân cầu Thăng Long) bị phá đi để làm lại các đường ống cấp, thoát nước mới.

Việc này khiến trước cửa nhà các hộ dân xuất hiện một rãnh sâu với  ngổn ngang bê tông và bùn đất xung quanh.

Nhiều hộ dân cho biết, các đơn vị điện lực, cấp nước, viễn thông… đã đào đi lấp lại đoạn đường này nhiều lần để lắp đặt thiết bị khiến cuộc sống, sinh hoạt của họ gặp nhiều khó khăn.

Để di chuyển được dễ dàng hơn, nhiều gia đình đã phải bắc cầu gỗ để vào nhà.

Người dân cho rằng, việc thi công không bài bản và thiếu khoa học như trên khiến họ cảm thấy mệt mỏi và không biết tình trạng này khi nào mới chấm rứt.

Người Hà Nội bắc cầu vào nhà trên đường nghìn tỷ - 1

Những chiếc cầu gỗ tạm bợ được người dân thiết kế để đáp ứng nhu cầu đi lại (Ảnh: Nguyễn Trường).

Cô Dương Thị Lợi (trú tại số nhà 327, đường Phạm Văn Đồng) cho biết, Dự án mở rộng đường Vành đai 3 tạo ra rất nhiều bụi bẩn, tiếng ồn ảnh hưởng đến người dân.

Việc các đơn vị thi công cứ đào đi lấp lại nhiều lần khiến cô Lợi thắc mắc không hiểu tại sao các đơn vị thi công không cùng nhau đào 1 lần cho người dân đỡ khổ.

“Bây giờ chúng tôi chẳng biết thế nào, trời nắng thế này còn trời mưa thì đường đi đến là khổ, khó khăn. Họ thi công mấy tháng trời rồi thế mà suốt từ tháng 3 đến tận bây giờ. Họ làm mỗi 1 đoạn lại bỏ 1 đoạn, đào xong rồi cứ để thế này này” - cô Lợi phản ánh.

Trong khi đó, ngay trước cửa gia đình bà Nguyễn Thị Lương (76 tuổi, trú tại phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm) là đoạn rãnh sâu vài mét, dài khoảng 50m.

Bà Lương cho hay, gia đình bà cùng các hộ dân liền kề hàng ngày đối mặt với nguy hiểm khi bắt buộc phải di chuyển trên chiếc cầu gỗ tạm bợ.

“Cứ muốn bước chân đi ra ngoài kia cũng không đi được. Nhà tôi chẳng còn lối đi nào khác. Gia đình có 2 cháu nhỏ. Cháu 5 tuổi phải cho đi nhà trẻ còn đứa 2 tuổi phải có người lớn trông, mà tôi ốm nên chẳng trông được cháu” - bà Lương chia sẻ thêm.

Trước thực trạng nêu trên, ông Trần Nhật Quang - Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội - cho biết, đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra và thông tin cụ thể lại sau.

Người Hà Nội bắc cầu vào nhà trên đường nghìn tỷ - 2

Trước cửa nhà các hộ dân xuất hiện một rãnh sâu cùng ngổn ngang bê tông và bùn đất xung quanh (Ảnh: Nguyễn Trường).

Người Hà Nội bắc cầu vào nhà trên đường nghìn tỷ - 3

Để di chuyển được dễ dàng hơn, nhiều gia đình đã bắc cầu gỗ để vào nhà (Ảnh: Nguyễn Trường).

Người Hà Nội bắc cầu vào nhà trên đường nghìn tỷ - 4

Bà Lương chỉ biết quanh quẩn trước hiên nhà vì không dám di chuyển qua chiếc cầu gỗ tạm bợ (Ảnh: Nguyễn Trường).

Nguyễn Trường