1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vì sao nhà “kì dị” vẫn được cấp phép xây dựng trên đường nghìn tỷ ở Hà Nội?

(Dân trí) - Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) nhận định, riêng các trường hợp đang xây dựng có thửa đất dạng hình thang, khi nhà bên cạnh được cấp phép xây lên sẽ tạo thành mặt phẳng và không còn thấy các góc nhọn.

 

Vì sao nhà “kì dị” vẫn được cấp phép xây dựng trên đường nghìn tỷ ở Hà Nội? - 1

Một công trình “góc cạnh, trừu tượng” đã hoàn thiện (Ảnh: Nguyễn Trường).

 

Tại buổi họp báo sáng 29/1, ông Đỗ Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, sau khi báo chí phản ánh về việc nhiều ngôi nhà “kì dị” đang mọc lên trên đường Phạm Văn Đồng, cơ quan chức năng đã phát hiện 8 trường hợp nằm trên địa bàn phường Cổ Nhuế 1, Cổ Nhuế 2 (Bắc Từ Liêm).

Trong đó, 5 trường hợp được cấp Giấy phép xây dựng, 2 trường hợp cải tạo, chỉnh trang mặt tiền công trình trên cơ sở hiện trạng nhà cũ và 1 trường hợp chưa xây dựng.

Theo ông Tuấn, các công trình nhà ở có hình thù “kì dị” do việc cắt xén giải phóng mặt bằng, thực hiện quy hoạch dẫn đến tạo ra các góc nhọn gây phản cảm.

Tuy nhiên, phần diện tích thửa đất còn lại của người dân đều đạt điều kiện về mặt bằng xây dựng theo quyết định có liên quan của UBND TP Hà Nội.

“Đối với các hộ sau giải phóng mặt bằng có đủ 4 cạnh đảm bảo đúng quy định sẽ xem xét để cấp phép. Riêng các trường hợp đang xây dựng có thửa đất dạng hình thang, khi nhà bên cạnh được cấp phép, xây lên sẽ tạo thành mặt phẳng và không còn thấy các góc nhọn” - ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, những trường hợp có diện tích lớn hơn 15m2 nhưng góc cạnh không đủ điều kiện theo luật quy định thì chắc chắn đơn vị này không tham mưu để cấp phép.

Đề cập đến vấn đề hợp thửa, hợp khối đối với các ô đất không đủ điều kiện xây dựng khi tiến hành giải phóng mặt bằng, phục vụ Dự án Đầu tư mở rộng đường vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, bà Nguyễn Thị Nắng Mai - Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm khẳng định, chính quyền đã thông báo và vận động người dân tự trao đổi, thỏa thuận.

“Nếu người dân không thể hợp thửa, hợp khối thì chuyển sang phương án thu hồi đất. Trường hợp người dân có đơn tự nguyện thu hồi, chúng tôi sẽ bổ sung phương án và ô đất đó sẽ là đất công do phường quản lý. Trường hợp khác, khi người dân không tự nguyện thu hồi thì sẽ phải làm một dự án giải phóng mặt bằng khác để khắc phục thực trạng nhà siêu mỏng, siêu méo” - bà Mai cho hay.

Trước đó như Dân trí phản ánh, nhiều ngôi nhà “kì dị” mọc lên sau quá trình giải phóng mặt bằng phục vụ dự án mở rộng đường Phạm Văn Đồng, đoạn đi qua địa bàn phường Cổ Nhuế 1 và Cổ Nhuế 2.

Người dân trong khu vực thừa nhận ngôi nhà được gia đình xây dựng có hình dạng méo mó, và khi giao một phần đất cho nhà nước để mở rộng đường thì hiện trạng đất như thế nào sẽ xây dựng như vậy.

Dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long có tổng mức đầu tư hơn 3.100 tỷ đồng. Để mở rộng tuyến đường này, TP Hà Nội đã thu hồi trên 391.900 m2 đất, giải phóng mặt bằng đối với 796 hộ, 55 cơ quan và bố trí 609 căn hộ tái định cư.

Đây là dự án do TP Hà Nội là chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 3,1 nghìn tỷ đồng cho tuyến đường dài 5,5 km, mặt cắt ngang sẽ được mở rộng từ 56 m lên 93 m, mỗi bên 6 làn xe cơ giới. Trong đó chi phí xây dựng 820 tỷ đồng, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng là 1.820 tỷ đồng.

 

Nguyễn Trường