1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Người ghi lại những giây phút cuối cùng của Bác

(Dân trí) - Gần 30 năm cầm máy, nhưng việc được quay những thước phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời thiếu tá Nguyễn Thanh Xuân. Ông là người có được vinh dự có mặt và ghi lại những giây phút cuối cùng trước lúc Người đi xa.

Người ghi lại những giây phút cuối cùng của Bác - 1

Ông Nguyễn Thanh Xuân, người có may mắn được ghi lại những ngày cuối đời của Bác.
 
Những ký ức không thể phai mờ

Năm nay ông Nguyễn Thanh Xuân ở xóm Sơn 1, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An đã bước sang tuổi 76. Nhập ngũ năm 1952, nhờ có khả năng trong việc tổ chức thực hiện nhiều chương trình văn nghệ, năm 1960, ông được điều về làm việc tại Xưởng phim Quân đội.

Năm 1966, ông Xuân vinh dự được quay những thước phim xúc động về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó là ngày Bác đến tiễn đưa Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã không may ra đi khi cuộc kháng chiến còn dang dở. Hình ảnh Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhiều đồng chí lãnh đạo bên linh cửu người con trung kiên của đất nước in đậm mãi trong những thước phim quý giá của ông.

Kể từ đó, ông được giao nhiệm vụ quay lại hình ảnh về những hoạt động của Bác, từ việc dự các cuộc hội nghị cho đến những lần người đi thăm, tìm hiểu đời sống chiến đấu và sản xuất của nhân dân.

Người đến trận địa pháo cao xạ, lên thăm các chiến sỹ trên tàu hải quân, gặp gỡ các chiến sỹ không quân, Người đến với nhân dân, ở khắp mọi nơi, thăm hỏi mọi người. Khi đến thăm một đơn vị bộ đội, nơi đầu tiên Người ghé qua là chỗ ăn, chốn ở của chiến sỹ... Tất cả những khoảnh khắc linh thiêng ấy đều được ông Nguyễn Thanh Xuân ghi lại.

Những thước phim quý về Người

Đoạn phim Người tặng thuốc lá cho từng chiến sỹ ngay tại mâm pháo thể hiện sự quan tâm chu đáo, gần gũi và thân mật của Bác với chiến sĩ. Lúc đó chỉ còn tình cha con, tình chiến sỹ với nhau, không còn một chút nào về sự xa cách giữa vị Chủ tịch nước với người lính bình thường. Còn rất nhiều hình ảnh về sự quan tâm của Bác đối với mọi người mà ống kính máy quay không thể nắm bắt hết được.

Với ông Xuân, "Người là lãnh tụ tối cao, mà lại gần gũi, biết và rất quan tâm đến đời sống mọi người. Đối với cánh phóng viên chúng tôi, Người luôn tạo điều kiện, khi nào gần kết thúc Người cũng hỏi: "Các chú phỏng vấn, chụp ảnh xong chưa?" Với ai Bác cũng ân cần như thế...".

Những ngày được sống bên Bác và ghi lại hoạt động của Người là kỉ niệm không bao giờ quên, đặc biệt ông còn được chứng kiến và quay lại giây phút trước lúc Người đi xa. Đau đớn khi chứng kiến sự ra đi của Bác, nhưng ông phải kìm nén nỗi xúc động để ghi lại chân thực những cử chỉ, những lời nói cuối cùng trước lúc Người đi xa mãi mãi.

Hơn 7.000m phim được dùng trong những ngày ấy, đã trở thành tư liệu để ông dựng nên bộ phim nổi tiếng "Những giây phút cuối cùng của Bác Hồ". Ngoài ra, cùng các đồng nghiệp, ông đã góp phần dựng lên bộ phim tư liệu dài tập "Chúng con nhớ Bác".

Giờ đây đã 20 năm thiếu tá Nguyễn Thanh Xuân nghỉ việc, về sống ở quê. Trong những năm tháng khói lửa chiến tranh, ông được sống và đi theo mỗi bước chân Bác, đến khi về già ông lại có niềm hạnh phúc được ở gần và thường xuyên đến thăm ngôi nhà mà Người đã từng ở từ những ngày nào. Với ông, cuộc đời này luôn có Người bên cạnh...

Nguyễn Duy