1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Người đưa những ước mơ vượt đại ngàn

(Dân trí) - Đang làm chủ tịch huyện, đùng cái ông xin từ quan. Cấp trên và nhân dân níu giữ, ông bảo: “Tui nghỉ sẽ là cơ hội cho người tài hơn lên lãnh đạo”. Thoắt hôm sau đã nghe tin ông đang trồng rừng mãi tận xã vùng xa Zơngây, Tàlu (huyện Đông Giang, Quảng Nam).

Từ quan để trồng rừng

 

Sau thời gian ra Bắc học chữ và trở về quê hương với trình độ chỉ ngang lớp 7, ở xứ sở vùng cao hoang vu này, vật lộn với cái ăn còn khó, trình độ học vấn của ông đã thuộc hàng hiếm có. Từ đó, Bhling Sử được người dân tin tưởng đưa lên làm Chủ tịch xã Blê (huyện Hiên cũ). Thấy anh chàng dân tộc Cơtu có uy với dân mà làm việc cũng ra trò, cấp trên tiến cử ông lên làm Phó Chủ tịch, rồi đến Chủ tịch huyện Hiên.

 

Nhiều người xì xào: “Trình độ thế nớ cũng đòi làm lãnh đạo!”. Còn ông thì tặc lưỡi: “Việc người ta nói thì cứ nói, mình làm cứ làm”. Ông làm cho không chỉ những người kèn cựa, mà một số đồng nghiệp cũng buông lời dèm pha khi quyết định: Sẽ làm cái thuỷ điện cho đồng bào mình bớt tối vào năm 1987.

 

Họ gọi công trình đó là “Thuỷ điên” vì phải vận chuyển máy móc từ Thủ đô về, lại vượt gần 200km đường đèo mới đến công trường. Ngày tự tay đóng cầu dao điện, ông đã khóc nức nở như một đứa trẻ. Ông vui lắm vì đồng bào sau bao nhiêu năm tăm tối giờ đã có bóng điện thắp sáng. “Chừ nhà máy điện đó vẫn đảm bảo điện chiếu sáng cho thị trấn mình đó” - Bhling Sử cười mãn nguyện.

 

Nhưng đồng lương còm cõi của vị Chủ tịch huyện Hiên (sau này tách thành huyện Đông Giang và Tây Giang) suốt 4 nhiệm kỳ, từ 1986 - 1996 (khi đó nhiệm kỳ 2 năm rưỡi) không đủ chu cấp toàn bộ cho các em học sinh nghèo ở trọ miễn phí trong nhà ông. Bhling Sử hiểu rằng chỉ mai mốt là phải ăn củ sắn, củ mài mất thôi. Thế là ông bàn với vợ là bà Tám khai hoang mấy sào đất gần nhà trồng rau xanh cải thiện. Hai vợ chồng chạy đôn chạy đáo, vay mượn khắp nơi để nồi cơm dành cho cả nhà và mấy đứa học sinh nghèo bớt đắng vì sắn độn…

 

Đêm ông trằn trọc: “Phải kiếm cách chi cho mấy đứa nhỏ đỡ khổ hơn. Mình đã cho các em ở cốt là muốn chúng yên tâm học hành để thoát cảnh nghèo hèn, ngu dốt, không phải lo ăn uống. Đó là niềm hy vọng mà đồng bào đã gửi gắm trước lúc mình lên đường ra Bắc”.

 

Bhling Sử vực bà Tám đang còn say giấc dậy: “Mai tui nghỉ làm cán bộ. Tui sẽ lấy tiền hưu sớm đi kinh doanh”. Bà Tám biết tính chồng nói là làm nhưng hoài nghi: “Biết chi kinh tế mà ổng liều rứa chứ?”.

 

60 triệu đồng tiền lương hưu sớm của Bhling Sử ông trang trải hết nợ nần, dành một phần “bất khả xâm phạm” cho mấy đứa học sinh, số còn lại ông đi trồng rừng. Ông nhớ hồi còn làm lãnh đạo cũng hay đi xem mô hình trồng quế ở các địa phương. Thế là ông đầu tư vào ươm hơn 1ha cây quế.

 

Mới chân ướt chân ráo thử nghiệm cây quế ông đã bị đàn sâu đo làm tan nát cả cây lẫn số vốn ít ỏi. Ông tiếp tục đi vay mượn và xuống giống quế tiếp. Lần này ông tự mình lặn lội đến các địa phương khác, từ Tây Giang qua Nam Giang, Phước Sơn, để xin thọ giáo cách ươm quế và tự mình vệ sinh đất trồng… “Lứa cây non đầu tiên mình xuất đi lãi ròng hơn chục triệu bạc” - Bhling Sử vui vẻ nói.

 

Có vốn, ông tiếp tục mở rộng diện tích để ươm các giống cây khác như lòn bon, dó trầm, rồi chuyên luôn chăn nuôi bò… Mỗi năm ông thu nhập sơ sơ khoảng 200 - 300 triệu đồng. Ông dồn hết vốn liếng, cầm cố nhà lấy gần 900 triệu xuống Zơngây và Tàlu trồng hơn 90ha keo lá tràm. Ông khẳng định: “Với sự phát triển tốt như thế này có thể thu về khoảng 2,7 tỷ từ rừng keo này”.

 

Làm ăn mỗi ngày một khó, phải mở rộng các lĩnh vực kinh doanh khác nhau mới sống được. Thế là ông khăn gói xuống Đà Nẵng học tại chức Kinh tế ở cái tuổi lục tuần. “Bao nhiêu năm khổ cực, bùn đất nó lấp đầy óc rồi thì răng mà học cho vô”, bà Tám đùa hôm ông xuống trường. Thế mà ông vẫn lĩnh được tấm bằng đại học. Hôm về ông còn ôm theo một chồng sách kinh tế chính trị. “Người ta trẻ học nhanh, mình cứ tự học từ từ cũng ngon chán” - ông tự nhủ.

 

Và năm 2002, cả huyện Đông Giang ngỡ ngàng khi Công ty CNHH Hữu Sơn của vị giám đốc người dân tộc Cơtu - Bhling Sử ra đời với số vốn điều lệ vài tỷ đồng. Rồi ông bắt đầu vươn ra các công trình thuỷ điện, xây dựng ở các xã vùng xa của huyện Đông Giang và Tây Giang. Ông tiết lộ đang lập dự án xây dựng thuỷ điện Hàza của huyện Nam Giang với vốn khoảng 120 tỷ đồng. Ông tâm sự: “ Làm thuỷ điện hơi cực mà thoải mái. Mình không thích đua chen, tranh giành nhau mệt lắm”.

 

Và bây giờ, người ta gọi Bhling Sử là tỷ phú người dân tộc Cơtu độc nhất trên dãy Trường Sơn.

 

Kiếm tiền để nuôi học trò nghèo

 

Trụ sở công ty ông vừa là nơi làm ăn, vừa là nơi gia đình ông sinh sống và cũng là nơi nương tựa của không biết bao nhiêu thế hệ học sinh nghèo người Cơtu. Thế là cánh cửa gia đình của Bhling Sử lại rộng mở hơn để đón học sinh về. Ông còn “treo” giải thưởng: “Đứa nào học giỏi sẽ được cấp học bổng”.

 

Tiếng lành về một doanh nhân người dân tộc bay qua đại ngàn, các học sinh nghèo từ các vùng xa xôi như xã Blê, xã Vương (huyện Tây Giang); xã Ba, xã Zơngây (huyện Đông Giang)… đều xem nhà ông là nhà mình. Bhling Sử tính nhẩm, từ khi ông bắt đầu “hành hiệp” năm 1986 đến nay, đã có hơn 200 học sinh ở nhà ông.

 

Và có biết bao ước mơ xuống núi lấy tri thức về phục vụ đồng bào đã thành hiện thực: Đó là Alăng Muôn (xã Blê, huyện Tây Giang) giờ đang là SV Đại học Bách khoa Đà Nẵng; là Mạc Thị Bơn (xã Ba, huyện Đông Giang) được Bhling Sử chu cấp toàn phần từ khi còn là học sinh cấp I, II cho đến khi là SV trường CĐ Sư phạm Quảng Nam… Và hàng loạt những cán bộ chủ chốt trẻ bây giờ của các xã miền núi đều xem ông là ân nhân đã đưa họ đến với cái chữ để giúp đồng bào, như Bruối - Chủ tịch xã Vương; Bríu Thị Bé - Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Zơngây…

 

Mạc Thị Bơn xúc động: “Ngày mẹ mất, ba cấm tiệt không cho mình đi học vì con gái học nhiều cũng chỉ về lấy chồng. Nhưng mình vẫn quyết xuống thị trấn Prao để học cái chữ. Thấy mấy đứa bạn đến nhà chú Sử ở mình cũng xin vào…”. Thấy Bơn chăm học, lại học giỏi, ông Sử gọi cô lại nói: “Cháu cứ gắng học đi. Cháu học tới đâu bác lo tới đó”. Bây giờ giấc mơ làm cô giáo của Bơn đã thành hiện thực. Cô tâm sự: “Nếu không có chú Sử có lẽ mình và nhiều bạn vẫn mãi chỉ biết vào nương làm rẫy thôi”.

 

Mọi người tán dương, còn ông chỉ cười: “Cả cuộc đời tui là sự hiến dâng. 40 năm tuổi Đảng và bao nhiêu năm làm cán bộ là sự cống hiến hết mình của tuổi trẻ. Về già tui vẫn cống hiến nhưng chỉ khác về phương pháp thôi”. 

 

Sông Chu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm