Người đô thị hài lòng với hành chính công hơn người nông thôn
(Dân trí) - Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Cung ứng dịch vụ hành chính công: Bài học kinh nghiệm cho các thành phố Việt Nam” diễn ra tại Đà Nẵng sáng 27/11.
Ông Jairo Acuna Alfaro - Cố vấn chính sách, cải cách hành chính và chống tham nhũng UNDP Việt Nam cho biết, PAPI là công cụ mới để đo lường mong đợi của người dân Việt Nam; là tiếng nói của người dân, phản ánh trải nghiệm của họ sau khi tương tác với các cấp chính quyền, sử dụng dịch vụ công và tham gia quản trị công.
Ngoài ra, còn có dấu hiệu phân vùng tương đối rõ nét. Đó là khu vực miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên có điểm số tổng hợp PAPI thấp hơn, có nghĩa là người dân ở những vùng này chưa hài lòng với mức độ hiệu quả quản trị và hành chính công ở địa phương. Tỉnh/thành phố và quận/huyện ở các địa phương khu vực duyên hải Trung bộ và Đông Nam Bộ có xu hướng đạt điểm số PAPI cao hơn. Người dân ở những đơn vị quận/huyện khác nhau có trải nghiệm khác nhau về quản trị ở cùng một đơn vị tỉnh/thành phố.
“Một nguyên nhân dẫn đến mức độ hài lòng thấp với chất lượng công chức, viên chức. Đó là tham nhũng và hối hộ trong khu vực công. Người dân nhận định tình trạng tham nhũng, hối lộ có dấu hiệu tăng từ năm 2011 – 2013”, ông Jairo cho biết thêm.
Theo TS. Nguyễn Đình Dương, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển KT - XH Hà Nội, mặc dù có những tiến bộ, nhưng nhìn chung hệ thống hành chính Việt Nam vẫn còn tụt hậu so với yêu cầu phát triển của đất nước, so với yêu cầu và sự kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp. Tổ chức bộ máy vẫn cồng kềnh, năng lực và trình độ của công chức, viên chức còn thấp, đặc biệt nghiêm trọng là một bộ phận công chức, viên chức có những biểu hiện tiêu cực như nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng…
“TP Hà Nội đã đồng ý về chủ trương để UBND quận Long Biên thực hiện đề án “Mô hình chính quyền điện tử cấp quận và mô hình điểm Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tịch hành chính tại quận Long Biên giai đoạn 2013-2015”. Tiếp tục chỉ đạo 4 quận, huyện (Tây Hồ, Thạch Thất, Từ Liêm, Chương Mỹ) hoàn thiện đề án thí điểm “cơ quan điện tử”. Quận Cầu Giấy thực hiện lắp đặt camera tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại quận và 8/8 phường, thực hiện việc thông báo tới công dân và tổ chức kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ nhắn tin”, ông Dương cho biết.
Về tình hình cung ứng dịch vụ công tại TPHCM, PGS.TS. Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, thành phố rất nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả cung ứng dịch vụ công. Cơ chế “một cửa” tiếp tục triển khai đồng bộ, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng thực hiện để giải quyết tốt công việc của tổ chức và công dân.
Đến nay, tất cả các sở/ngành, quận/huyện, xã/phường/thị trấn đã áp dụng cơ chế “một cửa” trong giải quyết các thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp theo thẩm quyền quy định. Cơ chế “một cửa liên thông” tiếp tục thực hiện tại các sở/ngành thành phố. Đã có 24/24 UBND quận/huyện triển khai quy trình liên thông hoàn chỉnh giữa UBND quận/huyện và UBND phường/xã, thị trấn trên lĩnh vực đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh và đăng ký mã số thuế. Một số UBND quận/huyện đã tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả tình hình thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” nhóm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hộ tịch, bảo hiểm y tế và quản lý cư trú. Kết quả đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho người dân từ 20 ngày xuống còn 11 ngày, tiết kiệm công sức đi lại và chi phí đáng kể cho dân.
Khánh Hồng