1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Người đi bộ TPHCM phớt lờ cầu bộ hành có thang máy để băng ngang đường

Tâm Linh

(Dân trí) - Trong khi người đi bộ ở một đại lộ quận 7 phải đợi lượt đèn đỏ thứ hai mới qua được ngã tư, thì tại cầu bộ hành có thang máy ở quận Bình Thạnh người dân lại ung dung bỏ qua đi dưới lòng đường.

Xuất phát từ hiện trạng nhiều người đi bộ gặp khó khăn khi băng qua dòng phương tiện dày đặc, tiềm ẩn tai nạn, ngày 28/3, các cơ quan chức năng TPHCM đã khảo sát vị trí xây dựng cầu vượt bộ hành từ phố đi bộ Nguyễn Huệ ra công viên bến Bạch Đằng (bắc ngang đường Tôn Đức Thắng, quận 1).

Hiện, TPHCM có gần 40 cầu bộ hành và 5 hầm chui bộ hành hiện hữu. Với chi phí đầu tư 3-10 tỷ đồng, các công trình bộ hành này đều khang trang, hiện đại, song thực tế đa số vẫn "ế" người sử dụng.

Trong khi đó, tại nhiều nút giao thông trong thành phố, người đi bộ cũng phải chần chừ sang đường do quá nhiều phương tiện, nhiều xe lớn lưu thông, hoặc do mặt đường quá rộng mà thời gian chờ đèn giao thông ngắn.

Vậy tại sao lại xảy ra tình trạng nơi cần thì chưa có, nơi có thì ế ẩm?

Người đi bộ TPHCM phớt lờ cầu bộ hành có thang máy để băng ngang đường - 1

Trước cổng Bệnh viện Ung bướu, quận Bình Thạnh, dù có cầu bộ hành, người dân vẫn đi bộ dưới lòng đường (Ảnh: Hải Long).

Căng thẳng sang đường

"Giao lộ quá rộng nhưng thời gian cho đèn giao thông cho đi qua lại tương đối ngắn, nhiều khi đi không kịp", một nữ cư dân sống ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng nói với phóng viên khi phải chờ lượt đèn đỏ mới ở dải phân cách giữa đường Nguyễn Văn Linh (quận 7).

Gần đó, tại nút giao đại lộ Nguyễn Văn Linh với đường Nguyễn Lương Bằng, khi đèn tín hiệu giao thông bắt đầu 40 giây màu xanh, một người chạy bộ với vận tốc khoảng 20km/h băng qua đại lộ. Khi người này vừa sang được đến vỉa hè bên kia đường cũng là lúc đèn giao thông đổi màu đỏ.

Như vậy, đối với vận tốc trung bình 3-5km/h của một người đi bộ, họ sẽ phải chờ thêm lượt đèn đỏ thứ hai tại ngã tư này mới băng qua được đại lộ rộng hơn 150m.

Mặt đường Nguyễn Văn Linh rộng 10 làn xe, hai bên là khu đô thị Phú Mỹ Hưng mọc lên nhiều chung cư, nhà hàng, quán cà phê, siêu thị, trường học, cơ sở tôn giáo và nhiều dịch vụ sinh hoạt, giải trí khác. Khu đô thị này tập trung nhiều người nước ngoài sinh sống, họ chủ yếu đi bộ giữa hai khu.

Hơn nữa, tại ngã tư này có lượng xe container và xe tải hạng nặng lưu thông mật độ dày, kể cả vào những khung giờ người dân tan tầm. Hệ thống đèn giao thông ở đây được phân chia xen kẽ cho nhiều hướng và làn để điều tiết xe di chuyển đảm bảo an toàn, khiến thời gian chờ đèn đỏ bị kéo dài.

Từ thực tế trên, nhiều cư dân khu vực này cho biết rất mong chờ sự hiện diện của một lối đi băng ngang đại lộ rộng lớn, có thể là cầu trên cao hoặc hầm chui.

Người đi bộ TPHCM phớt lờ cầu bộ hành có thang máy để băng ngang đường - 2

Trong ảnh là mặt ngang đại lộ Nguyễn Văn Linh đoạn rộng 10 làn xe tại nút giao với đường Nguyễn Thị Thập. Còn tại đoạn giao với đường Nguyễn Lương Bằng gồm lộ giới đường cộng thêm dải phân cách rộng 36m (Ảnh: Hải Long).

Cũng tại một đại lộ lớn ở nội đô TPHCM, khu vực cầu bộ hành Văn Thánh bắc ngang con đường Điện Biên Phủ 8 làn xe (quận Bình Thạnh), hai bên là khu dân cư dày đặc, nhiều chung cư, trường học và trung tâm thương mại. 

Hơn một năm trước, người điều khiển phương tiện đi ngang khu vực này luôn phải cảnh giác cao độ. Họ đi chậm để tránh va chạm với người đi bộ băng ngang đường, dù tốc độ cho phép là 50-60km/h.

Đoạn này không thiết kế vạch kẻ và đèn tín hiệu cho người đi bộ qua đường, nhưng lại có lượng người qua đường rất đông, phần lớn là sinh viên các trường đại học, hành khách của các nhà xe đi các tỉnh miền Đông... 

Để ngăn người đi bộ sang đường gây nguy hiểm, tháng 4/2022, các cơ quan quản lý đô thị TPHCM đã lắp đặt hàng rào bằng sắt thép "kín cổng cao tường" lên dải phân cách. Tuy nhiên, đến nay, vẫn xuất hiện nhiều trường hợp lách qua hàng rào dải phân cách để qua đường.

Đáng nói, dù có cầu đi bộ Văn Thánh, người dân vẫn không mặn mà.

Người đi bộ TPHCM phớt lờ cầu bộ hành có thang máy để băng ngang đường - 3

Đường Điện Biên Phủ dài gần 7km có duy nhất cầu bộ hành Văn Thánh (Ảnh: Nam Anh).

Với chức năng đảm bảo an toàn cho người đi bộ qua đường, đồng thời hạn chế cản trở, ùn tắc giao thông, hệ thống cầu và hầm chui bộ hành ở TPHCM thực tế chưa được sử dụng hết công suất. Nơi cần thì chưa có, nơi có thì ế ẩm.

Người dân ngại xa, ngại đợi, ngại nắng mưa

"Cầu đi bộ Văn Thánh cách cổng trường em 500m, đi bộ mất khoảng 10 phút, mấy lần xe buýt đến trễ giờ học, em thường chạy băng sang đường cho nhanh", một sinh viên Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) nói ra lý do không sử dụng cầu bộ hành mà bất chấp nguy hiểm băng ngang đường xe chạy.

Một sinh viên khác cùng trường thì cho rằng cầu bộ hành Văn Thánh không có mái che, giữa trưa nắng to thấy xe cộ vắng sẽ tranh thủ băng ngang đường cho đỡ mệt. 

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều cầu bộ hành ở TPHCM đã có mái che, sạch đẹp, thậm chí có thang máy, nhưng vẫn không thỏa mãn được người đi bộ.

Trước cổng Bệnh viện Ung Bướu đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), có cầu bộ hành hiện đại nhất thành phố, được đầu tư thang máy và máy lạnh. Tuy nhiên, nhiều người dân và bệnh nhân vẫn lựa chọn đi bộ ngay bên dưới cây cầu.

Người đi bộ TPHCM phớt lờ cầu bộ hành có thang máy để băng ngang đường - 4

Dù có thang máy lên xuống cầu bộ hành, một người khuyết tật vẫn cố loạng choạng băng ngang đường xe chạy trước cổng Bệnh viện Ung Bướu (Ảnh: Hải Long).

Trả lời phóng viên, nhiều người dân nêu lý do không sử dụng cầu vượt bộ hành này, vì ngại đợi thang máy, trong khi băng ngang đường nhanh hơn nhiều.

Hiện, các khu vực đông người, nhiều phương tiện lưu thông như bệnh viện, trường học, siêu thị..., cơ quan quản lý đô thị TPHCM đã xây dựng cầu vượt bộ hành hàng tỷ đồng nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi qua đường. Tuy nhiên, nhiều cầu vượt bộ hành đang bị bỏ không, trong khi người dân vẫn băng sang đường bất chấp hiểm nguy.

Theo Điều 9 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, 60.000-100.000 đồng là mức phạt đối với các hành vi người đi bộ không đi đúng phần đường quy định, vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không đảm bảo an toàn... 

Tuy nhiên, đối với nhiều người, mức phạt này chưa đủ tính răn đe, đồng thời hầu như không bị lực lượng chức năng xử phạt.

"Không thể bao quát hết người đi bộ vi phạm. Hiện nay lực lượng cảnh sát giao thông chủ yếu tập trung xử lý người điểu khiển phương tiện vi phạm. Đối với người đi bộ, đến nay mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, tuyên truyền", cán bộ CSGT đội Nam Sài Gòn (khu vực quận 7) và đội Rạch Chiếc (TP Thủ Đức) cùng nêu quan điểm.

Lãnh đạo phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, đơn vị vẫn thực hiện rà soát những cây cầu bộ hành trong thành phố. Những cầu không hiệu quả sẽ được nghiên cứu lại, có thể dỡ bỏ, thay thế bằng phương án khác như đào hầm chui hoặc cải tạo lối đi bộ.

Tại buổi họp báo về kinh tế - xã hội trên địa bàn tháng 12/2022 ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) cho biết, thành phố sẽ xây 9 cầu vượt trên Xa lộ Hà Nội và làm các bãi giữ xe máy gần 9 ga trên cao để tạo thuận lợi cho người dân đi tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm