1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người đếm bước chân mình bằng những cánh thư

(Dân trí) - Gần 30 năm qua, người bưu tá xã Nguyễn Trọng Lý chưa từng một lần đưa thư bằng xe đạp. Túi vải, mũ cối, 1 cánh tay và đôi chân trần, ông đã sống với nghề theo cách riêng của mình.

Những mặc định với con tem

 

Chưa một lần ông Nguyễn Trọng Lý biết đặt bàn chân mình lên pê-đan xe đạp để “thiên lý” cùng mấy ký thư báo lấy từ trụ sở bưu điện cụm nằm ở Phuống (xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Nhưng cũng ít ai ở Thanh Mai, một xã miền núi nằm liền kề với xã Thanh Giang, phàn nàn rằng ông đã để thư trễ hẹn, “ngủ quên” trong túi xách quá lâu. Trong một ngày, thư cứ theo chân ông đến đúng địa chỉ mà người ta đã “From-To” ngoài phong bì.

 

“Đã làm một việc chi là mình phải có trách nhiệm với nó”, ông thẳng thắn chia sẻ.

 

Gần 30 năm đi bộ để đưa chuyển thư báo, bàn chân ông đã thấm hết hơi của đất, bỏng rát phồng rộp khi gió Lào nắng đốt, cái rét tê cóng hay khi mưa dầm rả rích.

 

Địa thế vùng này cứ tầm tháng 10 là có những trận mưa thối đất, nước dâng ngập lụt. Có những lần vì những bức thư “hoả tốc” hoặc một vài công văn mà khi đi thì nước mới mấp mé gót chân, khi về ông đã phải lội nước ngang bụng. Những lúc ấy, người có thể ướt nhưng cái “bảo bối” đựng tin tức thì không. Chứng kiến cảnh này, nhiều người tặc lưỡi: “Ông Lý người nhỏ nhưng mà… gan to”. “Khổ, thư báo là phải kịp thời chứ biết mần răng”, ông giải thích giản đơn.

 

Bát nước chè xanh - “đặc sản của quê, tôi thích uống”. Sáng làm một bát, khỏi cần cơm nước gì cũng đủ năng lượng để ông bộ hành ra UBND xã nghe ngóng giao ban. Rồi cứ bên phải đường mà bước tiếp ra bưu điện Phuống. Gần trưa, lại quay đầu phát thư, đưa báo đến tận từng nhà. Tối mịt, lắm hôm 9-10 giờ, về đến nhà mới ngó ngàng đến mâm cơm. Đi bộ không dưới 30km là “điệp khúc” mỗi ngày của ông. Thỉnh thoảng, người đi đường đã quá quen với hình ảnh một thương binh mang trên mình tỷ lệ thương tật 61% vẫn “trọn đạo” với thư nên tình nguyện làm xe ôm miễn phí.

 

“Đi bộ mà chân mang thêm đôi dép nhựa cũng đủ mỏi, chi bằng cứ chân đất lên đường”, ông giải thích cho đôi chân đất của mình. Những xóm mới lập dưới chân núi Trường Sơn như Nông Trang, Đá Bia cũng không còn là “vùng cấm” đối với ông.

 

Lương do bưu điện huyện trả. Những năm 90, mới bước vào nghề, mỗi tháng ông nhận về một số tiền mà nếu bây giờ đem ra chợ, mua thịt lợn nạc thì “còn thiếu đúng 5 nghìn là được… nửa cân”. Nay thì khá khẩm hơn, lương đã ngoài 300.000đ/tháng. “Ít, nhưng nếu một ngày không đi là đôi chân ngứa ngáy đó”, ông bảo vậy.

 

Phận “gà trống nuôi con”

 

Quá 1/4 thế kỷ làm một “ông Lý đưa thư”, đến giờ gia đình ông vẫn thuộc vào diện bần nông. 18 tuổi, ông nhập ngũ. Năm 1972, trong một lần chiến đấu, ông bị thương và mất đi cánh tay trái. Sau 1 năm nằm an dưỡng, điều trị, ông về địa phương, lập gia đình với chị Phạm Thị Sâm.

 

4 đứa con lần lượt ra đời. Năm 1992, vợ ông đột ngột mất vì bạo bệnh. Con đang tuổi thơ dại, nén nỗi đau, ông gắng gượng cần mẫn đưa những cánh thư, lấy tiền nuôi con.

 

Đã mấy chục năm rồi, ông quen với tiếng gà gáy báo sáng. Thức dậy là một tay làm hết việc nhà, lo từng bữa cơm cho các con đến trường, lo cho con gà con lợn “khoẻ cái bụng”. Hàng xóm đã quen với bếp lửa cời lên lúc sớm mai từ bàn tay của người thương binh góa vợ. “Bà ấy mất không có một di ảnh để thờ…”, ông ngậm ngùi nhắc về người vợ quá cố.

 

Mấy cha con trầy trật no đói, rồi các con cũng trưởng thành, đi làm, ông giờ đã lên chức ông ngoại. “Tiếc là chưa một lần tui được cầm tờ giấy báo trúng tuyển đại học ghi tên con mình, hằng năm chỉ đi báo vui cho thiên hạ thôi”, anh cười buồn.

 

Lặng lẽ đi bộ đưa thư mấy chục năm qua, một dịp bất ngờ ông nhận được những vần thơ của mấy đồng nghiệp làm tặng. “Nó mộc mạc nhưng còn quý hơn cả những tấm bằng khen thành tích”, ông so sánh. Chưa hết, có hôm đang đi phát thư cho bà con ở xóm bên, ông nghe con gọi về nhà tiếp khách ở miền Nam ra chơi. Hoá ra đó là mấy cán bộ của một bảo tàng di tích chiến tranh, lặn lội tìm gặp ông để xin cho được chiếc mũ cối, cái túi vải.

 

Những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi ấy chính là động lực giúp đôi chân ông vững bước đường cùng những cánh thư.

 

“Đến khi mô thì ông thôi không… sớm vác thư đi, tối nhẹ túi về?”, ông bảo: “Mần răng mà ngồi một chỗ được, tui đi cho đến khi mô họ không cho làm nữa thì thôi”.

 

Sang Anh