1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người đầu tiên bắt rắn độc “nhả ra vàng” ở Việt Nam

Nọc của những con rắn kịch độc khi đông khô có giá cao gấp nhiều lần vàng 9999.


Ông Nguyễn Đặng Pháo, 78 tuổi, người đầu tiên ở VN sản xuất nọc rắn đông khô xuất khẩu

Ông Nguyễn Đặng Pháo, 78 tuổi, người đầu tiên ở VN sản xuất nọc rắn đông khô xuất khẩu

Làng Lệ Mật (Việt Hưng, Hà Nội) có nghề săn bắt, nuôi và chế biến rắn từ hàng trăm năm nay. Vài năm gần đây, số lượng rắn tự nhiên sụt giảm, một số loại rắn bị cấm săn bắt, câu chuyện về những ông “vua” săn rắn độc cũng dần lùi xa.

Dân làng Lệ Mật chỉ còn nhắc tới một người bắt rắn nổi tiếng nhất, người đầu tiên bắt rắn độc “nhả ra vàng” ở Việt Nam – Ông Nguyễn Đặng Pháo, 78 tuổi.

“Mỗi chuyến hàng, tiền tính bằng bao tải”

Nhìn ông cụ râu tóc bạc phơ, vận áo nâu sòng, ít ai nghĩ rằng ông lại là một đại gia lắm tiền, nhiều đất nhất nhì Lệ Mật. Ngồi trầm ngâm trên bộ tràng kỷ cổ, ông Pháo kể lại quãng thời gian hơn 40 năm “ăn ngủ cùng rắn độc”.

Gia đình ông có truyền thống làm nghề săn và thịt rắn, tính đến ông là đời thứ 4. Thời trẻ, ông Pháo từng đi khắp nơi để săn bắt, buôn bán rắn thịt. Gặp gỡ nhiều thầy thuốc đông y, tự tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, ông biết được tác dụng “thần kỳ” của nọc rắn trong việc điều trị các bệnh nạn y, bệnh xương cốt, tình dục…

“Người ta vẫn chưa nghiên cứu hết được giá trị dược liệu đặc biệt của nọc rắn. Nếu chỉ làm thịt, ngâm rượu thì rất lãng phí. Rắn ngoài tự nhiên, săn bắt quá nhiều rồi cũng cạn kiệt. Lúc đó, tôi bắt đầu tính đến việc mở trang trại nuôi rắn”, ông Pháo kể.

Vốn am hiểu về tập tính sinh trưởng của các loài rắn trong tự nhiên, năm 1972, ông Pháo cùng một người bạn thân đã mở trang trại rắn đầu tiên ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc nuôi các loại rắn độc, cung cấp nọc độc cho Viện công nghệ sinh học bào chế thuốc.

Vào năm 1993, nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Châu Âu có nhu cầu lớn về nọc độc rắn đông khô bào chế dược liệu. Ông Pháo chiết xuất nọc rắn độc bán theo đơn đặt hàng của Bộ Y tế.

“Nọc rắn được ví như vàng trắng, 1 gram nọc rắn đông khô giá 280.000đ, bằng 2 chỉ vàng thời điểm đấy. Nói thì dễ thế thôi, để được 100cc nọc rắn, phải bóp miệng tới 200 con rắn độc lớn nhỏ. Trong khi 100cc nọc đông khô chỉ thu được 35 gram. Chỉ cần sơ sẩy chút là mất mạng như chơi.

Là người đầu tiên đông khô nọc rắn, đơn vị gần như độc quyền sản xuất, tiền thu về đôi khi còn vượt tưởng tượng của tôi. Mỗi chuyến hàng, tiền tính bằng bao tải”, vị đại gia làng rắn cho hay.

Thời đó, Việt Nam chưa có huyết thanh trị rắn độc, trong khi nọc độc dùng để nghiên cứu giá quá đắt đỏ. TS. BS. Trịnh Xuân Kiếm, Nguyên trưởng khoa huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy - TP. Hồ Chí Minh, người bào chế huyết thanh kháng nọc đã bán cả nhà riêng lấy tiền nghiên cứu.

TS Kiếm tìm đến tận Lệ Mật, gặp ông Pháo để mua nọc rắn. Cảm động trước tâm huyết cứu người của vị bác sĩ, ông Pháo đã cung cấp nọc độc của các loại rắn độc mà không lấy một đồng nào.


Nọc rắn đông khô

Nọc rắn đông khô

Kiếm ra vàng nhưng nghề bạc bẽo

Tuy nhiên, ông cũng phải liên tục đối diện với nguy hiểm, rủi ro rình rập. Bản thân ông Pháo đã 7 lần bị loài rắn độc như cạp nong, cạp nia, 2 lần bị hổ mang cắn, may mắn đều qua khỏi. “Làng tôi có bài thuốc cổ truyền trị rắn độc rất hiệu quả nhưng cũng phải xử lý nhanh mới cứu được. Làm nghề này, chủ quan là trả giá bằng tính mạng”, ông Pháo nói.

Gắn bó nhiều năm, trở thành đại gia nhờ nghề rắn, nhưng ông Pháo không muốn con cháu tiếp tục nối nghề.

“Tôi ngẫm rồi, nghề sát sinh bạc lắm. Tôi để lại cho 6 đứa con, mỗi đứa một mảnh đất, ngôi nhà để mỗi đứa tự lập nghiệp. Bảo các con biết đủ là đủ, tiền nhiều chết cũng mang theo được đâu.

Tôi xây cái nhà gỗ này để hai vợ chồng dưỡng già, ở được mấy năm thì bà ấy bị tai biến. Điều tôi ân hận nhất, không được nghe bà ấy nói câu nào trước lúc đi”, ông Pháo thở dài.

Theo Đức Cảnh

Dân Việt