Quảng Bình:
Người dân vùng “rốn lũ” bơ phờ sau cơn lũ lịch sử
(Dân trí) - Sau cơn lũ lịch sử, vùng “rốn lũ” xã Tân Hoá, huyện miền núi Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình trở nên xác xơ, nhà cửa, trường học hoang tàn, còn người dân bạc mắt sau nhiều đêm thức trắng …
Ngày 17/10, theo ghi nhận của PV Dân trí, trên địa bàn xã Tân Hóa, Minh Hóa không còn bị ngập sâu, tuy nhiên sau cơn lũ lịch sử, cả xã Tân Hóa trở nên tiêu điều, bùn đất phủ lấp từ nhà ra đường, đồ đạc, tài sản của người dân bị hư hỏng nặng. Hiện tại đường vào vẫn đang bị ngập sâu khiến toàn xã bị cô lập, hiện các lực lượng chức năng đang phải tiếp cận và cứu trợ cho người dân bằng ca nô và xuồng quân dụng.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Cao Thanh Đá, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa cho biết, hiện trên địa bàn toàn xã nước lũ cơ bản đã rút, tuy nhiên hậu quả để lại vô cùng nặng nề. Trận lũ đã khiến một người dân trong xã tử vong khi đang đưa trâu bò đi tránh trú.
Đã nhiều ngày nay, người dân Tân Hoá phải sống trên trần nhà (Ảnh: Đặng Tài)
“Xã Tân Hóa có 668 hộ dân, đợt lũ này 100% hộ dân bị ngập nước, đặc biệt trong đó có 10 hộ ngập đến nóc, 400 hộ bị ngập đến gác. Theo thống kê ban đầu, lũ đã làm chết 6 con trâu, bò, nhiều con mất tích, thiệt hại tài sản ước tính lên tới gần 1 tỷ đồng, chưa kể cơ sở hạ tầng và những công trình khác. Hiện nay nhiều nhà dân đang bị thiếu lương thực và nước sạch, chúng tôi cũng đang cố gắng nhận tiếp ứng từ bên ngoài bằng đường thủy, không để người dân bị đói”, ông Đá cho hay.
Sau cơn lũ lịch sử người dân Tân Hóa đang cố gượng dậy, thu dọn tài sản còn sót lại để tiếp tục ổn định cuộc sống. Trò chuyện với chúng tôi, anh Trương Xuân Trỗi xót xa: “Giờ tài sản hư hỏng hết rồi, có con trâu nuôi 4 năm mới kéo được 4, 5 hôm cũng chết vì lũ, buồn lắm”.
Nhà cửa, vườn tược tiêu điều, xác xơ vì lũ (Ảnh: Tiến Thành)
Thiệt hại nặng và đang có nguy cơ thiếu đói sau cơn lũ kinh hoàng, vừa lau chùi nhà cửa, tho dọn đồ đạc, gia đình ông Trương Công Đào lại lo ghép gác xép vì sợ rằng bão số 7 sắp tới lại tiếp tục bị ngập sâu. “Hôm trước nước lên tới gần tới nóc nhà, vợ chồng tôi và đứa cháu nhỏ phải lên gác trốn lũ, nước vào làm mấy tấm ván gỗ ướt và mục rồi, giờ phải sửa lại gác để sắp tới bão vào nếu nước lên còn có chỗ mà trốn”, ông Đào buồn rầu chia sẻ.
Tại xã Tân Hóa, nhiều trường học, nhà văn hóa và cả UBND xã cũng đã bị ngập sâu trong nước. Tại Trường Mầm non Tân Hóa, mấy hôm nay ngày nào các thầy cô giáo cũng dọn dẹp, vệ sinh trường lớp, nước rút tới đâu thì các thầy cô dọn tới đó.
Cô Đinh Thị Thương Hoành, Hiệu Trưởng nhà trường cho biết, toàn trường có 5 điểm thì bị ngập hết hoàn toàn. Tại điểm trường chính, toàn bộ trang thiết bị, dụng cụ học tập đều bị hư hỏng nặng. Dù trước đó, các thầy cô đã chuyển hết đồ đạc lên tầng 2 nhưng nước lũ dâng ngập cả tầng 2 nên tất cả đều bị ướt sạch.
“Chẳng còn gì nữa rồi, bây giờ chúng tôi chỉ biết dọn dẹp cho sạch bùn đất, còn phần lớn dụng cụ, trang thiết bị học tập đều đã hư hỏng. Tan hoang quá, khóc cũng không khóc được, cười cũng không cười được, chúng tôi chỉ biết nhìn nhau ngao ngán”, cô Hoành buồn bã.
Một số hình ảnh người dân bơ phờ và khung cảnh tan hoang tại "rỗn lũ" Tân Hoá được PV Dân trí ghi lại vào ngày 17/10:
Khuôn mặt phờ phạc của những đứa trẻ sau bao đêm mất ngủ (Ảnh: Tiến Thành)
Tiến Thành – Đặng Tài