Người dân Tây Nguyên khốn đốn vì nạn chặt trộm tiêu
(Dân trí) - Thời điểm hiện tại, Tây Nguyên đang vào mùa mưa, nhu cầu xuống giống ươm tiêu của người dân rất cao. Tuy nhiên tình trạng chặt trộm tiêu đang khiến người dân đau đầu. Thậm chí có kẻ còn chặt hạ vườn tiêu người khác vì thù hằn.
Thẳng tay phá hoại vườn tiêu xanh tốt để bán giống
Hồ tiêu là loại cây trồng hiện đang được nông dân của Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung vô cùng ưa chuộng. Nông dân khắp nơi ồ ạt phá bỏ hàng trăm héc ta cây trồng khác để thay vào trồng hồ tiêu vì mang lại giá trị kinh tế rất cao, có thời điểm giá tiêu đạt mức 230 ngàn đồng/kg đây là mức giá mà không phải loại cây trồng nào cũng đạt được.
Huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) được người dân gọi với cái tên “thủ phủ hồ tiêu” của Đắk Lắk, là nơi có diện tích trồng tiêu và có sản lượng tiêu nhiều nhất tỉnh. Nhờ trồng hồ tiêu mà không ít hộ nông dân của huyện Cư Kuin trở thành tỷ phú, đời sống của người dân khấm khá, phát triển nhờ loại cây thân leo này.
Trước sức hút của hồ tiêu, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng sơ hở của chủ vườn tiêu, lẻn vào chặt trộm dây tiêu đem bán cho các đầu mối đi tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Theo thống kê của Công an huyện Cư Kuin, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn huyện đã xảy ra 16 vụ chặt phá vườn tiêu của nông dân gồm có chặt trộm tiêu đem bán giống và chặt phá vì thù hằn lẫn nhau. Nhiều vụ việc khiến cho nông dân vô cùng bức xúc vì ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế gia đình.
Đêm ngày 29/6, vườn tiêu của hộ gia đình ông Nguyễn Viết Vĩnh (ngụ thôn 5, xã Ea Hu) đã bị các đối tượng lẻn vào vườn chặt hạ 26 trụ tiêu cao 4m đang ra trái non, để đem bán dây tiêu, ước tính thiệt hại cho gia đình lên tới hàng chục triệu đồng. Ngay sau khi phát hiện sự việc ông Vĩnh đã nhanh chóng trình báo chính quyền địa phương và công an huyện.
Sau nhiều ngày truy tìm dấu vết Công an huyện Cư Kuin đã bắt giữ được 3 đối tượng gồm: Phạm Văn Việt (SN 1993, ngụ xã Ea Hu), Trần Minh Thoại (SN 1995, ngụ xã Cư Êwi) và Phan Trần Thông (SN 1990, ngụ xã Ea Ning). Tại đây, các đối tượng đã khai nhận toàn bộ hành vi trộm cắp dây tiêu của gia đình ông Vĩnh, rồi chia ngắn thành 920 đoạn dây tiêu với chiều dài 40 – 60cm đem bán để lấy tiền tiêu xài với giá trên 13 triệu đồng.
Qua trao đổi, ông Vĩnh cho biết: Vừa qua, gia đình ông có thuê Phạm Văn Việt cùng anh trai làm nghề đúc trụ xi măng cho tiêu nên thuê làm, sau đó nhờ đến vườn tiêu mới để dựng trụ, tại đây Việt thấy vườn tiêu hiện tại của nhà ông đang tươi tốt nên đã nảy sinh lòng tham nên bàn với bạn đến chặt trộm để bán.
“Vườn tiêu của nhà tôi được trồng 3 năm, đến năm nay mới đến đợt thu hoạch quả đầu tiên mà nhẫn tâm chặt đem bán lấy tiền. Tôi rất buồn vì trong các đối tượng đi ăn trộm dây tiêu nhà tôi lại có anh Việt, người cùng làng cùng xóm mà lại đối xử vậy với nhau. Nếu các đối tượng này không chặt hạ thì sắp tới tôi đã thu hoạch quả, giờ thì phải chăm bẵm lại từ đầu mất tiếp mấy năm các gốc này mới ra quả, thiệt hại biết bao nhiêu”, ông Vĩnh bức xúc nói.
Đối tượng phá hoại tiêu rất "ranh mãnh"
Không chỉ có hành vi chặt phá tiêu để trộm cắp mà tại huyện Cư Kuin còn nổi lên tình trạng, các đối tượng vì thù hằn cá nhân nên đã chặt hạ cả vườn tiêu nhằm triệt hạ kinh tế lẫn nhau. Vào rạng sáng ngày 9/7 vừa qua, rẫy tiêu tại thôn 9, xã Ea Ning của gia đình 2 anh em Nguyễn Thuận Nam (SN 1984) và Nguyễn Thuận Lý (SN 1984, cùng ngụ thôn 8, xã Ea Ning) đã bị kẻ xấu lẻn vào chặt hạ không thương tiếc 204 gốc tiêu, khiến tiêu bị chết hoàn toàn gây thiệt hại trên 200 triệu đồng, trong khi kẻ thủ ác chưa sa lưới pháp luật thì các khổ chủ đã rất đau buồn trước việc thành quả lao động biết bao năm qua bị triệt hạ hoàn toàn.
Trao đổi với PV Dân trí, Thượng úy Đặng Ngọc Thỏa – Đội phó Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an huyện Cư Kuin cho biết: Tình trạng chặt phá vườn tiêu của người dân là vụ việc nóng xảy ra trên địa bàn thời gian qua, Công an huyện đã phát hiện được 2 vụ và khởi tố 1 vụ trộm dây tiêu. Việc để phát hiện và bắt giữ được các đối tượng chặt phá tiêu là việc làm khá khó khăn cho cơ quan chức năng.
“Các đối tượng thường chọn thời điểm vào ban đêm, lợi dụng chủ vườn không trông coi để hành động. Trước khi đi cắt trộm dây tiêu, đa phần các đối tượng đều đã có mối tiêu thụ sản phẩm nên sau khi cắt trộm nhanh chóng tẩu tán tang vật. Đối với các vụ phá hoại vườn tiêu vì thù hằn lẫn nhau, các đối tượng sử dụng công cụ như dao, liềm… chặt vào gốc để tiêu không còn khả năng phục hồi; dấu vết của các vụ việc để lại hiện trường không nhiều gây khó khăn cho công tác điều tra”, Thượng úy Thỏa cho hay.
Thượng úy Thỏa còn cho biết, hiện Công an huyện đã làm công văn gửi cho các địa phương về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phá hoại vườn tiêu để người dân kịp thời cảnh giác nhằm ngăn chặn tối đa tình trạng này xảy ra.
Thúy Diễm