1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người dân phải… coi trọng mạng sống của chính mình

(Dân trí) - Dù các cơ quan quản lý đường thủy thường xuyên kiểm tra, xử phạt và yêu cầu các chủ tàu phải đảm bảo tất cả các yêu cầu kỹ thuật, phương tiện, phao cá nhân… nhưng tai nạn thảm khốc vẫn có thể xảy ra vì chính ý thức của người dân.

Người dân phải… coi trọng mạng sống của chính mình  - 1
Nguy cơ lớn nhất lại đến từ... ý thức của người dân

Phạt hoài vẫn sai

Sau tai nạn thảm khốc của tàu du lịch Dìn Ký ở Bình Dương, ngành giao thông đường thủy TPHCM tiến hành kiểm tra những tàu kinh doanh dịch vụ nhà hàng kết hợp tham quan đậu ở bến Bạch Đằng (quận 1).

Kết quả kiểm tra cho thấy có tàu thiếu áo phao so với số khách quy định được chở, có tàu đủ áo phao nhưng thuyền viên lại chưa học lớp nghiệp vụ đường thủy, hướng dẫn hành khách thoát nạn khi xảy ra sự cố cũng rất sơ sài…

Theo ông Ngô Đình Quang, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa TPHCM thì các cơ quan quản lý giao thông thủy trên địa bàn TP sẽ tiếp tục phối hợp tổng kiểm tra tất các phương tiện đường thủy đang hoạt động trên địa bàn trong thời gian tới. Đây cũng là hoạt động thường xuyên của các cơ quan này.

Trong tháng 4/2011, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đã tiến hành kiểm tra các phương tiện đường thủy, bến bãi với 416 lượt, phát hiện và lập 341 biên bản vi phạm hành chính. Trước đó, trong tháng 3/2011, Thanh tra Sở GTVT cũng đã thực hiện 406 lượt kiểm tra, phát hiện và lập 341 biên bản vi phạm hành chính.

Về phía Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy TPHCM, trong 4 tháng đầu năm nay, đơn vị này cũng đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản hơn 18.000 vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy; trong đó có nhiều vụ tài công sử dụng bằng giả để hành nghề, nhiều phương tiện cũ kỹ, không đảm bảo an toàn.

Một thanh tra giao thông cho biết: “Thực tế là hoạt động vận tải đường thủy rất phức tạp vì lộ tuyến không rõ ràng như đường bộ, lực lượng thanh tra lại mỏng nên khó kiểm soát hết được. Ngoài ra, đường thủy ở TPHCM lại do nhiều cấp, nhiều ngành quản lý chứ không chỉ riêng một cơ quan nào”.

Thờ ơ với chính mạng sống của mình

Ngoài những sai phạm của các chủ phương tiện vận tải, nguy cơ lớn nhất lại đến từ… hành khách. Dạo quanh các bến đò, bến phà trên địa bàn TPHCM, chúng tôi dễ dàng nhận thấy rất nhiều hành khách không hề chịu mang áo phao dù trên phương tiện có sẵn. Điều đó cho thấy chính hành khách cũng thờ ơ với mạng sống của mình.

Tại khu vực bến Bạch Đằng, nơi mỗi ngày có hàng chục chuyến tàu cánh ngầm xuất bến đi Vũng Tàu nhưng rất hiếm khi thấy hành khách mặc áo phao dù áo phao chất đống ở mũi tàu.

Tại bến phà Bình Khánh nối liền huyện Nhà Bè với Cần Giờ, dù phà phải băng qua đoạn sông rất rộng và thường xuyên có sóng lớn nhưng hành khách cũng chẳng để ý đến áo phao.

Tại bến đò An Phú Đông (nối quận 12 và Gò Vấp) còn thê thảm hơn khi tỷ lệ hành khách mặc áo phao chưa đến 10% trên mỗi chuyến phà, có chuyến còn chẳng có ai mặc. Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự tại các bến đò khác như Bến Đá (quận 8), Hiệp Phước (Nhà Bè)…

Người dân phải… coi trọng mạng sống của chính mình  - 2
Áo phao xếp đầy thành đò

Người dân phải… coi trọng mạng sống của chính mình  - 3
Nhưng chẳng hành khách nào mặc

Người dân phải… coi trọng mạng sống của chính mình  - 4
Ai cũng vội vàng quên mất… sự an toàn cho chính mình

Khi được hỏi, hành khách đi tàu cánh ngầm nại lý do là hành trình dài, mặc vào rất bất tiện, khi nào có sự cố rồi ... tính. Chị Ngô Thị Lệ Hoa, một hành khách ở bến phà Bình Khánh không mặc áo phao nêu lý do xe cộ trên phà chen chúc, đến lấy áo phao rất bất tiện. Một hành khách ở bến đò An Phú Đông thì cho là đò chỉ đi một đoạn ngắn, mặc rồi cởi rất mất công. Có người lại nại lý do áo cũ, hôi…

Anh Ngô Văn Hải, một nhân viên phụ tàu ở bến đò An Phú Đông trần tình: “Khó lắm, nhiều lúc dúi phao vào tay hành khách họ còn không lấy nữa là. Họ ngại mặc áo, rồi khi đò cập bến phải chờ trả áo phao, xuống đò chậm…”.

Tình trạng này diễn ra lâu nay nhưng ngành giao thông hầu như bất lực. Vì thế mới có chuyện Ban An toàn giao thông TPHCM phải tổ chức một cuộc vận động khá thú vị là… vận động người dân mang áo phao khi đi đò, phà. Trong cuộc vận động này, Ban An toàn giao thông vừa phải chi tiền mua áo phao tặng cho các bến đò, vừa phải hô hào người dân mặc (?!) để đảm bảo an toàn cho… chính họ.

Theo Ban An toàn giao thông TP, có tình trạng này là do hiện đã có quy định chủ bến đò không được cấp phép hoạt động nếu không trang bị áo phao đầy đủ và tất cả các bến đò, phà của TP đều tuân thủ nhưng không hề có quy định hành khách đi đò, phà phải mặc áo phao. Hiện cả ngành giao thông lẫn công an TP đều đang đề nghị Chính phủ bổ sung quy định này để người dân bắt buộc phải… coi trọng chính mạng sống của mình.

Tùng Nguyên