1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Người đàn ông "yêu rác cháy bỏng" và giấc mơ biến rác thành tiền

Thanh Tùng

(Dân trí) - Từ một chuyên gia, ông Bình tìm đến với cái nghề mà ai cũng muốn tránh xa. Ông đã nghiên cứu thành công công nghệ xử lý rác thải, biến nó thành những sản phẩm có ích.

Người đàn ông "nặng lòng" với... rác thải.

Từ chuyên gia trở thành người đi gom rác

Đến thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa hỏi ông "Bình rác" ai cũng biết. Người đàn ông đặc biệt này là một trong số những người đam mê và "yêu rác" đến cháy bỏng. Ông là Nguyễn Duy Bình - Giám đốc Công ty CP vệ sinh môi trường Lam Sơn. 

Người đàn ông yêu rác cháy bỏng và giấc mơ biến rác thành tiền - 1

Chân dung ông Nguyễn Duy Bình mà người dân địa phương hay gọi là "ông Bình rác".

Gặp ông Bình trong chuyến công tác miền núi, tôi may mắn được ông tâm sự về hành trình đến với nghề xử lý rác thải của mình và vô số những kỷ niệm buồn vui với nghề mà ông đã trải qua.  

Ông Bình cho biết hành trình đến với rác thải của ông là một câu chuyện dài mà đến tận bây giờ ông vẫn không tin mình có thể thành công như ngày hôm nay.

"Tôi đi nhiều nơi, làm nhiều công việc nhưng không ngờ đến những năm tháng cuối của tuổi lao động lại quay về với cái nghề chẳng ai muốn lại gần này. Có được như ngày hôm nay là cả một hành trình đi từ thất bại đến thành công", ông Bình nói.

Người đàn ông yêu rác cháy bỏng và giấc mơ biến rác thành tiền - 2

Công nghệ phun ủ men vi sinh do ông Bình nghiên cứu thành công.

Ông kể, năm 1991, sau khi nghỉ làm ngành không quân ở Đà Nẵng thì ông về quê làm cơ khí và lắp đặt xây dựng. Đến năm 2002, ông được một công ty nước ngoài thuê làm chuyên gia lắp đặt dây chuyền vắt sữa bò tự động với mức lương gần 1.000 USD/tháng. Đây là mức lương khá cao đối với ông Bình lúc bấy giờ. Thế nhưng, chỉ ít năm sau ông Bình đã từ bỏ tất cả để theo đuổi công việc xử lý rác thải. 

Nói về cơ duyên với nghề rác, ông Bình kể: "Tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại theo cái nghề này. Khi tôi làm thuê cho các công ty nước ngoài, môi trường vẫn là vấn đề được họ nhắc nhiều nhất. Tôi nghĩ tại sao mình không thử sức về vấn đề này. Sau nhiều ngày trăn trở tôi đã quyết định bỏ việc chuyên gia để đi thu gom, xử lý rác thải".

Người đàn ông yêu rác cháy bỏng và giấc mơ biến rác thành tiền - 3

Rác thải sau khi ủ men vi sinh được phân loại và đưa đi tái chế thành mùn hữu cơ.

Năm 2006, ông dốc toàn bộ vốn liếng rồi vay mượn thêm bạn bè, anh em để thành lập công ty chuyên thu gom rác thải sinh hoạt tại huyện Thọ Xuân. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình bằng việc mua một chiếc xe ô tô Hoa Mai rồi đi thu gom rác khắp làng trên xóm dưới.

Men vi sinh và giấc mơ "hồi sinh" cho bãi rác

Năm đầu tiên đến với nghề rác cũng là năm thất bại đối với ông Bình. Do địa bàn hoạt động nhỏ lẻ nên công ty ông thua lỗ nặng. Nhưng không vì thế mà ông bỏ cuộc. Chỉ một năm sau, ông Bình kêu gọi thêm các cổ đông rồi huy động thêm vốn với hi vọng có thể "lột xác".

Ông quyết định mở rộng phạm vi thu gom rác đến nhiều địa phương khác và xin dự án đầu tư dây chuyền xử lý rác thải. Năm 2007, dự án của ông được chấp thuận đầu tư. 

Đến năm 2013, ông Bình cùng các cộng sự của mình đầu tư mua một hệ thống dây chuyền xử lý rác thải trị giá 9,7 tỷ đồng. Thế nhưng, thành công một lần nữa lại "quay đầu" với ông. Do quy hoạch nâng cấp đô thị Lam Sơn (Thọ Xuân) nên dự án của ông không được cấp phép hoạt động. Toàn bộ dây chuyền trị giá gần 10 tỷ đồng không được đưa vào sử dụng sớm trở thành đống sắt vụn.

Người đàn ông yêu rác cháy bỏng và giấc mơ biến rác thành tiền - 4

Mùn hữu cơ được sử dụng nuôi giun quế và làm giá thể ươm cây, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

"Đó là thất bại lớn nhất mà tôi phải trải qua. Toàn bộ dây chuyền xử lý rác thải gần 10 tỷ đồng chưa được một lần sử dụng đã phải đắp chiếu. Khi đó tôi như muốn từ bỏ tất cả", ông Bình tâm sự.

Những tưởng sau lần thất bại đó ông Bình sẽ gục ngã, nhưng với nhiệt huyết và niềm đam mê với rác thải, ông đã vực dậy và đi tìm lối thoát cho hành trình xử lý rác thải của mình. 

"Khi dây chuyền xử lý không được vận hành, tôi nhận thấy vấn đề nút thắt vẫn là quá trình làm khô rác, nhiều nơi sấy bằng nhiệt chi phí quá cao, nhưng vẫn không thể đốt hết được. Phải làm sao để tái chế rác, biến rác trở thành tài nguyên sinh ra lợi nhuận thì sẽ giải được bài toán khó khăn lúc bấy giờ", ông Bình chia sẻ.

Nghĩ là làm, ông đi khắp các nhà máy xử lý rác thải trên cả nước để tìm hiểu thực tế. Đồng thời phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thường Xuân nghiên cứu về đề tài xử lý rác thải bằng chế phẩm sinh học từ công nghệ ủ men vi sinh. 

Người đàn ông yêu rác cháy bỏng và giấc mơ biến rác thành tiền - 5

Ông Bình bên mô hình trồng bưởi nhờ mùn hữu cơ từ rác thải.

"Tôi đi tổng cộng 74 nhà máy xử lý rác trên cả nước để khảo sát. Nghe chỗ nào có nhà máy là tôi đến để nghiên cứu về các ưu nhược điểm trong quy trình xử lý rác. Từ đó đúc rút ra kinh nghiệm cho công nghệ men vi sinh sau này", ông Bình bộc bạch. 

Sau nhiều năm nghiên cứu, cuối 2018 đầu 2019, công trình nghiên cứu men vi sinh xử lý rác của ông đã thành công. Đến ngày 8/5/2020, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa đã xác nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ "Nghiên cứu quy trình công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt (cải tiến công đoạn ủ và phân loại) bằng chế phẩm sinh học" của ông Bình.

Đến nay, công nghệ xử lý rác bằng men vi sinh của công ty ông đang được sử dụng phổ biến ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. 

Nói về công nghệ men vi sinh, ông Bình chia sẻ: "Men vi sinh ủ rác cho nhiệt độ lên tới 80-82⁰C có thể làm khô rác mà hoàn toàn không có nước rỉ rác. Sau khi phun men vi sinh khoảng 30 ngày thì có thể đưa vào tách lọc.

Ngoài ra men vi sinh còn diệt các vi khuẩn có hại gây mùi hôi trong rác. Sau đó rác sẽ dễ dàng được phân loại, xử lý, tách mùn hữu cơ dùng để nuôi giun quế, làm giá thể ươm cây… Phần rác gồm các loại túi bóng, nilon sẽ được tái chế thành hạt nhựa để tái sử dụng".

Để xác thực thông tin, ông Bình dẫn chúng tôi đến khu vực bãi rác xã Xuân Cẩm (huyện Thường Xuân), đây là một bãi rác ô nhiễm trước kia đã được áp dụng công nghệ ủ men vi sinh. Thật bất ngờ, một bãi rác rộng lớn giữa mùa nắng nóng nhưng không hề có mùi hôi thối hay nước rỉ rác chảy ra ngoài. 

Người đàn ông yêu rác cháy bỏng và giấc mơ biến rác thành tiền - 6

"Tôi hy vọng sẽ đưa công nghệ này đến những bãi rác đã đóng cửa vì quá tải để "hồi sinh" các bãi rác này trên địa bàn tỉnh", ông Bình nói.

Khi được hỏi về dự định cho công nghệ men vi sinh, ông Bình thổ lộ: "Tôi trồng cây nay đã đến ngày hái quả. Nhưng có một điều trăn trở vẫn muốn được thực hiện đó là cần hồi sinh những bãi rác "chết". Tôi hy vọng sẽ đưa công nghệ này đến những bãi rác đã đóng cửa vì quá tải để "hồi sinh" các bãi rác này trên địa bàn tỉnh". 

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chuyên viên phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thường Xuân, loại men vi sinh do Công ty CP vệ sinh môi trường Lam Sơn nghiên cứu và sản xuất ra rất hiệu quả trong việc xử lý rác thải. Nhờ đó, khâu phân loại rất dễ và có thể tái chế rác thải thành những sản phẩm có ích.

"Với công nghệ dùng men vi sinh ủ rác, sau đó tách lọc phân loại và tái chế rác chỉ cần khoảng 6 tỷ đồng là có thể lắp đặt xong dây chuyền công suất xử lý 50-100 tấn rác mỗi ngày, tiết kiệm rất nhiều so với các công nghệ xử lý rác hiện tại và khắc phục được tình trạng ô nhiễm. Công nghệ này hiện nay được các địa phương trên địa bàn tỉnh đến đây đặt vấn đề liên kết. Tới đây chúng tôi sẽ triển khai xử lý ở bãi rác huyện Nga Sơn, trước đó đã ô nhiễm nhiều năm", ông Dũng nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm