1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người đàn ông suốt đêm cõng vợ dưới giếng lạnh

Có lần giữa đêm đông, bà lên cơn chạy ra ngoài và rơi xuống giếng. Vùng đồi núi nước giếng không sâu, ông nhảy theo xuống giếng cho bà ngồi trên cổ. Giữa đêm khuya, làng xóm thưa thớt, không ai nghe tiếng ông kêu cứu. Cả đêm hôm đó ông đứng cõng vợ trong nước lạnh.

Chiếc ấm nhôm gò lại hàng trăm lần

 

“Khổ cho ông Hoa, lại đội mưa đi tìm vợ…”- Ông Hoàng Ngọc Chuân, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hải Long, huyện Như Thanh, Thanh Hoá nằm bên khẽ cựa mình thở dài. Sáng hôm sau, tôi đòi ông Chuân đưa sang căn nhà của người đàn bà điên đã chạy suốt đêm mưa hôm qua.

 

Một mùi khai nồng từ đâu bay tới làm tôi khó chịu khi bước vào căn nhà. Hiểu cảm giác của tôi, ông Chuân giải thích: “ Mùi của bà ấy đấy…!”.

 

“Chiếc ấm ni tôi mua theo phân phối từ xưa, chú xem, tôi phải gò lại hàng trăm lần rồi đấy…”, ông Trương Như Hoa kể. Rồi ông chỉ những song cửa gãy đôi, chiếc mâm cơm méo mó và cả những vết sẹo chạy trên khuôn mặt mình… tất cả là “tác phẩm” của vợ ông mỗi khi bà lên cơn điên loạn: khi thì ném đồ đạc, khi thì hắt nước sôi vào ông...

 

Người đàn ông suốt đêm cõng vợ dưới giếng lạnh - 1

Ông Hoa bên người vợ điên loạn của mình.

 

Rồi liên tục những đêm hàng xóm phải nghe tiếng bà la hét, than khóc: “cháy, cháy…, máy bay kìa…”, “con ni cháy đen tề, thằng tê chết rồi…!”. Bà chạy khắp làng, chui vào trốn trong các lùm cây, cống rãnh… và mỗi lần như vậy, người ta lại thấy ông cầm đèn chạy theo tìm. Khi bà còn khỏe, còn chạy được thì hầu như hôm nào dân làng cũng chứng kiến cảnh đó, lâu dần thành quen.

 

Ông Hoa ngập ngừng kể tôi nghe chuyện người bố vợ của ông từ trong Quảng Trị ra thăm con cách đây 18 năm. Gần một tháng chứng kiến cảnh người con rể chịu cực khổ với con gái mình, lúc bước chân lên xe về quê, ông gạt nước mắt bảo con rể: “Nó là con gái của bố nhưng bệnh nặng quá rồi, cứ để thế khổ cho con quá, khổ cả cho nó nữa… không ai trách con đâu!”. Người cha gạt nước mắt nhìn đứa con rể đang đứng bần thần nơi bến xe.

 

Ông hiểu ý người cha vợ! Ông chạy về nhà mở tủ đem toàn bộ số thuốc ngủ còn lại vứt xuống ao, số thuốc bệnh viện cấp để dùng cho bà mỗi khi bà lên cơn. Hôm đó ông ôm bà khóc cả một ngày. Nhưng rồi ông không đành lòng để làm theo lời bố vợ.

 

Nước mắt ngưng rồi lại rơi

 

Sinh ra ở huyện Triệu Hải tỉnh Quảng Trị, năm 1954 ông Hoa tập kết ra Bắc làm công nhân ở Nghệ An, rồi lái xe ở Thanh Hóa. Người đồng nghiệp già cùng quê đã giới thiệu với ông cô con gái làm công nhân nhà máy dệt Nam Định.

 

Ông cưới vợ chấp nhận cảnh hai vợ chồng ở cách xa nhau. Tháng 8 năm 1968, trận bom Mỹ ác liệt đã thiêu trụi toàn bộ nhà máy dệt Nam Định, hàng trăm con người cháy thành than không nhận ra ai với ai, trong đó có một nhà trẻ với hàng chục cháu bị xóa sổ.

 

Nghe tin, ông chạy thẳng ra Nam Định tìm vợ, bà Nguyễn Thị Tâm, nhưng bà đã mất tích. Lúc này, ông bà đã có với nhau hai đứa con nhỏ, may mắn hai đứa trẻ lại đang được gửi ở dưới huyện Nghĩa Hưng, vùng  nông thôn tránh bom đạn.

 

Mấy ngày sau, người ta tìm thấy bà bị kẹt dưới hố tránh bom và bị đống đổ nát đậy kín. Bà còn sống nhưng bị ảnh hưởng sức ép của bom nên sức khỏe yếu đi nhiều. Nước mắt ông ngưng rơi.

 

Năm 1973, bà mới phát bệnh thần kinh. Điều trị tại bệnh viện tỉnh 2 năm thì bệnh thuyên giảm và bà cũng về mất sức. Năm 1978, bệnh của bà trở nên trầm trọng, các bác sỹ cũng phải lắc đầu.

 

Cứ vào những ngày mưa, sấm chớp càng lớn, bệnh của bà càng phát mạnh, bà nghe tiếng sấm sét tưởng tiếng bom. Căn nhà tranh của ông bà then cài cửa không đủ chắc chắn để cản lại cơn điên bà gánh chịu.

 

Suốt đêm cõng vợ dưới giếng lạnh

 

Có lần, giữa đêm mùa đông giá lạnh, bà lên cơn chạy ra ngoài và rơi xuống chiếc giếng mới đào chưa kịp xây thành. May mắn, vùng đồi núi nên nước trong giếng không sâu, chỉ ngang ngực. Ông nhảy theo xuống giếng và cho bà ngồi trên cổ. Hồi đó làng xóm còn thưa thớt, nhà nhà cách nhau xa nên tiếng kêu giúp đỡ của ông vọng lên chỉ màn đêm nghe được.

 

Lúc này, các con ông đã đi làm ăn xa, chỉ còn đứa con gái út đang tuổi ăn tuổi ngủ nên không nghe được tiếng cha gọi. Vậy là cả một đêm, ông dìu bà đứng dưới làn nước lạnh cóng, cho đến sáng sớm đứa con gái tỉnh dậy.

 

Gương mặt và cơ thể ông đầy những vết sẹo, dấu tích của những lần bà ném bát cơm, hắt nước sôi… Ông phải mua bát nhựa cho bà dùng để khi bà lên cơn mặt ông bớt chịu đựng. Trong nhà ông không dám để những đồ mà bà có thể biến nó thành “vật thể bay” bất cứ lúc nào.

 

Khổ nhất là chuyện vệ sinh của bà cụ, thích đâu bà “đi” ở đấy, rồi còn nghịch như đứa trẻ làm ông phải dọn. Rồi mỗi lần tắm rửa, cắt tóc, cắt móng chân móng tay, ông phải ngồi “nịnh” hàng giờ đồng hồ bà mới đồng ý.

 

Sáng nào ông cũng đi chợ mua bún, bánh đúc cho bà, đấy là những món bà thích từ thời con gái. Hôm nào không có hai món đấy là bà ấy đòi, không chịu ăn cơm và ông lại ngồi tỉ tê hàng giờ…

 

Khi các con lập gia đình ở xa, ông dành hẳn cho bà chiếc buồng, làm lại cửa để bà khỏi chạy khắp nơi. Nhưng những lúc nghe bà la khóc trong buồng, ông thương quá đành phải mở cửa cho bà chạy ra ngoài… và ông lại đi tìm về.

 

Lần bà bỏ đi lâu nhất là 3 ngày. Hôm đó ông ra chợ, không hiểu tại sao bà cậy được cửa và bỏ đi. Mấy bố con tá hỏa đi tìm khắp nơi không thấy. Nghe người này người kia, ông đi 40km xuống thành phố Thanh Hóa, đi 50km sang huyện bên nhưng vẫn bặt vô âm tín. Hôm sau trên đường về, ông gặp bà ở cách nhà gần 30km, hai chân sưng to vì đi bộ nhiều. 

 

“Nay thì bà ấy yếu rồi, ít chạy nhảy la hét lung tung hơn ngày trước, mà có chạy cũng không được lâu”, giọng ông chùng xuống.

 

Theo B.L.V
 Khoa học & Đời sống