Người đàn ông leo lên ngai vàng trong điện Thái Hòa quậy phá
(Dân trí) - Người đàn ông leo lên ngai vàng trong điện Thái Hòa, Đại nội Huế đã bị lực lượng bảo vệ khống chế, giao cho công an xử lý.
Tối 24/5, nguồn tin từ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho hay, một người đàn ông đã bị lực lượng bảo vệ của đơn vị khống chế, giao cho công an xử lý sau khi cố ý leo lên ngai vàng triều Nguyễn (Bảo vật quốc gia) đặt tại điện Thái Hòa, bên trong Đại nội Huế quậy phá.
Trước đó, người đàn ông này mua vé tham quan di tích, rồi xảy ra sự việc đáng tiếc nói trên. Các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.

Ngai vàng triều Nguyễn đặt tại điện Thái Hòa là Bảo vật quốc gia (Ảnh: Cao Tiến).
Ngày 24/5, mạng xã hội xuất hiện clip ghi cảnh một người đàn ông leo lên ngai vàng triều Nguyễn đặt tại điện Thái Hòa, rồi quậy phá.
Clip được cho là của một du khách nước ngoài quay lại khi đang tham quan điện Thái Hòa vào trưa cùng ngày.
Theo nội dung clip được đăng tải, người đàn ông có dấu hiệu không bình thường, đã vượt qua hàng rào bảo vệ, leo lên ngồi trên ngai vàng triều Nguyễn, miệng lảm nhảm nhiều câu, trước sự chứng kiến các du khách.
Sau đó, người này cởi bỏ áo, bẻ gãy phần bệ tì tay của ngai vàng thành nhiều khúc, đi lại xung quanh khu vực Bảo vật quốc gia tiếp tục quậy phá.
Theo thông tin trên trang chủ của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ngai vàng triều Nguyễn là biểu trưng cao nhất về quyền lực thời quân chủ. Đây là chiếc ngai cuối cùng trong lịch sử các triều đại ở Việt Nam còn được bảo tồn nguyên vẹn cho đến tận ngày nay.
Ngai vua triều Nguyễn được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong điện Thái Hòa, nơi nhà vua thiết đại triều mỗi tháng 2 lần vào ngày mồng 1 và ngày 15 âm lịch, cũng là nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng của triều đình, như lễ đăng quang của nhà vua, lễ sinh nhật, lễ tiếp kiến các sứ thần,...
Ngai được làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Phía trên ngai là bửu tán thếp vàng, chạm trổ hình rồng hết sức sinh động. Bên dưới là bệ ngai vàng với ba tầng bằng gỗ sơn son thếp vàng.
Ngai vàng triều Nguyễn được công nhận là Bảo vật Quốc gia Việt Nam năm 2015, hiện đặt tại điện Thái Hòa nhằm phục vụ du khách du lịch đến chiêm ngưỡng, tham quan và có hàng rào bảo vệ, cấm đến gần, sờ vào hiện vật.