Người đàn ông lấy nhựa làm gạch, hoàn thành giấc mơ có nhà của người nghèo
(Dân trí) - Với ước mơ mang đến những ngôi nhà giá rẻ, thân thiện với môi trường cho người dân nghèo ở quê hương, chàng trai quyết tâm khởi nghiệp bằng nhà máy sản xuất gạch làm từ rác thải nhựa tái chế.
18 năm trước, Nelson Boateng, đến từ Accra, Ghana phải kiếm tiền lo cho cha mẹ chữa bệnh và các em ăn học, nên xin làm việc tại một công ty tái chế nhựa ở phía đông thành phố. Công việc của anh là vận hành và sửa chữa máy đẩy rác thải.
Do anh chăm chỉ và cầu tiến, quản lý của Nelson Boateng rất hài lòng. Họ nhiệt tình dạy anh cách sửa chữa và chế tạo nhiều thiết bị máy móc. Mặc dù, bản thân không được đào tạo chính quy nhưng Nelson Boateng được cấp trên coi như kỹ sư chuyên nghiệp trong nhà máy. Bất cứ khi nào gặp sự cố, họ đều dẫn để tạo cho anh cơ hội được tiếp xúc và học hỏi cách giải quyết.
Trong thời gian làm việc tại công ty, Nelson Boateng rất trăn trở về việc tạo ra những sản phẩm tái chế để phục vụ mọi người, đặc biệt là những người dân quê hương anh. Đó cũng là cách để Nelson Boateng truyền cảm hứng sống xanh, yêu môi trường đến với nhiều người.
Sau 18 năm làm việc, Nelson Boateng xin nghỉ để khởi nghiệp với một nhà máy tái chế nhựa quy mô nhỏ tại Katamanso. Anh quyết định sẽ sản xuất một loại gạch giá rẻ được làm từ rác thải.
Gạch này nếu được dùng để xây dựng nhà sẽ giúp tiết kiệm chi phí đáng kể. Hiện tại, ở quê hương anh, việc có thể mua một căn nhà rất khó khăn, chưa nói đến việc xây dựng chúng. Giá nguyên vật liệu đắt đỏ khiến nhiều người không có điều kiện chỉ còn biết mơ ước.
Với kỹ năng và kinh nghiệm có được trong nhiều năm làm việc tại công ty, Nelson Boateng đã chế tạo chiếc máy đùn dùng để ép cát cũng như các loại rác thải, phục vụ cho quá trình tạo khuôn gạch. Nhựa sau khi tập trung về nhà máy của Nelson Boateng sẽ được những công nhân rửa sạch, khử trùng và nghiền nhỏ. Tiếp đến, chúng sẽ được trộn cùng cát theo tỷ lệ 30% rác, 70% cát. Hỗn hợp trên được đưa vào máy tạo khuôn để cho ra thành phẩm cuối cùng.
Nelson Boateng cho biết, đam mê tái chế nhựa được vun đắp từ những năm tháng làm việc tại công ty giúp anh quyết định phải tiếp tục nỗ lực, để giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nơi mình sinh sống. Dự án của Nelson Boateng cũng đang giúp khắc phục tình trạng thiếu nhà ở, trường học và thất nghiệp ở nơi này. Theo báo cáo, Ghana đã thải ra hơn một triệu tấn rác thải nhựa hàng năm, nhưng chỉ 5% trong số chúng được tái chế.
"Chúng tôi đang biến chất thải nhựa này thành vật liệu xây dựng mà người dân Ghana bình thường có thể mua được. Công ty cũng muốn sử dụng rác thải nhựa tái chế để xây nhà cho những người nghèo", Nelson Boateng chia sẻ. Sử dụng loại gạch này để xây dựng những căn nhà giá rẻ sẽ giúp Ghana giải quyết được tình trạng thiếu nhà ở, đồng thời loại bỏ các mối đe dọa từ rác thải nhựa cũng như tạo ra nhiều việc làm hơn cho người dân.
Hiện tại, công ty của Nelson Boateng đã xây dựng được nhiều căn nhà bằng gạch làm từ nhựa tái chế. Mỗi căn sử dụng 13,4 tấn rác thải. Những loại chai nhựa này chủ yếu thu nhặt từ các rãnh nước, ven đường hay ngoài đại dương. Chỉ với khoảng 11.000 USD (250 triệu đồng), người dân có thể xây dựng được một căn nhà khang trang, rộng rãi. Mức phí này là cực kỳ thấp so với việc xây dựng một căn nhà hoàn toàn bằng xi măng tại Ghana.
Các viên gạch được lồng vào nhau theo chiều ngang và chiều dọc bởi các khớp nối cũng làm từ nhựa tái chế. Nelson Boateng đã loại bỏ việc sử dụng vữa làm chất kết dính giữa những khối gạch. Phần sân của căn nhà cũng được sử dụng bằng gạch làm từ cát và rác thải, tuy nhiên, chúng có màu sắc sặc sỡ hơn để tạo điểm nhấn.
Nhìn vào chi phí xi măng và các vật liệu xây dựng khác ngày càng tăng ở Ghana thì việc sở hữu nhà giá rẻ trở thành một giấc mơ với nhiều người. Tuy nhiên, Nelson Boateng khẳng định, rác thải nhựa chính là thứ sẽ biến giấc mơ này thành hiện thực cho những người có thu nhập thấp.
So với các tòa nhà làm bằng gạch và vữa, những ngôi nhà được xây bằng gạch đan xen giữa nhựa và cát sẽ không bao giờ nứt và có thể tránh được ẩm ướt. Đặc biệt, khi có động đất hoặc lũ lụt, những viên gạch này có thể nở ra và co lại, không giống như các khối bê tông sẽ bị nứt vỡ hoặc sụp đổ.
Ngoài tiết kiệm chi phí, Boateng cho biết các ngôi nhà bằng gạch làm từ cát và nhựa còn rất mát mẻ do các lỗ rỗng trong gạch ngăn cản sự truyền nhiệt từ bên ngoài vào, góp phần làm giảm chi phí tiêu thụ điện năng.
Công ty của Nelson Boateng hiện tại có 64 nhân viên làm trực tiếp và 300 nhân viên làm gián tiếp, 98% trong số đó là phụ nữ. Họ phụ trách thu gom 20 tấn chất thải nhựa mỗi ngày. Tuy nhiên, do nhân sự còn hạn chế, một ngày công ty của Nelson Boateng chỉ có thể tái chế được 3 tấn rác thải. Trong thời gian tới, anh sẽ mở rộng quy mô và thành lập thêm các chi nhánh khác để có thể đưa loại vật liệu này đến với nhiều người khó khăn ở Ghana.