1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Tĩnh:

Người đàn ông gần 30 năm nấu cơm cho cán bộ trực lũ

(Dân trí) - Nhờ sức khỏe dẻo dai, lại khéo nấu nướng, nên mỗi khi lũ lớn bủa vây, ông lại trở thành đầu bếp lo những bữa cơm đạm bạc cho hàng chục con người có thêm sức trắng đêm canh lũ, bảo vệ an toàn cho bà con.

Rốn lũ Phương Mỹ, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh một ngày đầu tháng 11. Con sông Ngàn Sâu bình thường hiền hòa, mùa hè cạn trơ đáy có thể lội bộ, vậy mà dòng nước từ thượng nguồn hồ thủy điện Hố Hô cuồn cuộn đổ về khiến nó trở nên hung dữ. Nước lũ nhấn chìm toàn xã Phương Mỹ, có nơi ngập sâu đến 4m.

Hạnh phúc bé nhỏ của người đàn ông gần 30 năm nấu cơm cho cán bộ trực lũ.

5h chiều, chúng tôi có mặt tại trụ sở UBND xã. Nơi đây bình thường khá rộng rãi nhưng do lũ ngập tầng 1 nên tất cả đồ đạc, thiết bị, con người đều phải di chuyển lên tầng 2. Trong những căn phòng chật chội, đàn ông, phụ nữ ai cũng căng mình lo công việc. Người nối máy đến các thôn xóm nắm bắt tình hình cuộc sống. Người chỉ đạo cứu trợ không được để bà con gặp nạn, thiếu đói trong lũ. Lại có tốp chị em đang cẩn thận lên danh sách để ngày mai các đoàn cứu trợ bên ngoài vào phát quà cho các hộ dân.

Trong số hàng chục cán bộ xã, dân quân tự vệ có mặt tại đây, có một con người đang lặng lẽ làm một công việc tưởng như rất bình thường nhưng lại rất quan trọng. Đó là ông Hoàng Xuân Vân, 57 tuổi, người có gần 30 năm lo những bữa com cho cán bộ xã ngày đêm trực lũ.


Khi cán bộ xã đang tất bật công việc giúp dân đối phó mưa lũ thì ông Hoàng Xuân Vân lặng lẽ chuẩn bị bữa cơm tối cho cán bộ trực lũ ở tầng 2 trụ sở ủy ban xã.

Khi cán bộ xã đang tất bật công việc giúp dân đối phó mưa lũ thì ông Hoàng Xuân Vân lặng lẽ chuẩn bị bữa cơm tối cho cán bộ trực lũ ở tầng 2 trụ sở ủy ban xã.

Tất tần tật, từ lo nước sạch, dầu đèn, thực phẩm, đun nấu, đến rửa ráy dọn dẹp, một mình ông lo liệu. Mất điện nên đôi tay, đôi chân ông thoắt thoắt di chuyển để kịp lo bữa cơm tối cho mấy chục con người trước khi màn đêm buông xuống.


Bữa cơm mùa lũ cho mấy chục con người, trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, là công việc không hề đơn giản.

Bữa cơm mùa lũ cho mấy chục con người, trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, là công việc không hề đơn giản.

Mở nồi cá đồng kho thơm phức, ông bảo, do lũ dữ bủa vây khó khăn đi lại, nên mấy ngày rồi cán bộ xã trực lũ chỉ ăn toàn cơm cà, tép khô, canh rau tạm bợ, có khi là những miếng lương khô và nước khoáng của đoàn cứu trợ mang đến. Thương anh em cán bộ quá vất vả nên sáng nay ông đã gọi điện nhờ người thân mua hộ ít cá dân thả lưới được trong lũ từ chợ Phúc Đồng, cách gần 10km.

“Mưa lũ thế này có khi anh em có gì ăn nấy, không ai kêu ca gì. Nhưng tôi hiểu anh em, nhất là những người đi xuồng cả ngày, mệt và vất vả lắm. Vì thế tôi muốn trong điều kiện có thể phải lo chu đáo cho anh em có cái ăn để có sức chống chọi với lũ, lo cho bà con. Họ có sức thì mới lo được cho bà con phải không nào”- ông Vân trò chuyện.

Đợi mọi người xong việc, ông tiết lộ, việc trở thành người lo những bữa cơm trực lũ gần 30 năm nay ở trụ sở xã như là cái duyên, đến với một một cách rất tình cờ.

Gần 30 năm trước, khi mới chân ướt chân ráo về nhận công việc địa chính của xã, cũng là lúc trận lũ lớn tràn về. Là lính trẻ, lại có sức khỏe, chàng trai Hoàng Xuân Vân xung phong vào bếp lo bữa ăn tạm bợ mùa mưa lũ. Bữa ăn chỉ đạm bạc nhưng ai cũng khen. Và thế là từ đó, như được mặc định, cứ mỗi lần lũ bủa vây, ông lại nghiễm nhiên trở thành đầu bếp lo cơm nước cho mấy chục con người đêm hôm trực lũ.


Để có nước sạch nấu cơm, ông phải nhờ người chèo thuyền cả vài tiếng đồng hồ đến một vài gia đình có trữ nước sạch để xin hoặc mua lại.

Để có nước sạch nấu cơm, ông phải nhờ người chèo thuyền cả vài tiếng đồng hồ đến một vài gia đình có trữ nước sạch để xin hoặc mua lại.

Trò chuyện với những người cán bộ xã ở đây, ai cũng thán phục trước sự tận tình, trách nhiệm của người đầu bếp già. “Cái chi với vùng lũ lúc này ăn cũng ngon. Mà bác ấy nấu có khi chỉ nắm tép, canh rau vặt với cơm cà thì lại càng ngon nữa. Lũ về, có bác ấy chúng tôi ấm lòng hơn để lo cho bà con” – ông Phan Đình Quân, Bí thư xã Phương Mỹ bày tỏ lời thán phục.

Còn ông Nguyễn Hữu Tình, Phó Công an xã, thì mãi nhớ những nắm cơm đùm nóng hổi với vừng lạc, tép kho, mà bác Vân luôn chuẩn bị sẵn cho những người trực ở các thôn không thể về trụ sở. “Chúng tôi phần bị lũ bủa vây đi lại khó khăn, phần bận phải ở lại các thôn cùng bà con đối phó với lũ. Mỗi lần như thế, biết chúng tôi cả ngày chỉ có mì tôm sống với nước khoáng, bác ấy lại gói cơm đùm, ít thức ăn, tranh thủ có ghe xuồng về các thôn là gửi cho chúng tôi. Những nắm cơm giữa lũ như thế thật ấm lòng. Trách nhiệm, tận tình như thế, nên ở đây ai cùng cũng quý mến bác ấy” – ông Tình bày tỏ.

Mâm cơm đạm bạc giữa lũ cho gần 30 con người, trong đó có cả một số người dân đến nghỉ qua đêm tại trụ sở ủy ban xã, vừa chuẩn bị xong. Mấy chục con người bắt đầu quây quần trong bữa cơm tối trực lũ ấm cúng. Sau bữa cơm vội ấy, những người cán bộ xã lại tất tả lo lắng cho người dân đang dập dềnh với nước lũ trắng trời...

Văn Dũng