1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Hà Nam:

Người đàn ông bại liệt làm công nhân nuôi vợ tâm thần

(Dân trí) - Bệnh tật có thể cướp mất đi đôi chân, nhưng không thể đánh gục được ý chí và nghị lực của anh. Bản thân bị tật nguyền nhưng gần chục năm nay, một tay anh đi làm nuôi vợ bị tâm thần và hai con đang tuổi ăn học.

Trong một lần công tác ở xã La Sơn, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, chúng tôi được nghe kể về câu chuyện cổ tích của người đàn ông bại liệt đôi chân nhưng hàng ngày vẫn chăm chỉ đi làm công nhân, cách nhà hơn 10km để kiếm tiền về nuôi vợ thần kinh và hai con đang tuổi ăn học. Đó là câu chuyện cảm động của anh Nguyễn Văn Trượng (SN 1975).

Tuổi thơ nghiệt ngã của chàng trai ham học

Tìm đến nhà anh Trương trong một buổi chiều đầu hạ, do đang là thời điểm anh Trương đi làm tại công ty may 10, để gặp được anh chúng tôi phải đợi đến lúc xế chiều. Nhìn cảnh anh khó nhọc lúc xuống xe rồi phải bò lê lết giữa nền nhà, nhưng hàng ngày vẫn đến công ty cách 10 km để đi làm, chúng tôi mới thấm thía được nỗi cực nhọc và vất vả của người đàn ông này.

Sau mỗi buổi đi làm ở công ty, anh Trượng tranh thủ về nhà nhận cắt may quần áo kiếm thêm thu nhập.
Sau mỗi buổi đi làm ở công ty, anh Trượng tranh thủ về nhà nhận cắt may quần áo kiếm thêm thu nhập.

Sinh ra trong gia nghèo khó, nhà có bốn anh chị em, anh Trượng là con thứ ba trong gia đình. Lúc nhỏ anh cũng bình thường, bụ bẫm đáng yêu như bao đứa trẻ khác, nhưng tai họa bất ngờ ập xuống khi anh được gần 4 tháng tuổi không may bị trúng phải gió độc, chân tay bỗng dưng trở lên đau đớn, teo tóp dần. Mặc dù đã được gia đình đưa đi khắp các bệnh viện để chữa trị nhưng đôi chân anh cứ teo tóp dần dần, đến năm 8 tuổi đôi chân anh bại liệt hoàn toàn.

Hàng ngày, thấy đám bạn cùng xóm cắp sách tới trường. Trượng thèm được cùng đám bạn vui chơi, nô đùa, được đi học. Thấy em mình bệnh tật nhưng ham học, nên cứ đến giờ đi học người anh trai cõng em đến lớp đều đặn không bỏ ngày nào. Học đến năm thứ 3, Trượng thôi học vì mặc cảm cá nhân sợ không bằng bạn bằng bè.

Xa trường, xa lớp, xa bạn bè, thầy cô, với Trượng nó như một vết thương in hằn trong tâm hồn vốn đã khuyết tật của mình. Cả ngày Trượng chỉ nằm trên chiếc giường cũ kỹ cùng mấy quyển sách, vở viết lúc trước ngắm nghía lại. Những lúc như thế Trượng lại nghĩ tiêu cực hơn, đôi lúc muốn thoát khỏi cái cuộc sống mà mình như người vô dụng.

Mỗi ngày anh Trượng vượt qua chặng đường hơn 10km để đến công ty làm việc.
Mỗi ngày anh Trượng vượt qua chặng đường hơn 10km để đến công ty làm việc.

Anh Trượng tâm sự: “Giờ nhớ lại chuyện bỏ học và những suy nghĩ tiêu cực lúc bấy giờ, tôi mới thấy mình thật nông nổi và hối tiếc rất nhiều… Nếu cho tôi được trở lại tôi sẽ cố gắng theo học đến cùng”.

Năm 2000, trong một lần tình cờ, Trượng biết đến một lớp chuyên đào tạo nghề may dành cho những người bị khuyết tật ở trong xã. Trượng đã đăng ký đi học may, nhằm tìm kiếm cơ hội và muốn chứng minh mình không phải là người vô dụng. Đôi chân không đi được, nhưng đôi tay và khối óc của anh vẫn kiên trì chứng minh bản thân mình. Trượng đã cố gắng lê lết ra khỏi giường và dần tập bò đi. Những ngày đầu khổ luyện, đôi bàn tay yếu ớt bị sưng vù, đỏ hoe do phải vận chuyển cả thân thể.

Niềm tin và nghị lực của anh đã được đền đáp xứng đáng, mặc dù khóa học diễn ra một năm, nhưng chỉ rong vòng 6 tháng Trượng đã có thể may khá thành thạo đúng yêu cầu và kỹ thuật. Khóa học kết thúc, Trượng vinh dự trở thành học viên xuất sắc nhất và được hội người khuyết tật giữ lại vừa may, vừa làm thầy một thời gian.

Nuôi vợ tâm thần, 2 con ăn học

Sau ít năm làm việc ở lớp nghề, anh Trượng xin nghỉ rồi về nhà mở một quán may quần áo, cũng chính từ lúc này anh nên duyên vợ chồng với chị Đinh Thị Lây (SN 1971) hơn anh 4 tuổi. Hạnh phúc càng nhân lên khi hai cháu Nguyễn Thị Thúy (SN 2000) và Nguyễn Thị Thảo (SN 2004) lần lượt chào đời. Cuộc sống tuy có khó khăn vất vả nhưng gia đình lúc nào cũng đong đầy hạnh phúc.

 Ước mơ của anh bây giờ là xây lại căn nhà vững chắc hơn căn nhà hiện tại.
 Ước mơ của anh bây giờ là xây lại căn nhà vững chắc hơn căn nhà hiện tại.

Cứ ngỡ cuộc sống cứ yên bình trôi qua, nhưng vào năm 2007, chị Lây bỗng dưng mắc bệnh thần kinh, suốt ngày nói lăng lảm nhảm, đôi lúc mất trí nhớ không biết mình đang làm gì, ở đâu… Trong khi đó, anh Trượng lại mắc thêm căn bệnh viêm tai giữa, khiến cuộc sống của gia đình vốn đã khó khăn lại chồng chất khó khăn.

Mặc dù gia đình túng khó, nhưng trong lòng anh nghĩ mình còn có cái nghề trong tay, không sợ đói, cũng không thể vì khó khăn mà đi đi xin ăn được; phải tự mình đứng dậy nuôi vợ và các con. Vậy là anh quyết định xin vào làm ở công ty may cách nhà hơn 10km để lo cho gia đình. Lúc nào chị Lây tỉnh táo thì chị sẽ chở anh đến công ty đi làm, còn hôm nào chị phát bệnh thì anh phải nhờ người đưa đi.

Làm đến tháng thứ 3, anh tằn tiện tích góp và vay mượn thêm mua được chiếc xe lăn hơn 2 triệu đồng, để tự mình đi đến công ty chứ không phải nhờ vợ hay người khác nữa. Vì cách công ty tới hơn 10km, nên hàng ngày từ 4h sáng anh đã phải dậy chuẩn bị đồ đạc rồi đến công ty đi làm.

Sau mỗi ngày làm việc ở công ty, tối về anh tranh thủ nhận cắt, sửa quần áo cho mọi người kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Nhiều người đến sửa quần áo, thấy hoàn cảnh của họ khó khăn nên anh chỉ sửa giúp chứ cũng chẳng lấy tiền.

Anh Trượng tâm sự: “Cùng là dân lao động với nhau nên kiếm được đồng tiền khó lắm, không phải là chuyện dễ dàng gì. Còn tiền thì tiêu bao nhiêu chả hết. Sống làm sao phải có chữ tình ở đời các chú ạ! Mình khó khăn, nhưng nhiều người còn khó khăn hơn”.

 Còn khỏe ngày nào, anh Trượng sẽ chăm lo cho vợ con ngày ấy.
 Còn khỏe ngày nào, anh Trượng sẽ chăm lo cho vợ con ngày ấy.

Do không có điều kiện về kinh tế nên căn bệnh viêm tai giữa của anh vẫn không được chữa trị dứt, bệnh tình ngày càng nghiêm trọng hơn. Không tiền cầm chừng bệnh, anh đành phó thác cho số phận.

Ông Vũ Mạnh Cường, Trưởng thôn Tập Mỹ, xã La Sơn, cho biết: “Cả xã ai cũng biết và khâm phục nghị lực của anh Trượng, bản thân vốn là người tàn tật nhưng một mình anh Trượng cáng đáng cả gia đình, hàng xóm láng giềng ai cũng quý trọng và yêu mến”.

Ra về khi trời đã tối muộn, chúng tôi thầm cảm phục về nghị lực của anh Trượng bởi câu nói: “Tôi còn khỏe mạnh ngày nào thì vẫn lo cho vợ, cho con chu đáo. Ước mơ của tôi bây giờ là xây được căn nhà ngói vững chắc để có được chỗ cho hai đứa nhỏ để học bài. Tôi tin rằng tôi sẽ làm được”.

Đức Văn