1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hậu Giang:

Người dân mất ăn mất ngủ vì lo nhà bị "nuốt"

(Dân trí)- Nhiều hộ dân có nhà bị sụp xuống sông cũng như các hộ dân sống xung quanh khu vực bị sạt lở ở ấp Thạnh Lợi A1, xã Tân Long (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) mấy ngày nay “mất ăn mất ngủ” vì lo nguy cơ khu vực này sẽ tiếp tục bị sạt lở thêm.

Vụ sạt lở vào sáng sớm ngày 7/6 kéo theo nhiều phần nhà dân xuống sông ở xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) dù không gây thiệt hại về người nhưng đã khiến người dân hết sức bàng hoàng. Đã hơn 2 ngày trôi qua, nhưng các hộ dân vẫn còn “ám ảnh” đến nỗi mất ăn mất ngủ vì lo sợ khu vực sạt lở này sẽ tiếp tục “nuốt” nhà của họ.

Sạt lở ăn sâu vào tận bên trong nhà dân.
Sạt lở ăn sâu vào tận bên trong nhà dân.


(Thực hiện: Huỳnh Hải)

Tiếp xúc với PV Dân trí, bà Nguyễn Thị Châu (ngụ ấp Thạnh Lợi A1) vẫn còn thất thần bởi chút nữa sạt lở không chỉ kéo nhà bà xuống sông mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng những người trong gia đình bà. Bà Châu kể, khoảng 6h sáng 7/6, bà đi vệ sinh thì thấy có vết nứt lớn trên tường nhà. Thấy có dấu hiệu bất thường nên bà Châu gọi người nhà xuống dọn đồ đạc lên nhà trên. Nhưng gia đình bà chưa kịp dọn thì bất ngờ có mấy tiếng nổ rồi cả một phần nhà bà bị kéo ụp xuống sông.

“Lúc đó, cả nhà chỉ biết chạy và chạy để thoát thân. Chưa được 10 phút thì cả khu vực này khoảng 7, 8 căn nhà đều bị chìm xuống sông hết. Ông nhà tôi bị tật đã phải lết hết sức mới thoát nạn”, bà Châu bàng hoàng kể lại.

Bà Châu mất ăn mất ngủ vì vụ sạt lở gây thiệt thại nặng cho căn nhà.
Bà Châu mất ăn mất ngủ vì vụ sạt lở gây thiệt thại nặng cho căn nhà.

Bà Châu cho biết, thời điểm đó, một người con của bà đang ngủ trên gác nhà sau cũng sém chút nữa là nguy hiểm đến tính mạng. “Con nó thường hay ngủ dậy trễ nên lúc đó nó vẫn còn đang ngủ. Khi tui nghe mấy tiếng nổ là biết có chuyện chẳng hay xảy ra nên la lên nó mới thức kịp chạy xuống dưới an toàn”, bà Châu nhớ lại.

Sạt lở kéo theo một phần nhà sau của bà Châu xuống sông, đã ảnh hưởng cả căn nhà mà bà vừa mới làm để ở. Bà Châu cho hay, phần đất của khu vực này giờ rất yếu nên có thể sẽ tiếp tục bị sạt lở nên bà đành cho phá dỡ, đập bỏ cả căn nhà của mình. “Nói thiệt là thấy cảnh tượng nhà cửa, đồ đạc bị vùi xuống sông tui ám ảnh đến giờ. Cả mấy đêm qua tui không ngủ được, cứ nghe tiếng động gì là giật mình thức sợ bị sạt lở nữa nên cứ thức trắng”, bà Châu tỏ vẻ mệt mỏi nói.

Vụ sạt lở khiến phần đất nhà sau bị ảnh hưởng nên hộ bà Châu đành cho phá nhà sau để an toàn.
Vụ sạt lở khiến phần đất nhà sau bị ảnh hưởng nên hộ bà Châu đành cho phá nhà sau để an toàn.

Hộ của ông Trần Anh Dũng kế bên nhà bà Châu cũng bị “nuốt” mất một phần nhà sau. Toàn bộ nhà vệ sinh, bếp cùng nhiều đồ dùng để ở nhà sau đều bị chìm xuống sông. Trong đó, chỗ ông Dũng để mấy chuồng nuôi bồ câu cũng bị sạt lở làm hư hại tan tành khiến càng chục con bồ câu xổng chuồng bay mất.

Ông Dũng kể lại: “Vào thời điểm đó tui vừa thức đang ở nhà trên thì nghe tiếng nổ phía sau nên chạy xuống đến chỗ giáp nhà trước và nhà sau thì thấy cảnh tưởng hết sức hãi hùng xảy ra là cả một phần nhà sau của mình bị kéo xuống sống hết. Tui phải chạy ngược lên nhà trước vì sợ nó sụp luôn ở chỗ mình đang đứng”.

Vụ sạt lở khiến phần đất nhà sau bị ảnh hưởng nên hộ bà Châu đành cho phá nhà sau để an toàn.
Vụ sạt lở khiến phần đất nhà sau bị ảnh hưởng nên hộ bà Châu đành cho phá nhà sau để an toàn.
Nhiều hộ dân tạm thời cho cạy gạch lên đào lấy đất bỏ vào bao nhận chìm xuống đáy sông để tránh sạt lở thêm.

Ông Dũng cho biết, chỗ bị sạt lở ăn sâu vào bên trong khoảng 5m, từ mặt nền nhà xuống mặt nước sông cũng cả mét nên rất nguy hiểm. Ông Dũng cũng ước tính, độ sâu của chỗ bị sạt lở là rất lớn nên hầu như đồ đạc đều mất hút sau vụ sạt lở. Những đồ dùng nổi được thì trôi lềnh bềnh trên sông, ông cùng người dân trong khu vực đợi tình hình yên ắng mới dám bơi xuồng ra vớt lên.

“Sau vụ sạt lở, mấy đêm sau vợ chồng tui cũng chẳng ngủ yên vì cứ thấp thỏm lo nó sẽ lở nữa. Khu vực đất này đã rất yếu, có thể hụt chân ở tận bên trong nên chưa nói trước diễn tiến của nó sẽ thế nào. Giờ chỉ còn chờ đợi một thời gian xem sao rồi mới tính”, ông Dũng vẻ lo lắng nói.

Trong khi đó, hộ của bà Nguyễn Thị Lệnh cũng bị cuốn mất một phần nhà sau. Nền nhà của bà Lệnh hiện vẫn còn vết nứt khá dài kéo từ chỗ bị sạt lở đến tận bên trong. Bà Lệnh cho biết, vụ sạt lở khiến cả nhà mất ăn mất ngủ vì chưa biết nó còn lở nữa hay không. Mỗi khi bước ra nhà sau là lại thấp thỏm lo vì không biết dưới nền đất này yếu như thế nào. 

Còn hộ của bà Kim Chinh do nhà sau làm bằng ván (dạng nhà sàn) dù không bị ảnh hưởng nhiều của vụ sạt lở nhưng khi tiếp xúc với PV, bà Chinh cũng tỏ ra rất lo lắng. “Chỉ có mấy phút mà cả chục căn nhà bị sụp hết xuống sông, ghê lắm. Tui cũng chẳng dám ngủ vì lo không biết nó còn lở nữa hay không. Giờ cả nhà hạn chế ra nhà sau mà chỉ ở nhà trước cho an tâm”, bà Chinh nói.

Ngoài những hộ dân có nhà bị sụp xuống sông, nhiều hộ khác xung quanh dù chưa ảnh hưởng nhiều, chỉ xuất hiện những vết nứt nhưng các hộ dân đều tỏ ra rất lo lắng. Tuy nhiên, do đây là phần đất và là nơi sinh sống của họ bao lâu nay nên dù biết nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng họ chẳng biết đi đâu do không có đất ở chỗ khác. Một số hộ dân thì thẳng thắn rằng “sống ở khu vực gần bờ sông thì trời kêu ai nấy dạ” chứ chẳng biết làm gì hơn.

Nhiều nhà bị hụt chân và đất yếu nên nguy cơ sạt lở vẫn còn có thể xảy ra.
Nhiều nhà bị hụt chân và đất yếu nên nguy cơ sạt lở vẫn còn có thể xảy ra.
Nhiều nhà bị hụt chân và đất yếu nên nguy cơ sạt lở vẫn còn có thể xảy ra.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, trong mấy ngày qua, các hộ dân tất bật đào đất ngay trong nền nhà sau bỏ vào bao nhận chìm xuống dưới đáy sông để giữ chân đất tránh bị sạt lở thêm vào bên trong. Tuy nhiên, qua quan sát của PV, nền đất ở khu vực này là rất yếu, nhiều chỗ đất mềm, xốp nên rất dễ bị sụp tạo hàm ếch ăn sâu vào trong. Khi đó, nước sông ở khu vực này cũng chảy rất mạnh tạo thêm những chỗ xoáy làm cho đất dễ bị sạt hơn. Nhiều người dân cho biết, khu vực này cũng rất khó để khắc phục vì đất quá yếu nên việc nhận chìm bao đất xuống đáy chỉ là giải pháp tạm thời. 

Cho đến thời điểm này, các hộ dân vẫn chưa thống kê được thiệt hại xảy ra vì còn nhiều lo lắng. Trước tình hình trên, các ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đã yêu cầu các hộ dân đề cao cảnh giác để khi có sự cố bất ngờ xảy ra tránh thiệt hại nặng nề. Ngoài ra, với những chỗ bị sạt lở, các ngành chức năng cho biết sẽ cho theo dõi một thời gian để xem tình hình thế nào rồi mới có phương án xử lý.

                                                                                                Huỳnh Hải