Người dân lo ngại khi lắp mái che trên vỉa hè đường trung tâm TPHCM
(Dân trí) - Người dân địa phương và du khách cho rằng không cần thiết phải đầu tư hệ thống mái che kiên cố trên vỉa hè đường Lê Lợi (quận 1) vì yếu tố thời tiết.
Ngày cuối tháng 3, giữa thời tiết gần 35 độ C, người dân bàn với nhau nhiều hơn về việc lắp mái che ở tuyến phố trung tâm TPHCM. Nơi đây tập trung nhiều hoạt động cần đi bộ ngoài trời, phần lớn là khách du lịch đi tham quan.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, hiện trạng tuyến đường Lê Lợi (quận 1) mới tái lập, chưa thể bố trí ngay quang cảnh cây và mảng xanh đủ lớn, đủ dày để tạo bóng mát cho vỉa hè như trước. Do đó, giải pháp hiện nay là tăng cường mái che, vừa che nắng, che mưa, tạo không gian đi bộ thuận lợi cho thương mại, du lịch.
Người đồng tình, người nói chưa thực sự cần
Dưới góc độ của khách du lịch, Lena và Chloe (người Pháp) mới đến TPHCM vài ngày cho rằng, không cần thiết phải có mái che ở đường Lê Lợi.
"Đoạn đường khá ngắn, chúng tôi đi bộ một lúc là hết. Tôi không nghĩ cần phải đầu tư mái chỉ để che nắng đoạn đường này", Chloe nói.
Khi được hỏi nếu gặp trời mưa, cô bạn Lena đi cùng cho biết sẽ tạm vào hàng quán bên đường hay trung tâm thương mại, coi như nghỉ chân một chút. "Khách du lịch thường không vội vã", Lena nói.
Còn anh Konstantin Gorgen (người Đức) và chị Eleanor McSweeney (người Ireland) nêu cảm nghĩ, họ thấy ý tưởng mái che khá hay. Tuy nhiên nếu chú trọng vào mục đích bóng mát cho người đi bộ thì họ đề xuất cần nhiều cây xanh hơn là thêm sắt thép, bê tông để xây dựng hệ thống che mát nhân tạo.
Ngoài ra, nhiều du khách quan ngại về vấn đề mái che sẽ làm mất tầm nhìn cảnh quan.
Khí hậu chủ đạo ở TPHCM là nắng nóng vào ban ngày và mát mẻ lúc chiều tối. Tại đường Lê Lợi có nhiều tòa nhà cao tầng, dãy nhà 2-3 tầng hai bên. Vào khoảng thời gian trước 11h và sau 14h, từng bên vỉa hè lần lượt có bóng râm đổ xuống từ các dãy nhà, tòa nhà.
Dưới góc độ của người dân có nhu cầu đi bộ trên tuyến phố này, anh Công Quang (nhân viên văn phòng làm việc tại tòa nhà Saigon Centre) ủng hộ dự án làm mái che. Song, anh đề xuất ý tưởng làm mái che di động.
Anh Quang giải thích, dựa vào thời tiết ở thành phố, mái che chỉ cần thiết vào buổi trưa đến đầu chiều là thời điểm nắng nóng nhất, có tác dụng che chắn cho người đi bộ, vừa có thể làm giảm nhiệt hấp thụ xuống bê tông, hoặc lúc trời mưa.
"Đoạn đường không quá dài, do đó, tôi nghĩ có thể dùng cách thủ công là kéo mái che ra vào theo biến đổi thời tiết. Còn việc thực hiện, có thể nhờ lực lượng dân quân tự vệ của khu phố, hoặc thống nhất với các chủ cửa hàng kinh doanh trên vỉa hè", anh này nói.
Ở một khía cạnh khác, những tài xế xe ôm, người bán hàng rong, người đi bộ, du khách dừng chân nghỉ có xu hướng nép vào bóng mát từ tán cây, mái che hàng quán, bóng tòa nhà đổ xuống.
"Bóng mát hiện nay không quá nhiều và thay đổi vị trí liên tục theo ánh mặt trời chiếu, người ta sẽ không nán lại quá lâu. Nếu có mái che mát cả ngày, tôi đoán chắc cánh hàng rong và người dân sẽ 'đóng cọc' ở đây, không tránh khỏi cảnh ngồi nằm la liệt, xả rác, ùn ứ, nhếch nhác vỉa hè", chủ một cửa hàng kinh doanh trên phố Lê Lợi nêu ý kiến phản đối.
Theo ý kiến của ông Michael Nguyễn Minh là công dân Singapore gốc Việt, chuyên gia kinh tế tài chính, tốt nghiệp Học viện Quản lý châu Á, Học viện Ngân hàng Tài chính Singapore, dự án làm mái che vỉa hè ở đường Lê Lợi có quy mô khiêm tốn, nhưng lại nhận được ít sự đồng tình của dư luận.
Đa số lý do phản đối là mái che sẽ gây mất mỹ quan của kiến trúc cổ điển đặc thù của đường phố, cần thời gian và chi phí đầu tư cao cho việc thiết kế, xây dựng, bảo trì, vệ sinh. Một số khác lo lắng về các quy định an toàn giao thông và an toàn của vật liệu dùng để xây mái che.
"Đã làm thì phải đẹp"
Trao đổi với phóng viên Dân trí, KTS Ngô Viết Nam Sơn, người từng tham gia công tác quy hoạch tại nhiều thành phố trên thế giới có nhiều điểm tương đồng với TPHCM cho rằng, đường Lê Lợi là trục trọng điểm ở trung tâm thành phố về giao thông và cảnh quan.
Do đó, cái mái che cũng cần được tính toán sao cho không ảnh hưởng đến giá trị của con phố, đặc biệt sau khi metro hoàn thành sẽ thu hút lượng lớn người đi bộ, khách du lịch.
"Đừng quên là hiện trạng tầng trệt của các công trình hai bên đường Lê Lợi có chiều cao không đồng nhất. Nếu làm mái che trước hết phải tính đến yếu tố phù hợp với công trình hai bên, sao cho hài hòa công trình cũ và mới, chiều cao, chất liệu, cảnh quan… Việc này cần phải có sự nghiên cứu thiết kế đô thị, cho ra mô hình mẫu để làm phép thử", KTS Nam Sơn nói.
Cùng quan điểm cần có phép thử, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TPHCM cho rằng nên đưa ra nhiều mẫu thiết kế mái che để các chuyên gia và người dân bình chọn, đánh giá mức độ phù hợp.
"Thành phố có thể kêu gọi các nhà thiết kế, kiến trúc sư thử vẽ ra các mẫu để lựa chọn. Trước hết làm thử mái che vài đoạn, mỗi đoạn 5-10m thôi, chờ xem hiệu quả thế nào. Đã làm thì phải đẹp", ông Nguyễn Minh Hòa nhấn mạnh.
Mặt khác, KTS Ngô Viết Nam Sơn đánh giá tuyến đường Lê Lợi đang thiếu mảng xanh, cần thêm cây xanh để làm hài hòa cảnh quan và hạ nhiệt khu phố.
"Trước đây nơi này toàn cây cao tạo bóng mát tự nhiên, bị dời đi khi xây dựng metro, nay tái lập mặt bằng rồi cũng nên trả lại cây về chỗ cũ", KTS nói.
Tuy nhiên, cả hai vị chuyên gia đều cho rằng, cấu trúc khu vực này đã khác, bên dưới là không gian ngầm, nên khi tính đến chuyện trồng cây để có bóng mát thì không mấy khả quan, cần có phương án khác, không thể trồng gì cũng được.
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, nếu trồng thêm cây thì chỉ nên dùng loại cây tầm thấp có rễ chùm mỏng đâm vào đất không quá sâu. Trồng cây tầm cao để tỏa bóng mát thì phải dùng cây rễ cọc, mà rễ cọc ăn sâu sẽ ảnh hưởng đến công trình bên dưới đồng thời cũng không đủ độ sâu cho cây bám, dễ bật gốc khi mưa bão.
"Chỉ cần thêm các thảm cỏ cũng góp phần giảm cái nóng cho con phố rồi", hai chuyên gia đề xuất.