1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người dân lo lắng dự án nhà máy xử lý rác gây ô nhiễm

Hoàng Dũng

(Dân trí) - Nhiều người dân ở xã Hòa Phong (Mỹ Hào, Hưng Yên) chưa đồng tình với chủ trương xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn ở địa phương vì lo lắng sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Lo lắng dự án gây ô nhiễm môi trường

Theo phản ánh của nhiều người dân sinh sống tại xã Hòa Phong (Mỹ Hào, Hưng Yên), khu đất trồng lúa phía Bắc của xã này đã được UBND tỉnh Hưng Yên cấp quyết định chủ trương đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn. Tuy nhiên, dự án này đang vấp phải sự phản đối của người dân khu vực vì nỗi lo gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và sản xuất.

Người dân lo lắng dự án nhà máy xử lý rác gây ô nhiễm - 1

Khu đất dự kiến sẽ xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn. (Ảnh: Hoàng Dũng).

Ông Vũ Quang Xạ (ở thôn Hòa Đam, xã Hòa Phong, Mỹ Hào - Hưng Yên) cho biết, người dân không đồng tình do chính quyền có chủ trương xây dựng dự án xử lý rác thải gần khu dân cư.

"Dự án xây dựng gần khu dân cư khiến chúng tôi lo lắng sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường sống, đến nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân", ông Xạ nói.

Người dân lo lắng dự án nhà máy xử lý rác gây ô nhiễm - 2

Ông Vũ Quang Xạ bày tỏ lo lắng dự án sẽ gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Hoàng Dũng).

Cũng giống như ông Xạ, ông Vũ Xuân Vần (ở cùng thôn) nhấn mạnh, khu vực tỉnh sắp xây nhà máy xử lý rác có khoảng cách quá gần khu dân cư thôn Hòa Đam. Ông Vần bày tỏ lo lắng dự án sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và phát triển kinh tế địa phương.

Trước lo lắng trên, theo ông Xạ, lãnh đạo huyện Mỹ Hào đã tổ chức cuộc họp có sự tham dự của Chủ tịch xã Hòa Phong và đại diện các hộ dân "đứng đơn" kiến nghị để giải đáp các vấn đề xung quanh dự án trên.

"Tại cuộc họp đó lãnh đạo cũng chỉ trả lời chung chung, chưa thấu đáo. Lãnh đạo trả lời khoảng cách của dự án đến khu dân cư vẫn đảm bảo, đúng quy định, nhưng người dân vẫn không đồng tình, nhất trí. Chúng tôi lo lắng dự án sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường không khí, nguồn nước", ông Xạ nói thêm.

Khi đánh giá tác động môi trường sẽ tham vấn ý kiến cộng đồng

Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trịnh Văn Diễn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên cho biết, năm 2019, UBND tỉnh Hưng Yên đã cấp quyết định chủ trương đầu tư Dự án Khu xử lý chất thải Hòa Phong ở xã Hòa Phong, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Những năm qua, "điểm nghẽn" thu hút đầu tư của Hưng Yên là do khâu giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, dự án này cũng thuộc diện chậm, muộn triển khai.

Dự án Khu xử lý chất thải Hòa Phong là dự án "kinh doanh có điều kiện". Theo ông Diễn, bình thường các dự án khác triển khai đều phải có đánh giá tác động môi trường, nhưng dự án này việc đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Do đó, chủ đầu tư dự án sẽ phải làm hồ sơ gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để thẩm định đánh giá tác động môi trường.

"Cách đây ít ngày, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, tôi và lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên đã về xã Hòa Phong đối thoại với nhân dân về dự án này. Bà con nói vị trí đặt nhà máy gần khu dân cư, lo lắng gây ô nhiễm môi trường nên không đồng tình. Với 2 vấn đề này, chúng tôi đã giải đáp và cơ bản bà con đều đồng ý với nội dung trả lời tại cuộc đối thoại", ông Diễn nói.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên nói thêm, người dân lo lắng khoảng cách từ dự án đến vị trí nhà dân gần nhất chỉ khoảng 150m. Tuy nhiên, vị trí nhà dân cách dự án khoảng 150m chỉ có 3-4 hộ dân, theo điều tra ban đầu đây là đất trang trại và chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Theo quy định, khu dân cư phải là nơi tập trung nhiều hộ dân sinh sống, vài hộ dân không được gọi là khu dân cư.

Người dân lo lắng dự án nhà máy xử lý rác gây ô nhiễm - 3

Theo ông Diễn, tại vị trí một số nhà dân (khoanh đỏ) mà người dân phản ánh chỉ cách dự án khoảng 150m là đất trang trại, đất không có sổ đỏ, không gọi là khu dân cư. (Ảnh: Hoàng Dũng).

Ông Diễn khẳng định, khoảng cách từ dự án đến khu dân cư đảm bảo đúng theo quy định tại Thông tư số 01 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng của Bộ Xây dựng.

Phóng viên đặt vấn đề, tại sao tỉnh Hưng Yên không tính toán xây dựng nhà máy xử lý rác ở nơi khác, có thể "đặt" ở trong khu, cụm công nghiệp để tách biệt hoàn toàn với các khu dân cư? Ông Diễn cho biết, năm 2018 UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành quyết định về việc bổ sung vị trí Khu xử lý chất thải rắn Hòa Phong vào quy hoạch quản lý chất thải rắn của tỉnh đến năm 2025. Do đó, vị trí xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn tại xã Hòa Phong là hoàn toàn đúng quy hoạch sử dụng đất.

"Quá trình phát triển kinh tế, tỉnh Hưng Yên xác định 3 trụ cột, đó là công nghiệp, đô thị và nông nghiệp sạch. Trong công nghiệp thì đương nhiên sẽ có chất thải, do đó, tỉnh phải quy hoạch nơi để xử lý các chất thải này. Chất thải của tỉnh không thể mang đi chỗ này, chỗ kia để xử lý được. Chúng ta phải sống và làm việc theo quy định của pháp luật, quy hoạch như nào thì mình phải tôn trọng", ông Diễn nói.

Ngoài ra, trước thông tin người dân cung cấp cho phóng viên về việc, cũng tại khu đất trên, khoảng năm 2019, Chủ tịch xã Hòa Phong đã ký một văn bản có nội dung "không triển khai dự án xử lý rác", ông Diễn cho biết, có thể thời điểm đó vị chủ tịch xã chịu "sức ép" nào đó từ phía người dân nên ký văn bản trái luật. Theo ông Diễn văn bản này không có giá trị pháp lý vì dự án phải do cấp tỉnh quyết định.

Người dân lo lắng dự án nhà máy xử lý rác gây ô nhiễm - 4

Dự án còn phải đánh giá tác động môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện, trong đó có tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư. (Ảnh: Hoàng Dũng).

Ông Diễn cho biết thêm, hiện dự án trên mới đến giai đoạn chuẩn bị thu hồi đất, còn một vấn đề "sống còn" đó là khâu đánh giá tác động môi trường sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường sẽ có khâu xin ý kiến cộng đồng dân cư.

Được biết, với dự án trên, UBND tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát lại toàn bộ quy trình thực hiện và báo cáo về UBND tỉnh.

Theo nội dung trong quyết định chủ trương đầu tư của tỉnh Hưng Yên, dự án khu xử lý chất thải Hòa Phong xây dựng nhằm thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải công nghiệp (không tái chế nhựa, không xử lý rác thải sinh hoạt, không xử lý chất thải nhà nước cấm).

Quy mô dự án: Xử lý chất thải công nghiệp 65.000 tấn/năm; xử lý nước thải công nghiệp 140.000m3/năm; sản xuất gạch block hóa rắn 16 triệu viên/năm; nhôm thỏi 3.500 tấn/năm.

Tại khoản 3, điều 3 của quyết định này có nội dung: Nhà đầu tư phải nghiêm túc chấp hành các biện pháp bảo vệ môi trường, thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung đăng ký tại hồ sơ dự án, báo cáo đánh giá tác động môi trường khi được phê duyệt; đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực dự án; phải hoàn toàn chịu trách nhiệm chi trả các khoản chi phí khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường cũng như dừng hoạt động của dự án nếu vi phạm.