1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người dân kỳ vọng dải phân cách cứng sẽ "giải cứu" đường Nguyễn Trãi

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Người dân hi vọng sau khi dựng dải phân cách tách làn riêng trên tuyến đường Nguyễn Trãi, tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông tại đây sẽ giảm.

Đêm 5/8, 748m dải phân cách phục vụ công tác tổ chức lại giao thông đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) đã được triển khai lắp đặt. Người dân hi vọng sau khi được tổ chức lại, một trong những tuyến đường có mật độ phương tiện gây ám ảnh nhất Hà Nội hiện nay sẽ được "giải cứu".

Người dân kỳ vọng dải phân cách cứng sẽ giải cứu đường Nguyễn Trãi - 1

748m dải phân cách phục vụ công tác tổ chức lại giao thông đường Nguyễn Trãi đã được triển khai lắp đặt đêm 5/8 (Ảnh: Mạnh Quân).

Song một số ý kiến lo ngại, việc lắp đặt dải phân cách sẽ trở thành cái "bẫy" giữa đường, người dân rất dễ đâm vào dải phân cách. Nhiều người có ô tô sinh sống trên đường Nguyễn Trãi thắc mắc khi lắp dải phân cách, họ muốn chuyển làn để về nhà như thế nào.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bạn Ngô Hải Yến (22 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi thấy việc phân làn trên tuyến đường này là điều rất cần thiết bởi trong thời gian sắp tới, khi sinh viên lên Hà Nội nhập học, sinh viên đi học trở lại, lưu lượng giao thông sẽ dày đặc hơn.

Tôi cũng như nhiều người hi vọng sau khi dựng dải phân cách tách làn riêng ô tô, xe máy, sẽ giúp hạn chế ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm và giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông".

Bạn Hải Yến cũng chia sẻ, bạn đã từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn trên tuyến đường này do đi không đúng làn đường. Tuy nhiên, để biết việc dựng dải phân cách phân làn có hiệu quả hay không thì cần có thời gian để người dân có thể thích nghi. Lâu nay mọi người đã có thói quen đi lẫn lộn các làn đường, làn nào vắng là lao vào.

Người dân kỳ vọng dải phân cách cứng sẽ giải cứu đường Nguyễn Trãi - 2

Ở cả 2 chiều đường Nguyễn Trãi, 2 làn sát vỉa hè, xe máy - xe thô sơ - xe buýt được phép hoạt động. Làn 3 - 4 sát dải phân cách, xe ô tô được phép hoạt động (Ảnh: Mạnh Quân).

Đồng quan điểm, anh Đỗ Đình Mạnh (36 tuổi, phường Nhân Chính, Thanh Xuân) cho biết việc để dải phân cách cứng chia làn là hợp lý. Theo anh Mạnh, việc phân chia làn sẽ giảm thiểu tình trạng giao thông hỗn loạn vào giờ cao điểm như lâu nay.

Tuy nhiên anh Mạnh cũng như nhiều người dân sinh sống trên đường Nguyễn Trãi băn khoăn, khi anh đi ô tô ở làn riêng, muốn rẽ về nhà thì làm thế nào.

"Điều đầu tiên thấy rõ nhất là việc phân chia làn giúp giao thông trật tự hơn chứ bình thường giao thông trên tuyến đường này thường xuyên hỗn loạn ở cả hai chiều. Việc phân tách làn phương tiện là cần thiết, rất hữu hiệu trong việc ngăn chặn những người vô ý thức lấn làn gây nên nạn kẹt xe. Hơn nữa khi không có dải phân cách thì tuyến đường này giao thông rất nguy hiểm", anh Mạnh chia sẻ.

Người dân kỳ vọng dải phân cách cứng sẽ giải cứu đường Nguyễn Trãi - 3

Đường Nguyễn Trãi vốn có tình trạng giao thông hỗn loạn, ùn tắc nghiêm trọng nhất Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

Anh Mạnh chia sẻ thêm, sau khi lắp dải phân cách chia làn, nên có lực lượng chức năng tại các điểm đặt dải phân cách để hướng dẫn, phân làn cho người dân trong những ngày đầu, để không xảy ra tình trạng đâm vào dải phân cách.

"Nhiều người góp ý nên bỏ dải phân cách vì sợ đâm vào nhưng tôi nghĩ rằng những người tự đâm vào dải phân cách chia làn đường là do không chịu quan sát, do thói quen đi ẩu", anh Mạnh nói.

Liên quan đến việc chia tách làn phương tiện trên đường Nguyễn Trãi, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Hải - Đại diện Ban Duy tu các công trình giao thông Hà Nội cho biết, đây là tuyến đường đầu tiên ở Hà Nội thực hiện thí điểm tách làn riêng cho xe buýt, xe máy. Về việc này, Sở GTVT TP Hà Nội đã giao Ban duy tu tổ chức triển khai hoàn thiện hệ thống hạ tầng tổ chức giao thông (bổ sung biển báo, vạch sơn dẫn hướng, dải phân cách cứng, trụ va xô...) theo phương án đã thống nhất và hoàn thành xong trước ngày 6/8. Đồng thời, theo dõi quá trình tổ chức giao thông để đánh giá kỹ các tồn tại, bất cập của phương án thí điểm và đề xuất điều chỉnh cho phù hợp.

Người dân kỳ vọng dải phân cách cứng sẽ giải cứu đường Nguyễn Trãi - 4

Thời gian phân luồng giao thông thí điểm trên đường Nguyễn Trãi sẽ kéo dài từ ngày 6/8 đến ngày 6/9/2022 (Ảnh: Mạnh Quân).

"Để phục vụ công tác lắp đặt dải phân cách, chúng tôi huy động 4 nhóm công nhân, tiến hành từ 21h ngày 5/8 và hoàn thành vào 5h ngày 6/8", ông Hải cho biết.

Trước thắc mắc của người dân về việc lắp đặt dải phân cách gây bất tiện cho những người sinh sống trên đường Nguyễn Trãi, ông Hải giải thích, đường Nguyễn Trãi có nhiều mặt cắt không đồng đều, giao cắt với nhiều ngõ và tuyến phố, do đó chỉ lắp đặt dải phân cách được tại những khu vực không có giao cắt và không có ô tô ra vào chứ không phải lắp đặt dải phân cách cứng trên toàn tuyến.

"Tổng chiều dài lắp đặt thí điểm dải phân cách là 748m được chia thành 11 đoạn. Hướng đi Ngã Tư Sở, chiều dài dải phân cách là 385m, hướng đi hầm chui Thanh Xuân, chiều dài dải phân cách là 353m. Trong quá trình thí điểm, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu thực tế, lấy ý kiến đóng góp của người dân để điều chỉnh cho phù hợp, tạo điều kiện cho phương tiện lưu thông thuận lợi", ông Hải thông tin thêm.

Tổ chức lại giao thông tuyến đường Nguyễn Trãi đoạn từ hầm chui Thanh Xuân đến Ngã Tư Sở.

Cụ thể, cả 2 chiều đường Nguyễn Trãi được tổ chức phân làn phương tiện theo hướng 2 làn sát vỉa hè: Xe máy - xe thô sơ - xe buýt được phép hoạt động. Cùng với 3 - 4 làn sát dải phân cách, xe ô tô được phép hoạt động - Điều chỉnh phân làn phương tiện bằng dải phân cách cứng (mũi tên phản quang, trụ chống va xô (bằng lốp), hàng rào di động...) kết hợp điều chỉnh hệ thống biển báo, sơn kẻ. Thời gian phân luồng giao thông thí điểm từ ngày 6/8 đến ngày 6/9.

Tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn dự kiến thí điểm từ cầu vượt Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân) dài 1.5km.

Hướng đi Ngã Tư Sở có 5 làn đường, hướng đi Khuất Duy Tiến có 6 làn đường.

Trên tuyến có 3 điểm mở quay đầu tại dải phân cách giữa, tại các vị trí: Trước Công ty thuốc lá Thăng Long, trước Công ty cao su Sao Vàng, trước ngân hàng Agribank.

Hướng từ Khuất Duy Tiến đi Ngã Tư Sở: Giao cắt với 3 đường, 8 ngõ, 15 điểm giao cắt với lối vào các công ty, cơ quan, cây xăng…

Hướng từ Ngã Tư Sở đi Khuất Duy Tiến: Giao cắt với 6 đường, 15 ngõ, 8 điểm giao cắt với lối vào các cơ quan, trường học…